31/12/2018 03:46
Năm 2018, từ xe phổ thông đến xe sang tại Việt Nam đều "dính" lệnh triệu hồi
Trong suốt năm 2018, thị trường xe hơi Việt Nam chứng kiến đến 43 đợt triệu hồi. Các lần triệu hồi này gồm cả những dòng xe phổ thông và xe sang.
Mitsubishi
Với hãng xe Nhật Bản Mitsubishi, dù không phải là hãng xe có doanh số bán nằm trong nhóm mạnh tại Việt Nam nhưng hãng xe này cũng có nhiều đợt triệu hồi xe.
Theo đó, hồi tháng 4/2018, thông báo của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, có 918 xe Mitsubishi hiện đang có mặt tại Việt Nam do lỗi hệ thống điện trên xe ở các mẫu Lancer, Outlander, Outlander PHEV và Outlander Sport.
Đến tháng 8/2018, Mitsubishi triệu hồi 3.275 chiếc, bao gồm cả xe nhập khẩu nguyên chiếc và lắp ráp trong nước ở các mẫu Outlander Sport và Pajero Sport tại Việt Nam để khắc phục hệ thống giảm chấn cửa sau.
Tiếp tục, đến tháng 12/2018, Mitsubishi triển khai 3 đợt triệu hồi đối với dòng xe Outlander và Outlander PHEV phân phối tại Việt Nam do lỗi liên quan đến phần mềm điều khiển hệ thống phanh và hệ thống cân bằng điện tử (ASC) với số lượng gần 1.000 chiếc.
Tại Việt Nam, dòng xe lai Outlander PHEV được Mitsubishi nhập khẩu, phân phối từ tháng 9/2017. Trong khi đó, các phiên bản Outlander được hãng xe Nhật đầu tư dây chuyền lắp ráp tại nhà máy ở Dĩ An, Bình Dương.
Toyota
Toyota là hãng xe có số lượng xe bị triệu hồi khá lớn tại Việt Nam. Theo đó, hồi tháng 8/2018, hãng này có hai đợt triệu hồi liên tiếp cùng liên quan đến hệ thống túi khí trên các mẫu xe Corolla Altis, Vios và Yaris. Có tất cả 11.300 chiếc Altis, Vios và Yaris đã lọt vào danh sách triệu hồi để kiểm tra và thay thế cụm bơm túi khí của hành khách phía trước.
Hyundai
Với chiếc xe nằm trong tóp “bán chạy nhất Việt Nam” Grand i10, Hyundai Thành Công đã có đợt triệu hồi cho 11.540 xe lắp ráp trong nước. Nguyên nhân triệu hồi là do Hyundai i10 lắp ráp trong nước vì có nguy cơ gãy bu-lông bắt puly đầu trục khuỷu khi đang vận hành.
Mercedes Benz
Trong khi đó, Mercedes-Benz Việt Nam lập kỷ lục về số đợt triệu hồi xe, với 8 đợt do lỗi liên quan đến túi khí, hai đợt do lỗi dẫn đến nguy cơ cháy xe, một đợt triệu hồi xe E-Class do lỗi căng dây an toàn và đợt gần cuối năm là hơn 4.800 chiếc GLC có “lệnh’ gọi triệu do lỗi liên quan tới dây đai an toàn.
Cũng cần nói thêm, bên cạnh các đợt triệu hồi, Mercedes Việt Nam (MBV) cũng “dính” một điều tiếng kéo dài với dòng xe GLC dù không có lệnh triệu hồi. Theo đó, dòng xe này có hiện tượng bị nước vào cầu trước khiến bộ vi sai có nguy cơ bị hư. Sự việc sau đó đó chìm vào im lặng khi mùa mưa ở các đô thị dần chấm dứt và các chủ xe cũng đã gắn “ống thở” (van thông hơi) để tránh nước vào cầu.
Audi
Audi cũng triệu hồi xe tại Việt Nam do lỗi túi khí phía trước ghế phụ do Takata san xuấn. Cụ thể, hồi đầu tháng 12/2018, Audi Việt Nam đã phát đi thông báo triệu hồi dòng xe Audi A6 sản xuất từ năm 2009 đến năm 2011.
Tại Việt Nam có 103 chiếc Audi trong diện ảnh hưởng cần được kiểm tra, thay thế.
Ford
Đầu tháng 12, Ford Việt Nam thông báo triệu hồi 17.132 xe Ranger và Fiesta vì lỗi khóa cửa.
Trước đó, Ford Việt Nam có những đợt triệu hồi vì lỗi sản phẩm. Tháng 6/2018, Ford ra thông báo triệu hồi 549 chiếc Transit được sản xuất từ 15/10/2015 đến 9/12/2015 vì lỗi mối hàn giá đỡ nhíp sau vào thân xe.
Tiếp theo, giữa tháng 10, Ford Việt Nam tiến hành triệu hồi 6.938 xe Ford Transit sản xuất trong nước trong thời gian từ 3/8/2015 đến 30/7/2016.
Honda
Với Honda, đợt triệu hồi đầu tiên vào tháng 2/2018 áp dụng với dòng xe City do lỗi từ túi khí hành khách bên phụ. Có khoảng 1.500 chiếc City đã “dính” đợt triệu hồi này. Đến tháng 10/2018, cũng khoảng 1.500 chiếc được triệu hồi, tuy nhiên Honda Việt Nam không công bố thời gian sản xuất cụ thể của lô xe triệu hồi lần này mà chỉ thông báo số VIN của từng xe đế khách hàng biết.
Subaru
Dù bán ra không nhiều xe tại thị trường Việt Nam, Subaru cũng “dính” đợt triệu hồi với... 16 xe Subaru Forester phiên bản 2.0XS do Công ty Hình tượng ô tô Việt Nam phân phối. Đợt triệu hồi này bắt đầu hồi tháng 6/2018 để kiểm tra, thay thế túi khí phía trước ghế phụ.
Đến tháng 11/2018, Tập đoàn Subaru (SBR) công bố chiến dịch triệu hồi hàng loạt xe Legacy, Outback, BRZ, Impreza, XV dính lỗi liên quan đến lò xo xu-páp và màn hình hiển thị đa thông tin.
Trong các mẫu xe này, có những mẫu xe đã phân phối tại Việt Nam. Qua kiểm tra, Subaru cho biết nguyên nhân triệu hồi do lò xo xu-páp trên động cơ của những xe bị ảnh hưởng có khả năng bị gãy khi làm việc dưới áp lực cao.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp