09/08/2021 07:57
Ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc đối mặt với khủng hoảng dư thừa công suất
Ngành công nghiệp xe điện (EV) của Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ, nhờ vào nhanh chóng áp dụng những công nghệ mới. Nhưng đời không như mơ, ngành công nghiệp này có khả năng phải đối mặt với khủng hoảng dư thừa công suất trong thời gian tới.
Một chuyên gia trong ngành tiết lộ, ngành công nghiệp xe điện đang trong giai đoạn bùng nổ, khi các công ty khởi nghiệp mạnh nhất cũng như những nhà sản xuất ô tô truyền thống, tung nhiều mẫu xe mới hòng vượt qua đối thủ cạnh tranh.
"Triển vọng thị trường rất sáng sủa nhưng điều đó không đủ để đảm rằng mọi công ty tham gia cuộc chơi đều có thể trở thành kẻ chiến thắng", Chen Jinzhu, CEO của Shanghai Mingliang Auto Service – công ty cung cấp dịch vụ bảo dưỡng xe và bán xe cũ, tiết lộ. "Hàng tỉ Nhân Dân Tệ sẽ bị lãng phí khi một số công ty hoạt động kém hiệu quả trong trường hợp không thể tiếp tục tham gia cuộc chơi."
Tốc độ điện khí hóa ngày càng nhanh trên các con đường ở Trung Quốc Đại lục đã thu hút khoảng 500 công ty. Họ đầu tư hàng chục tỉ USD vào việc phát triển, thiết kế và lắp ráp xe điện. Theo Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc thuộc chính phủ nước này, các công ty lắp ráp ô tô Trung Quốc đã lên kế hoạch xây dựng tổng công suất hàng năm đạt mức 20 triệu xe điện từ năm 2017.
Tạp chí này cảnh báo, ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc sẽ đối mặt với tình trạng thừa công suất nghiêm trọng trong những năm tới vì nó đnag có dấu hiệu phát triển quá nhanh. Tổng lượng xe điện đã giao tại Trung Quốc, vốn là thị trường ô tô lớn nhất thế giới, đạt 1,17 triệu chiếc vào năm 2020, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một ước tính triển vọng từ ngân hàng Thụy Sĩ UBS gần đây cho biết, 25% doanh số xe con mới tại đại lục vào năm 2025 sẽ sử dụng năng lượng pin, đạt mức 6,6 triệu chiếc. Các nhà sản xuất ô tô thông thường, quỹ đầu tư, những gã khổng lồ công nghệ cũng như những nhà cung cấp linh kiện ô tô đã và đang đầu tư vào các dự án xe điện nhằm khai thác những nỗ lực của Trung Quốc trong việc trung hòa mức độ carbon trong không khi từ năm 2060.
Chính phủ Bắc Kinh cũng hy vọng các công ty xe điện trong nước có thể chiếm lĩnh thị trường bằng những công nghệ cốt lõi, từ pin cho đến hệ thống tự lái. Củng cố cho tham vọng trở thành cường quốc xe điện trên toàn cầu của Trung Quốc.
Chính quyền nhiều địa phương, bao gồm Thượng Hải, Hợp Phì (thủ phủ tỉnh An Huy), Quảng Đông và Vũ Hán (thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc), đều đã áp dụng các ưu đãi hấp dẫn cho những công ty hàng đầu trong việc thiết lập cơ sở sản xuất, tạo ra một chuỗi công nghiệp trị giá hàng tỉ USD.
"Cơn sốt đầu tư đã gây ra nhiều lo ngại về vấn đề dư thừa", Cao Hua, một đối tác của công ty cổ phần tư nhân Unity Asset Management, cho biết. "Sản xuất ô tô là một ngành sử dụng nhiều vốn và hàng tỉ tệ có thể vẫn không đủ để xây dựng một thương hiệu và nhà máy ô tô mới."
Hồi năm ngoái, William Li, người sáng lập và là CEO của NIO – một công ty khởi nghiệp xe điện hàng đầu Trung Quốc, cho biết rằng cần ít nhất 20 tỉ Nhân dân tệ (tương đương 3,1 tỉ USD) để đầu tư vào một công ty khởi nghiệp xe điện trước khi có thể phát triển một mô hình sản xuất.
"Nhiều công ty xe điện sẽ không thể thiết kế và phát triển một mẫu xe duy nhất trước khi phá sản", Gao Shen, một nhà phân tích độc lập tại Thượng Hải, cho biết. "Ngay cả khi họ có thể giới thiệu một chiếc xe mới ra thị trường, vẫn chưa chắc liệu mẫu xe đó có được khách hàng đón nhận hay không."
Theo Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc, Byton, một công ty khởi nghiệp xe điện ở Trung Quốc từng được quảng cáo là đối thủ tiềm năng thách thức Tesla, đã đốt hết 8,4 tỉ Nhân dân tệ tiền mặt mà vẫn chưa tung ra được một chiếc ô tô nào.
Cui Dongshu, Tổng thư ký Hiệp hội Xe con Trung Quốc (CPCA), đã đề xuất các công ty lắp ráp xe điện tại nước này tận dụng tốt hơn chuỗi cung ứng hiện có để quản lý chi phí hiệu quả hơn và tăng lợi nhuận.
"Điều quan trọng là cắt giảm chi phí và tinh chỉnh lại hệ thống sản xuất hoàn chỉnh", ông cho hay. "Các công ty phải thành thạo trong việc điều chỉnh chuỗi cung ứng của mình, nhằm tồn tại trong thị trường đang thay đổi nhanh chóng tại Trung Quốc."
Theo CPCA, 48,5% công suất sản xuất ô tô của Trung Quốc được sử dụng vào cuối năm 2020, giảm kha khá so với mức 66,6% hồi năm 2017. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy ngành công nghiệp này đang xuất hiện những vấn đề dư thừa công suất.
"Đến cuối cùng, Trung Quốc không cần nhiều nhà máy và thương hiệu xe điện đến như vậy", Gao Shen cho biết. "Rất nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập có thể sẽ diễn ra trong thời gian tới."
(Theo SCMP)
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp