21/04/2022 08:43
Nền kinh tế của Ukraina hoạt động như thế nào trong thời chiến?
Gần hai tháng sau khi Nga tấn công Ukraina, xung đột tiếp tục làm suy yếu nền kinh tế của nước này và vấn đề làm thế nào để giúp nền kinh tế của quốc gia Đông Âu này duy trì hoạt động có thể là chủ đề chính trong cuộc họp của Ngân hàng thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đang diễn ra tại Washington (Mỹ).
Các giám đốc tài chính hàng đầu từ Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bắt đầu hội nghị thượng đỉnh mùa xuân tại Washington, DC, vào thứ Tư (20/4) trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm do hậu quả của đại dịch và cuộc tấn công của Nga vào Ukraina.
Thủ tướng Ukraina Denys Shmyhal và Bộ trưởng Tài chính Serhiy Marchenko đã bay đến Hoa Kỳ và dự kiến gặp các lãnh đạo hàng đầu của Ngân hàng Thế giới-IMF vào thứ Năm (21/4) để thảo luận về những hỗ trợ tài chính bổ sung cho đất nước này.
Nền kinh tế Ukraina dự kiến sẽ bị suy giảm đến tới 45% trong năm nay do cuộc xung đột và lạm phát đã chạm mức 13,7% khi giá cả đã tăng 4,5% trong một tháng, theo số liệu của Ngân hàng trung ương Ukraina.
IMF và Ngân hàng Thế giới đã phê duyệt khoản vay hơn 2 tỷ USD cho Kyiv kể từ khi cuộc tấn công của Nga vào nước này bắt đầu vào ngày 24/2; trong khi Ngân hàng Thế giới tuần trước cho biết họ đang chuẩn bị gần 1,5 tỷ USD trong quỹ bổ sung để cho phép chính phủ Ukraina duy trì các dịch vụ thiết yếu.
Cuối tuần qua, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết "cần có thêm [quỹ] ... để duy trì hoạt động của nền kinh tế và ngăn chặn lạm phát gia tăng".
Các khoản cho vay 'không đủ'
Nhà kinh tế học Oleksandr Kravchuk nói rằng, mặc dù loại tài trợ này là rất quan trọng để củng cố tài chính của Ukraina, nhưng "những khoản tiền này rõ ràng là không đủ cho sự ổn định tài chính".
"Hầu hết tất cả các khoản tiền được cấp bởi các đối tác quốc tế đều là các khoản vay - ngay cả khi với lãi suất nhỏ.
Kravchuk kêu gọi xóa bỏ "một số lượng đáng kể" các khoản nợ trước đây đối với Ukraina.
Ngay cả trước chiến tranh, nợ nước ngoài của Ukraina đã lên tới 129 tỷ USD, theo Ngân hàng Thế giới - tương đương 78,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Ngân hàng trung ương Ukraina cho biết, họ dự kiến sẽ hoàn trả 16 tỷ USD trong số đó vào năm 2022.
Khoản nợ của Ukraina đã được tái cơ cấu một lần trước đó - một năm sau khi cuộc chiến năm 2014 ở miền Đông Ukraina nổ ra. IMF đã đồng ý với Kyiv để hoãn một số khoản thanh toán trong ba năm và xóa 1/5 khoản nợ.
Việc tái cơ cấu đi kèm với các điều kiện nghiêm ngặt buộc Kyiv phải tăng tốc thanh toán nếu GDP tăng hơn 3% mỗi năm, điều mà Kravchuk cho rằng đã trở thành "một cái thòng lọng quanh cổ nền kinh tế".
Các tổ chức quốc tế khác cũng đang tập trung vào việc làm thế nào để thúc đẩy nền kinh tế Ukraina. Tháng trước, Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng một cuộc chiến tranh kéo dài và khốc liệt hơn có thể khiến tỷ lệ nghèo đói của Ukraina tăng lên gần 30% dân số, làm mất đi 18 năm tiến bộ của nền kinh tế.
Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) kêu gọi các nước khác giúp tài trợ "thu nhập cơ bản tạm thời" cho người dân Ukraina.
Kravchuk nói: “Mọi người đã đánh mất cơ hội kiếm tiền của mình. Ông nói thêm rằng, mặc dù chính phủ hiện vẫn hỗ trợ phúc lợi xã hội ở mức trước chiến tranh, nhưng hàng tháng vẫn thâm hụt 5-7 tỷ USD do nguồn thu từ thuế và hải quan giảm mạnh”.
Trong khi đó, Kyiv đã tạm thời cố định tỷ giá hối đoái của đồng tiền của đất nước - đồng hryvnia – nhằm giúp kiềm chế lạm phát.
Chính phủ cũng đã cắt giảm thuế và điều chỉnh giá một số loại thực phẩm, nhiên liệu và các tiện ích công cộng trong suốt thời gian diễn ra xung đột.
Miễn lãi suất cho vay sản xuất nông nghiệp
Vai trò của Ukraina như một trong những nhà xuất khẩu lúa mì và lúa mạch lớn nhất thế giới đã chiếm ưu thế trên các tiêu đề trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến, do xuất khẩu giảm mạnh, điều đang ảnh hưởng đến an ninh lương thực toàn cầu.
Ngân hàng Thế giới đã viết trong báo cáo vào tháng trước rằng, hoạt động buôn bán ngũ cốc qua Biển Đen đã bị gián đoạn nghiêm trọng và lưu ý rằng các tàu chở hàng khô tại các cảng của Ukraina đã giảm 82% vào đầu tháng 3 so với tháng trước.
Dmytro Los, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp và Thương mại Ukraina, nói rằng nước này ban đầu đã mất tới 1/5 lãnh thổ nông nghiệp vào tay các lực lượng Nga.
Ông cho biết ưu tiên hàng đầu của Ukraina hiện nay là cung cấp thức ăn cho chính dân số của mình và xuất khẩu ngũ cốc có thể giảm 30-50% trong năm nay do một lượng lớn cây trồng không được thu hoạch.
Los cho biết: “Chúng tôi vẫn còn gặp nhiều vấn đề lớn về hậu cần hàng xuất khẩu ra khỏi Ukraina vì các cảng bị chặn, vì vậy chúng tôi chỉ có một “nút thắt rất hẹp” để kết nối Ukraina với Liên minh châu Âu và các nước khác”.
Ngân hàng trung ương Ukraina đã cung cấp các khoản vay lãi suất 0% để hỗ trợ các nhà sản xuất nông nghiệp và đăng trên trang web của mình trong tuần này rằng, khoảng 3.000 công ty đã đặt hàng – một nỗ lực giữ cho người nông dân tiếp tục mùa gieo hạt diễn ra đúng tiến độ.
Hoạt động đầu tư ở Ukraina đã giảm rõ rệt trong năm nay vì rủi ro cao và sự không chắc chắn đáng kể về thời gian của cuộc xung đột.
Chỉ 41% các công ty tiếp tục hoạt động tại Ukraina, 29% buộc phải chuyển địa điểm trong nước và 19% buộc phải tạm thời chuyển các công ty của họ ra bên ngoài Ukraina.
từ Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) đã có một cuộc khảo sát gần đây về các CEO và giám đốc điều hành hàng đầu tại Ukraina và cho thấy, 40% các công ty phải thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí do hậu quả của chiến tranh và hơn một nửa cho biết họ phải điều chỉnh mô hình kinh doanh của mình.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh tế ở thủ đô Kyiv đang hồi phục sau khi Nga thay đổi chiến lược quân sự để tập trung đánh chiếm miền đông Ukraina.
Ngân hàng trung ương Ukraina lưu ý rằng có một số dấu hiệu cho thấy cuộc sống đang trở lại bình thường ở khu vực Kyiv lớn hơn, do mức tiêu thụ điện vẫn ổn định và nhu cầu mua vé tàu trên hệ thống đường sắt quốc gia đã trở lại.
Advertisement
Advertisement