28/01/2022 07:54
Mỹ vẫn là thị trường lý tưởng của tiêu Việt Nam trong những năm tới
Giá tiêu hôm nay 28/1 tiếp tục tăng tại các địa phương trồng tiêu trọng điểm ở Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Thị trường giao dịch từ 81.000 – 83.500 đồng/kg.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai, Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 81.000 đồng/kg.
Tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk: 82.000 đồng/kg; Bình Phước: 82.500 đồng/kg và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 83.500 đồng/kg.
Theo số liệu tổng hợp của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, trong tuần trước, thị trường cho thấy phản ứng trái chiều với giá tiêu trong nước Việt Nam ghi nhận sự gia tăng. Mặc dù giá tiêu nội địa tăng nhưng giá tiêu Việt Nam giao dịch trên thị trường quốc tế ghi nhận chiều hướng giảm trong tuần trước.
Trong khi đó, giá tiêu Ấn Độ giảm do sự suy yếu của đồng Rupee Ấn Độ so với USD (74,35 INR/USD), giảm 1%. Cùng đà giảm là tại Sri Lanka. Sau kỳ nghỉ lễ Tamil Thai Pongal, giá tiêu nội đia Sri Lanka giảm trong tuần trước.
Ở khu vực Đông Nam Á, giá tiêu trong nước và quốc tế của Indonesia ổn định trong tuần trước khi ít lượng giao dịch trên thị trường. Còn giá tiêu trong nước và quốc tế của Malaysia tiếp tục ổn định kể từ đầu tháng.
Về triển vọng thị trường, Mỹ sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam trong những năm tới. Hồ tiêu của Việt Nam đang được thị trường Mỹ khá ưa chuộng khi nhập khẩu tăng liên tục trong những năm gần đây bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Còn tại Liên minh châu Âu (EU), với Hiệp định EVFTA, các nước EU cam kết xóa bỏ thuế quan đối với sản phẩm hạt tiêu (mã HS 0904) ngay khi Hiệp định có hiệu lực. EVFTA là đòn bẩy tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu vào các nước EU (đặc biệt là đối với các sản phẩm chế biến trước đây có mức thuế từ 5 - 9%).
Trong thời gian tới, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tận dụng cơ hội để phát triển ngành chế biến hồ tiêu khi các nhà đầu tư trong khối EU chuyển nhà máy chế biến về Việt Nam để tận dụng nguyên liệu và nhân công giá rẻ, tạo động lực thúc đẩy xuất khẩu hạt tiêu sang đa dạng các thị trường EU.
Mặc dù vậy, xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường tiêu thụ lớn thứ hai của Việt Nam là Trung Quốc có thể tiếp tục không thuận lợi. Thời gian qua, chính sách “Zero Covid-19” của Trung Quốc đã gây nhiều bất lợi đối với các hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường này tại các tỉnh biên giới đất liền, gây ùn ứ cục bộ.
Trong khi đó, hồ tiêu cũng là một trong những mặt hàng nông sản được xuất khẩu chủ yếu bằng đường bộ qua cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn).
Ngoài ra, việc giá cước vận chuyển đi châu Âu và Mỹ ở mức cao, tình trạng thiếu container rỗng, tắc nghẽn tại các cảng biển trên thế giới cũng sẽ là mối lo ngại đối với xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam năm 2022.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement