12/08/2022 10:53
Ngắm siêu trăng và mưa sao băng cùng xuất hiện trong đêm nay tại Việt Nam
Đêm nay 12/8 (rằm tháng 7 âm lịch), những người yêu thiên văn Việt Nam sẽ được chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn kỳ thú khi siêu trăng và mưa sao băng cực đại cùng xuất hiện.
Đặc điểm của siêu trăng là chúng to hơn khoảng 14% và sáng hơn 30% so với trăng tròn thông thường. Nguyên nhân là bởi khi Mặt Trăng ở vị trí gần hơn, chúng sẽ phản xạ thêm nhiều ánh sáng hơn tới Trái Đất.
Lần trăng tròn này còn được biết đến với tên gọi Trăng Cá Tầm hay siêu Trăng Xanh, siêu Trăng Hạt. Đây là lần siêu trăng cuối cùng của năm nay. Lần siêu trăng đầu tiên diễn ra trong năm này là vào 14/6, lần thứ 2 là 13/7, để lại nhiều hình ảnh kỳ thú, theo TTXVN.
Theo Live Science, tên gọi "trăng cá tầm" được nhắc đến lần đầu tiên trong cuốn sách Farmer's Almanac xuất bản năm 1818. Tại đây, mỗi kỳ trăng tròn trong năm đều được người Mỹ bản địa quy ước đi kèm một hoạt động nhất định để tiện cho việc xác định thời gian.
Trong đó, trăng tròn tháng 8 được gọi là "trăng cá tầm" do gắn với hoạt động đánh bắt cá tầm của bộ lạc Algonquin ở miền đông Bắc Mỹ, chỉ diễn ra trong đợt trăng sáng đặc biệt này, theo Dân trí.
Một điều thú vị, siêu trăng năm nay trùng với đỉnh điểm của mưa sao băng Perseid, một trong hai trận mưa sao băng lớn nhất năm. Có nguồn gốc từ sao chổi Swift-Tuttle, được phát hiện năm 1862, mưa sao băng Perseids xuất hiện trên bầu trời trong khoảng ngày 17/7 đến 24/8 hàng năm, đạt cực đại vào đêm 12, rạng sáng ngày 13/8 với tần suất cực đại có thể đạt tới 60-80 vệt băng/giờ.
Việc siêu trăng và mưa sao băng cùng xuất hiện khiến cho việc quan sát sao băng sẽ khó hơn. Tuy nhiên nếu chọn thời điểm phù hợp, kiên nhẫn chờ đợi, người quan sát vẫn có thể chứng kiến nhiều dải băng sáng và đẹp. Điều này khiến đêm rằm tháng 7 năm nay trở thành đêm quan sát thiên văn thú vị.
Để quan sát được mưa sao băng nên chọn thời điểm sau nửa đêm, chọn nơi ít ánh sáng đèn và ô nhiễm không khí. Sao băng có thể xuất phát từ chòm sao Anh Tiên nhưng cũng có thể xuất hiện bất cứ đâu trên bầu trời.
Lưu ý xem dự báo thời tiết trước khi quan sát.
Tuy nhiên, nếu như không thể xem trực tiếp được, bạn cũng có thể xem qua màn hình máy tính bằng cách truy cập các trang web sau:
Nguồn cấp dữ liệu trực tuyến của NASA TV (https://www.nasa.gov/nasalive).
Đài quan sát Griffith ở Los Angeles cũng chiếu trực tiếp vào lúc hiện tượng hiếm có này diễn ra (https://livestream.com/GriffithObservatoryTV/LunarEclipseJanuary2018)
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement