29/08/2023 09:22
Mỹ - Trung đồng ý nối lại đối thoại thường xuyên về thương mại, đầu tư
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào hôm 28/8 đã đồng ý lập ra nhóm làm việc chuyên trách về các vấn đề thương mại và đầu tư cũng như trao đổi thông tin liên quan đến các quy định về hạn chế xuất khẩu các sản phẩm bán dẫn.
Theo một tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp của Bộ Thương mại Mỹ, các quan chức cấp cao của chính phủ và đại diện của khu vực tư nhân sẽ tham gia vào nhóm làm việc mới. Các cuộc họp sẽ được tổ chức hai lần một năm ở cấp thứ trưởng, bắt đầu ở Mỹ vào đầu năm 2024.
Các cuộc đối thoại liên quan đến vấn đề kiểm soát xuất khẩu chip và nhiều sản phẩm chủ chốt khác sẽ được thực hiện riêng rẽ. Cuộc gặp đầu tiên diễn ra tại Bắc Kinh ngay từ ngày hôm nay (29/8).
Hai bên đã đồng ý đối thoại về việc các bộ trưởng thương mại sẽ gặp trực tiếp ít nhất một lần mỗi năm nhằm ngăn căng thẳng leo thang bất ngờ. Thỏa thuận mới nhất của Mỹ - Trung Quốc có được khi mà xuất hiện ngày một nhiều nỗi lo từ cả hai nước về việc căng thẳng leo thang sẽ gây tổn hại nặng đến tăng trưởng kinh tế Mỹ và Trung Quốc.
Bà Raimondo nói rằng hai nước sẽ vẫn có thể tiếp tục đối thoại nếu họ cởi mở và thực tế.
Mỹ và Trung Quốc đã áp đặt các hạn chế leo thang đối với xuất khẩu liên quan đến chất bán dẫn kể từ tháng 10/2022, khi Mỹ cấm xuất khẩu công nghệ và thiết bị chip tiên tiến sang Trung Quốc. Xuất khẩu thiết bị sản xuất chip của Mỹ sang Trung Quốc đã giảm một nửa trong năm từ tháng 1 đến tháng 6.
Năm nay, Trung Quốc đã hạn chế các công ty mua sản phẩm do Micron Technologies có trụ sở tại Hoa Kỳ sản xuất và bắt đầu yêu cầu giấy phép xuất khẩu nguyên liệu sản xuất chip.
Đầu tháng 8, Mỹ công bố kế hoạch hạn chế đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc trong các lĩnh vực như chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và công nghệ lượng tử.
Bà Raimondo nói với Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào tại cuộc họp của họ rằng các biện pháp hạn chế của Mỹ nhắm vào các công nghệ có tác động rõ ràng đến an ninh quốc gia và nhân quyền, đồng thời không nhằm mục đích kiềm chế sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Một số nhà lập pháp đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ đã phản đối việc thành lập một nhóm làm việc mới với Trung Quốc, lo ngại điều này có thể dẫn đến những nhượng bộ lớn hơn của Washington.
Nhưng mối lo ngại đang gia tăng ở cả hai bên rằng căng thẳng song phương có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ kinh tế ngoài lĩnh vực bán dẫn.
Trong khoảng thời gian nửa đầu năm 2023, lần đầu tiên trong 15 năm, Trung Quốc đã không còn là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ. Đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Trung Quốc trong quý 2/2023 giảm gần 90%, xuống ngưỡng thấp nhất từ khi các số liệu này được tính toán vào năm 1998.
Thời gian qua, trong cộng đồng doanh nghiệp Mỹ xuất hiện ngày một nhiều quan điểm về việc họ đang mất đi cơ hội kinh doanh tại Trung Quốc. Minh chứng cụ thể ở việc xuất khẩu máy bay dân dụng từ năm 2018 đến năm 2022, giá trị xuất khẩu của mặt hàng này giảm đến khoảng 70%. Xuất khẩu máy bay dân dụng từng là mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao nhất từ Mỹ sang Trung Quốc.
Vào ngày 28/8, bà Raimondo đã kêu gọi cải thiện quan hệ trong lĩnh vực du lịch cũng như thương mại và an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn giữ quan điểm thận trọng, họ cho rằng việc quan hệ Mỹ - Trung Quốc có thực sự cải thiện hay không sẽ còn phải chờ thời gian mới có câu trả lời.
Tư vấn an ninh quốc gia tại Nhà Trắng, ông Jake Sullivan, phát biểu với phóng viên vào ngày 22/8 cho biết phía Mỹ không cho rằng chuyến thăm của bà Raimondo sẽ mang đến nhiều thay đổi căn bản mà chỉ đơn giản là điều chỉnh lại mối quan hệ phức tạp.
Theo Nikkei, bà Raimondo là quan chức cấp nội các thứ tư của Mỹ đến thăm Trung Quốc kể từ tháng 6.
(Nguồn: Nikkei)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement