03/10/2022 09:25
Muôn kiểu lừa đảo đóng học phí đầu năm học
Thời gian gần đây, một số trường đại học và trung học ở TP.HCM đã phát đi cảnh báo về việc bị các đối tượng mạo danh để thu học phí của học sinh, sinh viên.
Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám (quận 10, TP.HCM) vừa đăng thông báo trên fanpage của trường, đồng thời thông báo đến toàn thể phụ huynh về việc có đối tượng lừa đảo mạo danh nhà trường yêu cầu đóng các khoản thu đầu năm qua tài khoản cá nhân.
Thông báo ghi rõ: "Nhà trường xác nhận không có các thông báo đóng học phí qua Zalo hoặc bất kỳ tin nhắn nào khác ngoài thông tin Sổ liên lạc điện tử của nhà trường. Mọi thông báo về các khoản thu sẽ được báo trực tiếp cho học sinh thông qua giáo viên chủ nhiệm".
Trước đó, một phụ huynh học sinh khối 7 của trường nhận được tin nhắn từ tài khoản Zalo có tên "Phòng giáo vụ học vụ", hình đại diện tài khoản là logo của Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám. Tin nhắn yêu cầu phụ huynh đóng gấp các khoản phí đầu năm cho trường với lý do "Hôm nay là hạn chót".
Tài khoản nói trên yêu cầu phụ huynh đóng tiền theo hình thức chuyển khoản vào một số tài khoản cá nhân, và phải chuyển gấp vì sắp hết thời hạn đóng tiền. Nghi ngờ có điều bất thường, phụ huynh trực tiếp liên hệ nhà trường thì mới vỡ lẽ tài khoản Zalo nói trên là giả mạo.
Theo đại diện Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám, hiện trường chưa tiến hành thu học phí năm học 2022-2023 do chờ văn bản hướng dẫn của cơ quan quản lý. Nguyên nhân là do mới đây, Sở GD&ĐT TP.HCM đã có tờ trình gửi UBND TP.HCM đề nghị xây dựng Nghị quyết về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho học sinh tất cả bậc học trên địa bàn TP.HCM năm học 2022-2023.
Đại diện trường lưu ý, phụ huynh có thể đóng các khoản tiền đầu năm theo 2 hình thức chuyển khoản hoặc vào trường đóng trực tiếp. Tuy nhiên, với hình thức chuyển khoản, phụ huynh sẽ được hướng dẫn đóng tiền vào tài khoản của trường chứ không phải tài khoản cá nhân, theo TPO.
Trước đó, vào hồi giữa tháng 9, TS Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang cho hay, một số phụ huynh và thí sinh phản ánh với nhà trường có nhận được "thông báo về việc đóng học phí nhập học của tân sinh viên khóa 28 năm 2022".
Theo thông báo này, thí sinh và phụ huynh có thể đóng tiền nhập học theo hai hình thức chuyển khoản qua ngân hàng (kèm theo thông tin tên tài khoản là Đại học Văn Lang và số tài khoản tại PG Bank) với số tiền hơn 86 triệu đồng; hoặc đóng tiền mặt tại trường khi đến làm thủ tục nhập học. "Thông báo ghi ngày 19/8/2022 có chữ ký của hiệu trưởng và đóng dấu của nhà trường. Hiện đã có người chuyển tiền", ông Tuấn nói.
Ngay khi nhận được thông tin, Trường Đại học Văn Lang đã lập tức phát thông báo, xác định đây là thông tin giả mạo. "Nhà trường hiện không ban hành bất cứ thông báo nào về việc đóng học phí đối với khóa 28. Phụ huynh và thí sinh cần cập nhật thông tin trên trang thông tin điện tử chính thức của trường để tránh thiệt hại vì các thông tin giả mạo, trôi nổi".
Cũng theo ông Tuấn, ngoài việc phát thông báo cảnh báo, nhà trường cũng đã liên lạc với Công an TP.HCM để thông báo sự việc và đề nghị công an vào cuộc để điều tra làm rõ.
Trước đó không lâu, nhiều thí sinh xét tuyển vào Trường Đại học Nguyễn Tất Thành năm học 2022- 2023 cũng bất ngờ nhận được email thông báo đã trúng tuyển học bổng 50% của trường cùng nhiều quyền lợi đi kèm nhưng khi xác minh tại trường thì hoàn toàn không có thông tin này.
Thông báo giả mạo yêu cầu để nhận học bổng, thí sinh phải xác nhận đồng ý nhận hay không, nếu đồng ý phải điền theo mẫu đơn gửi kèm với rất nhiều thông tin cá nhân của thí sinh, ảnh thẻ, căn cước công dân bản photo.
Đồng thời, nội dung yêu cầu thí sinh hoàn tất hồ sơ với nhiều thông tin cá nhân, thậm chí còn yêu cầu căn cước công dân của người giám hộ, hạn chót đóng học phí ngày 23/8. Thông báo này cũng lưu ý thí sinh phải hoàn tất toàn bộ hồ sơ và đóng học phí trọn gói đúng thời hạn.
Sau đó, đại diện nhà trường đã phải lên tiếng khẳng định đây là thông tin giả mạo đồng thời khuyên thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin và liên hệ với nhà trường để xác nhận khi cần thiết để được hướng dẫn cụ thể, tránh bị lừa đảo…
Tân sinh viên cần lưu ý gì để không bị lừa?
ThS Hoàng Thị Thoa, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM (HUFI), cho biết dù năm nào sinh hoạt đầu khóa trường cũng nhắc nhở tân sinh viên về các chiêu trò lừa đảo, nhất là lừa đảo đóng tiền học phí, nhưng hầu như năm nào cũng có sinh viên sập bẫy, theo Báo Giáo dục & Thời đại.
"Thực tế, các chiêu trò lừa đảo đóng tiền được các đối tượng dàn dựng hết sức tinh vi. Rất nhiều trường hợp tân sinh viên khi nhập học bị các đối tượng lừa đảo, giả mạo thông báo đóng học phí của HUFI. Thông báo có mộc đỏ yêu cầu tân sinh viên chuyển khoản đóng học phí qua số tài khoản không phải mang tên nhà trường, nhiều sinh viên tưởng thật đã mắc bẫy.
Vì vậy, ngay trước tuần sinh hoạt công dân của sinh viên, trường đã chủ động thông báo các dấu hiệu lừa đảo của hình thức trên để tân sinh viên nhận biết và thận trọng. Trong đó, yếu tố đầu tiên phải đặt nghi vấn là khi đóng học phí được yêu cầu chuyển vào tài khoản cá nhân, hoặc đóng một phần để được miễn giảm hoặc nhận học bổng học tiếng Anh", ThS Thoa chia sẻ.
Theo ThS Trần Nam, Trưởng phòng Truyền Thông và Quan hệ Doanh nghiệp Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), thực tế, khi thu học phí các trường đều ban hành văn bản kèm theo thông tin cụ thể số tài khoản của trường và được đăng trên các kênh thông tin chính thống.
"Do vậy, khi nhận được các thông báo đóng tiền từ những nguồn không rõ ràng, không chính thống, sinh viên cần liên hệ cố vấn học tập, văn phòng khoa hoặc trang thông tin chính thức của trường để xác thực thông tin trước khi tiến hành chuyển khoản", ThS Nam lưu ý.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, nhìn nhận vài năm trở lại đây các hình thức lừa đảo qua mạng (email, điện thoại, Zalo, Facebook) khá phổ biến và mức độ ngày một tinh vi. Trong hàng loạt các thông tin lừa đảo nhắm về lừa đảo tài chính của người dân thì việc lừa đảo tân sinh viên đóng học phí đầu năm cũng đang có dấu hiệu gia tăng.
"Với tất cả trường hợp yêu cầu qua điện thoại, email không chính thống, người dân không cung cấp thông tin cá nhân hay chuyển tiền cho bên thứ 3 khi chưa thực hiện xác nhận lại thông tin. Với những hình thức yêu cầu chuyển tiền mang yếu tố đe dọa liên quan đến hình sự, người dân thắc mắc có thể gọi lên tổng đài trực ban của Công an thành phố để được giải đáp, tránh bị lừa.
Với các trường hợp yêu cầu chuyển khoản đóng học phí đầu năm qua tài khoản cá nhân, hay đối tác thứ ba rõ ràng là rất có vấn đề. Lời khuyên của tôi là phụ huynh, sinh viên cần liên hệ xác tín lại thông tin với trường, phòng kế toán để tránh bị lừa đảo", Thượng tá Lê Mạnh Hà cảnh báo.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement