Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Ngân hàng cho vay 480.000 tỷ đồng chỉ trong tháng 6/2024

Ngân hàng

10/07/2024 13:35

Hai tuần cuối tháng 6, tín dụng tăng mạnh, các ngân hàng cho biết dòng tiền "chảy" vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nhờ kinh tế vĩ mô hồi phục. Trong tháng 6, ngành ngân hàng bơm thêm 480.000 tỷ đồng ra nền kinh tế, cao hơn tổng số vốn hấp thụ 5 tháng đầu năm.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến hết tháng 6 đạt khoảng 6% so với đầu năm, đạt gần 14,4 triệu tỷ đồng.

Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng đạt mức ấn tượng trong tháng 6 với mức tăng 3,6%. Trước đó, tăng trưởng tính đến cuối tháng 5 chỉ đạt 2,4%/năm.

Như vậy, riêng trong tháng 6, nền kinh tế đã hấp thụ được 480.000 tỷ đồng, cao hơn so với tổng lượng tiền được hấp thụ trong 5 tháng đầu năm.

Theo mục tiêu được Thủ tướng giao ngành ngân hàng, đến hết quý 2 tín dụng phải tăng trưởng 5-6%.

Ngân hàng cho vay 480.000 tỷ đồng chỉ trong tháng 6/2024- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Tăng trưởng tín dụng tăng mạnh là có sự đóng góp của khoản tín dụng kỷ lục trị giá 1,8 tỷ USD (hơn 45.000 tỷ đồng) mà 3 ngân hàng Vietcombank, BIDV và VietinBank cho vay để Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) triển khai Dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành - Giai đoạn 1, theo Zing.

Đây là dự án có số tiền tài trợ vốn lớn nhất ngành ngân hàng, trong đó riêng Vietcombank tham gia tài trợ vốn 1 tỷ USD.

Theo dự báo của các chuyên gia, nhu cầu vay vốn trong nửa cuối năm sẽ tăng tốc nhờ kinh tế vĩ mô hồi phục. Lĩnh vực sản xuất có những tín hiệu phục hồi khi chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng qua ước tăng 7,54% so với cùng kỳ năm 2023, riêng ngành chế biến - chế tạo tăng 8,67%.

Về xuất nhập khẩu, trong nửa đầu năm, trị giá xuất khẩu đạt 190,73 tỷ USD, tăng 14,9% (tương ứng tăng 24,74 tỷ USD), trị giá nhập khẩu đạt 178,88 tỷ USD, tăng 17,3% (tương ứng tăng 26,34 tỷ USD).

“Những số liệu trên cho thấy dấu hiệu phục hồi của các ngành sản xuất, đồng thời mở ra tín hiệu tích cực đối với khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp”, một chuyên gia nhận xét.

Bên cạnh đó, báo cáo của FiinRatings cũng cho rằng tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản, bao gồm đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bất động sản của các ngân hàng thương mại, có triển vọng hồi phục khi các vướng mắc về pháp lý dần được tháo gỡ. Các bộ luật mới cũng được kỳ vọng tạo điều kiện thuận lợi hơn.

Điểm tích cực hiện nay là mặt bằng lãi suất cho vay được duy trì ở mức ổn định, dù lãi suất huy động đã tăng khoảng 0,5%/năm trong vài tháng gần đây. Các ngân hàng thương mại khẳng định sẽ duy trì mặt bằng lãi suất thấp để kích cầu tín dụng.

Giới phân tích đánh giá, với đà tăng tốc huy động vốn của doanh nghiệp trong nửa cuối năm, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14-15% cả năm của NHNN có thể hoàn thành.

Tuy nhiên, NHNN khẳng định, dù room tín dụng đã được cấp cho các ngân hàng ngay từ đầu năm, song NHNN sẽ rà soát lại khả năng tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng và điều hòa trong toàn hệ thống để chuyển từ ngân hàng không có nhu cầu sang các ngân hàng có khả năng tăng trưởng.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) yêu cầu các ngân hàng thương mại rà soát và báo cáo lại khả năng tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm để NHNN phân bổ phù hợp, nếu ngân hàng nào cố tình “ôm” room tín dụng nhưng không thể tăng trưởng thì sẽ bị xem xét khi cấp room tín dụng năm tới, theo Vnbusiness.

Mặc khác, NHNN cũng nhắc nhở các ngân hàng về tín dụng tăng vọt bất ngờ và yêu cầu các ngân hàng không tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá, mà phải chú trọng chất lượng.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), cho rằng tín dụng không nên cứ tăng đều đặn ở mức độ 15%/năm, mà cần giảm dần. Hiện, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất thế giới. Nếu tình trạng này kéo dài - tăng trưởng GDP mỗi năm khoảng 5-6%/năm (cộng với lạm phát khoảng 4%/năm) trong khi tín dụng tăng 15% - thì tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP ngày càng lớn, trở thành “quả bom nổ chậm”, dễ tạo “bong bóng” đầu cơ tài sản.

Chính vì vậy, theo chuyên gia này, ngay cả khi tín dụng năm nay không tăng trưởng 15%/năm thì cũng không đáng ngại, mà dần dần phải kéo giảm con số này, thay vào đó là phát triển các kênh huy động vốn khác, giảm phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.

AN LY (tổng hợp)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement