27/11/2019 19:04
Ngành gỗ Việt Nam dẫn đầu khu vực nhưng hầu hết doanh nghiệp chỉ tập trung cho lợi ích riêng
Đó là nhận định của ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM tại diễn đàn nội thất Đông Nam Á.
Asean trở thành trung tâm sản xuất đồ gỗ thế giới giới nhờ lợi thế tự nhiên
Theo ông Khanh, ASEAN hoàn toàn có thể trở thành một nền kinh tế mạnh, trung tâm sản xuất đồ gỗ của thế giới nhờ vào nhiều lợi thế về tự nhiên, con người. Với dân số hơn 600 triệu người, kết cấu dân số trẻ, độ tuổi trung bình 29,1, ASEAN là khu vực có dân số lớn thứ 3 thế giới, số người trong độ tuổi lao động gần bằng quy mô dân số toàn EU. GDP ASEAN trị giá hơn 2.500 tỷ USD, là khu vực kinh tế lớn thứ 6 thế giới. Các nền kinh tế ở đây đã tạo ra một trong những khu vực trẻ và tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Với ngành công nghiệp chế biến gỗ, nội thất, ASEAN là khu vực nhiều ưu thế vượt trội về nguyên liệu, sản xuất, phân phối, quy mô thị trường để phát triển ngành gỗ, nội thất. Năm 2018, toàn khối ASEAN xuất khẩu đồ gỗ 12,1 tỷ USD trên tổng lượng xuất khẩu 150 tỷ USD toàn cầu, chứng tỏ đây là trung tâm sản xuất đồ gỗ lớn trên thế giới. Các thị trường chính của đồ gỗ Đông Nam Á là Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc, Canada...
Nhiều chuyên gia quốc tế đã có những nhận định về ngành gỗ Việt Nam. |
Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Philippines là những nhà cung cấp đồ nội thất Đông Nam Á đang phát triển nhanh với 2/3 năng lực sản xuất ưu tiên cho xuất khẩu. Tỷ lệ xuất khẩu / sản xuất cho khu vực này là khoảng 66%, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình của thế giới (khoảng 30%). Ước lượng, năng lực sản xuất gỗ, nội thất của Đông Nam Á đáp ứng được 5% tổng lượng tiêu thụ đồ nội thất ở Mỹ và 2% với Tây Âu.
Trong đó, Việt Nam với tiềm lực sản xuất và truyền thống hiện dẫn đầu Đông Nam Á về kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, thứ 2 châu Á và thứ 5 toàn cầu. Việt Nam tạo ra cảm hứng mang tính dẫn dắt sự phát triển của ngành tại Đông Nam Á trở thành đối trọng với sức cạnh tranh cao với nhiều khu vực khác.
Cần xây dựng thương hiệu ngành
Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Ngành gỗ Việt Nam dẫn đầu khu vực về tiềm lực nhưng hầu hết doanh nghiệp chỉ tập trung cho lợi ích riêng, thương hiệu riêng, sản phẩm riêng mà chưa thấy rõ được lợi ích to lớn của việc xây dựng thương hiệu ngành.
Bản thân các nước trong ASEAN cũng cạnh tranh với nhau. Vì vậy, cần có mục tiêu chung lớn hơn để tạo sự gắn kết, đồng thuận – hợp tác vì sự thịnh vượng chung. Nếu biết kết hợp các thế mạnh của nhau, liên minh với các đối tác khu vực, sẽ tạo nên chuỗi giá trị của ngành gỗ, tạo ra sản phẩm uy tín, chất lượng. Với sự liên kết đó, tương lai không xa, ngành gỗ Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung sẽ phủ kín bản đồ thương hiệu thế giới.
Ở tầm gần và ngắn hạn, khai thác chính tiềm năng của thị trường ASEAN là ưu tiên cấp thiết của doanh nghiệp Việt Nam có thể làm ngay. ASEAN nhập khẩu nội thất từ khắp thế giới khoảng 3,3 tỉ USD/ năm nhưng doanh nghiệp Việt Nam chỉ xuất vào thị trường này gần 70 triệu USD/ năm, tương ứng 5%.
Sự phát triển mua sắm trực tuyến là lợi thế của các doanh nghiệp gỗ. |
Trong khi đó, xuất khẩu nội khối chỉ 730 triệu USD, so với nhu cầu đến 3,3 tỉ USD/năm cho thấy khoảng trống thị trường mênh mông và nhu cầu gia tăng thương mại, thay thế nhập khẩu là rất lớn. ASEAN với quy mô thị trường lớn, sự tương đồng cao về thị hiếu, thẩm mỹ và nhu cầu mua sắm là lợi thế để doanh nghiệp Việt Nam và trong khối khai thác.
Các nền tảng thương mại điện tử đang phát triển rất mạnh, thay đổi cuộc chơi rất nhanh, việc mở rộng mạng lưới phân phối không cần quá nhiều nguồn lực hạ tầng giống như trước đây nữa, chuyển đổi số hóa sẽ thay đổi cục diện việc khai thác giá trị hàng hóa với chi phí rất thấp và nhanh chóng. Doanh nghiệp Việt Nam và ASEAN có thể tận dụng lợi thế này để chuyển đổi kỹ thuật số, phát triển nhà xuất khẩu kỹ thuật số, người tiêu dùng kỹ thuật số thúc đẩy thị trường tiêu dùng.
Liên kết hợp tác trong ngành gỗ ASEAN dựa trên tiềm lực của từng quốc gia và chiến lược của từng doanh nghiệp. Với liên kết dọc là các trục mạnh về sản xuất của Việt Nam – Indonesia – Lào – Myanmar kết hợp với trục thương mại – thiết kế - dịch vụ phát triển cao của Thái Lan – Singapore – Malaysia - Philippines. Liên kết ngang là các Hiệp hội thành viên AFIC trong định hướng chiến lược và liên minh vì sự phát triển bền vững của ngành.
Nhìn xa hơn ra bên ngoài, tác động của thương chiến Mỹ - Trung đang tạo ra dòng dịch chuyển về cung – cầu đồ gỗ từ các khu vực khác tới Đông Nam Á. 7 tháng đầu năm 2019, đồ gỗ và nội thất Trung Quốc xuất sang Hoa Kỳ đạt 14,3 tỉ USD, giảm 18,3%, chỉ còn chiếm 50% thị phần Hoa Kỳ. Khoảng trống mà Trung Quốc để lại trị giá hơn 20 tỉ USD, xét toàn diện về thực lực, doanh nghiệp ngành gỗ ASEAN hoàn toàn có thể lấp đầy.
Hầu hết các khách hàng Mỹ, châu Âu đều muốn tìm nguồn hàng ngoài Trung Quốc, đây là thời cơ rất lớn để AFIC có tầm nhìn chung, có nhiều hoạt động đón lấy cơ hội quý giá, nâng vị thế của khối để cùng hưởng lợi. Liên kết để bổ sung và tiếp ứng sức mạnh tạo thành đối trọng cạnh tranh các thị trường sản xuất khác: Trung Quốc, châu Âu (Đức, Ý, Ba Lan v.v.)
Ngành gỗ ASEAN đã và đang có những ứng phó tích cực nhằm đáp ứng với các thay đổi từ thị trường toàn cầu, bao gồm các cơ chế chính sách ở cấp quốc gia và thay đổi trong hoạt động sản xuất kinh doanh cấp doanh nghiệp.
Mục tiêu cao nhất thị trường ASEAN hướng đến, đó là cổ súy và thúc đẩy mối liên kết lẫn nhau giữa các doanh nghiệp ngành gỗ ASEAN.
Advertisement