31/08/2022 10:32
Ngân hàng sẽ được cấp thêm 3-5% 'room' tín dụng
Với khoảng 457.000 tỷ đồng được phân bổ về cho các ngân hàng, mức dự báo hạn mức tín dụng bổ sung vào khoảng 3-5%, tùy từng ngân hàng.
Ghi nhận trong báo cáo thị trường tiền tệ, trái phiếu tuần gần nhất (22-26/8), các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán SSI cho biết trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn tiếp tục điều hành hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt với sự điều tiết trên thị trường mở nhằm giảm áp lực tới tỷ giá USD/VNĐ.
Trong đó, NHNN tiếp tục phát hành tín phiếu với tổng khối lượng 33.000 tỷ đồng tuần qua, tập trung ở các kỳ hạn 7, 14 và 28 ngày. Lãi suất phát hành cũng được nâng lên 4%/năm với kỳ hạn 14 ngày (từ mức 3%/năm tuần trước đó) và giữ nguyên 2,6%/năm cho kỳ hạn 7 ngày; 3,45%/năm cho kỳ hạn 28 ngày.
Bên cạnh việc phát hành tín phiếu, NHNN cũng đã bán giao ngay một khối lượng lớn USD trong Dự trữ ngoại hối khi áp lực về tỷ giá tăng dần trong bối cảnh đồng USD có xu hướng mạnh lên trước thềm Hội nghị chuyên đề kinh tế Jackson Hole (Mỹ), theo Zing.
Ở chiều ngược lại, hoạt động mua tín phiếu kỳ hạn để hỗ trợ thanh khoản cục bộ cho một vài thành viên thị trường vẫn được NHNN sử dụng với khối lượng tăng lên trung bình khoảng 1000 tỷ đồng/phiên.
Số tiền VNĐ bơm ra thị trường này cùng với lượng lớn tín phiếu đáo hạn tuần trước đã giúp thị trường đón nhận thêm dòng tiền khoảng 40.000 tỷ đồng từ NHNN tính riêng hoạt động trên thị trường mở.
Tuy vậy, việc thị trường chuẩn bị bước vào kỳ nghĩ lễ 2/9 kéo dài khiến thanh khoản hệ thống ngân hàng căng hơn đã giúp lãi suất VNĐ trên thị trường liên ngân hàng tăng lên mức 3,5%/năm với kỳ hạn qua đêm. So với một tuần trước đó, mức lãi suất mới này đã tăng 1 điểm %.
Trong phiên 29/8 vừa qua, lãi suất cho vay VNĐ liên ngân hàng qua đêm tiếp tục tăng lên 3,88%/năm; trong khi lãi suất cho vay 1 tuần cũng tăng lên 4,28%/năm và kỳ hạn 2 tuần là 4,14%/năm.
Theo SSI, với việc chỉ có 3 ngày giao dịch trong tuần này và nhu cầu tiền mặt trước kỳ nghỉ lễ dài tăng đột biến, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao.
Đáng chú ý, SSI cho biết NHNN đã thông báo về việc bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng trong tuần này. Trong đó, hạn mức tăng trưởng tín dụng điều chỉnh trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm, cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Như vậy, sẽ có khoảng 457.000 tỷ đồng được phân bổ về cho các ngân hàng, với mức dự báo hạn mức tín dụng bổ sung vào khoảng 3-5%, tùy tình hình sức khỏe của từng ngân hàng.
Các chuyên gia cho rằng, việc thận trọng trong tăng trưởng tín dụng là cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi áp lực lạm phát ngày càng gia tăng và tỷ lệ tín dụng/huy động vốn từ thị trường 1 (tiền gửi của doanh nghiệp và người dân) đã đạt 99%, đồng nghĩa với hệ thống ngân hàng huy động được 100 đồng thì cho vay tới 99 đồng. Tuy nhiên, không nên quá lo ngại mà bóp nghẹt thị trường để có thể tận dụng được cơ hội phục hồi.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, lạm phát tại Việt Nam hiện nay chủ yếu do chi phí đẩy, nếu chúng ta có thể kiểm soát giá xăng dầu và giá thịt lợn thì có thể tự tin kiểm soát được lạm phát dưới 4%. Khi cả thế giới đang đối mặt với lạm phát thì chúng ta đã kiểm soát được, đó là một cơ hội rất tốt, theo Dân Việt.
Về thanh khoản của hệ thống, ông Lực cho rằng hoàn toàn trong khả năng kiểm soát. Tỷ lệ cho vay so với vốn lưu động trong thị trường 1 theo tính toán sơ bộ đến thời điểm hiện nay là 92%, vẫn ở mức an toàn. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn hiện nay 25,2% và ngưỡng cho phép của NHNN bắt đầu từ 1/10 năm nay là 34%, tức là vẫn trong tầm kiểm soát.
Theo quan sát của chuyên gia này, dòng vốn trung và dài hạn chảy vào hệ thống các ngân hàng đang mạnh hơn đặc biệt là từ tháng 6,7,8. Tỷ trọng vốn ngắn hạn và trung dài hạn hiện nay đã khác không còn ở tỷ lệ 20% - 80% như trước đây mà đã cải thiện hơn rất nhiều.
Không kiến nghị cụ thể về room tín dụng, song TS. Cấn Văn Lực cho rằng, tín dụng hiện mới chỉ chiếm chưa đầy 50% tổng vốn đầu tư toàn nền kinh tế. Vì vậy, không phải "bung" tín dụng là sẽ gây ra lạm phát, quan trọng là tín dụng rót vào lĩnh vực nào. Nếu sử dụng vào các lĩnh vực hiệu quả, tăng tín dụng sẽ không "kích" lạm phát lên.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Tag:
# ngân hàng nhà nướcAdvertisement
Advertisement
Đọc tiếp