13/02/2024 11:33
Mùng 4 Tết: Dự báo nhu cầu tiêu dùng vẫn chưa cao
Trong ngày mùng 4 Tết, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa bắt đầu mở hàng thêm, mặt hàng được bày bán cũng đa dạng hơn.
Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) dự báo trong ngày mùng 4 Tết, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa bắt đầu mở hàng thêm, mặt hàng được bày bán cũng đa dạng hơn. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng trên thị trường chưa tăng cao. Các mặt hàng được tiêu thụ nhiều chủ yếu vẫn là thực phẩm, đặc biệt là rau củ quả, thịt bò, thủy hải sản.
Chia sẻ thêm về tình hình thị trường giai đoạn trước và trong Tết Nguyên đán, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết: Hàng hóa được cung ứng và tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán tập trung chủ yếu vào một số nhóm hàng thực phẩm như gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, trái cây... và các nhóm hàng phục vụ trưng bày như hoa, cây cảnh, đồ trang trí.
Đáng lưu ý, nguồn cung các mặt hàng trong dịp này phong phú và giá không có biến động lớn. Từ 22 Tết (tức ngày 1/2/2024), sức mua đối với các nhóm hàng thực phẩm tươi sống bắt đầu tăng lên (phục vụ lễ ông Công, ông Táo). Các chương trình hội chợ Xuân, hội chợ nông sản thực phẩm, phiên chợ Tết, chợ hoa... được tổ chức tại nhiều địa phương nhằm kích cầu tiêu dùng của người dân.
Cùng đó, các điểm bán hàng Tết thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cũng được triển khai tại nhiều địa phương, nhất là tại khu vực đông dân cư, tập trung nhiều lao động, khu công nghiệp để người dân tiện mua sắm.
Sau 23 Tết, thị trường bắt đầu sôi động, nhu cầu mua sắm các mặt hàng thực phẩm công nghiệp như bánh, mứt, kẹo, rượu bia, nước giải khát... tăng cao. Đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống, nhu cầu tăng cao nhất trong hai ngày 29 và 30 Tết. So với cùng kỳ năm 2023, sức mua năm nay tăng nhẹ, người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu thận trọng hơn, tiết giảm các chi phí không cần thiết.
Theo bà Lê Việt Nga, khảo sát tại các siêu thị, trung tâm thương mại trong những ngày này, nguồn hàng được chuẩn bị tăng lên 20 - 25% so với ngày thường. Lượng hàng dồi dào, mẫu mã đa dạng, giá cả ổn định cùng với nhiều chương trình khuyến mại được áp dụng nên đã thu hút rất nhiều người dân, nhất là tại các thành phố lớn đến mua sắm. Trong số nguồn cung hàng hóa tại hệ thống siêu thị, hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ khá lớn được nhiều người lựa chọn do giá cả hợp lý, mẫu mã khá đa dạng.
Tại các chợ dân sinh, mặc dù hàng hóa cũng được cung ứng khá dồi dào đa dạng, lượng mua hàng vài ngày cận Tết cũng tăng mạnh so với ngày thường nhưng giá hàng hóa không có biến động bất thường.
"Nhìn chung, sức mua tổng thể của cả nước dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 chỉ tăng từ 8 - 10% so với tháng thường và tăng tương đương Tết năm 2023. Bên cạnh đó, xu hướng mua sắm qua các sàn thương mại điện tử vẫn được nhiều người lựa chọn nhờ vào sự tiện lợi và nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn", bà Lê Việt Nga đánh giá.
Nhận định thêm về thị trường ngày mùng 1 Tết, bà Lê Việt Nga cho hay: Hoạt động mua bán diễn ra rất ít, người dân chủ yếu đi chúc Tết, lễ chùa. Một số cửa hàng tiện lợi của hệ thống siêu thị Circle K và siêu thị Aeon đã mở cửa bán hàng từ ngày Mùng 1 Tết.
Từ ngày mùng 2 Tết, một số hệ thống phân phối, cửa hàng tiện lợi khác và các hộ kinh doanh cá thể tại các chợ đã bắt đầu mở cửa khai xuân bán hàng trở lại, nhu cầu hàng hóa trong những ngày này chưa cao và chủ yếu tập trung vào các mặt hàng rau xanh, trái cây, thực phẩm tươi sống và các mặt hàng phục vụ việc thờ cúng.
"Do nguồn cung khá dồi dào, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, sức mua không lớn nên giá phần lớn các mặt hàng giữ ổn định so với những ngày cận Tết. Thị trường nhìn chung bình ổn, không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá, nguồn cung luôn được bảo đảm", bà Lê Việt Nga khẳng định.
Đặc biệt, ngày mùng 3 Tết Giáp Thìn 2024, sức mua cũng như nguồn hàng đã dồi dào hơn. Tại các địa phương đã có thêm nhiều siêu thị, cửa hàng, quầy hàng tại chợ truyền thống mở hàng kinh doanh trở lại, hoạt động mua bán diễn ra tấp nập hơn so với ngày mùng 2 Tết. Trong hệ thống siêu thị, nguồn hàng vẫn phong phú, đa dạng, giá bán ổn định so với trước Tết.
Tại các chợ truyền thống, ngoài các mặt hàng hoa quả phục vụ cho việc dâng lễ đầu năm, các mặt hàng được bày bán chủ yếu là thực phẩm tươi sống như thủy hải sản, thịt bò, các loại rau củ phục vụ nhu cầu tiêu dùng đầu năm của người dân.
Theo bà Lê Việt Nga, so với các ngày cận Tết (28 - 30 Tết), giá các mặt hàng rau củ, hoa tươi tại chợ nhìn chung không tăng nhiều. Các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt bò, thuỷ sản chỉ tăng nhẹ (theo quy luật) và tương đối ổn định so với ngày mùng 2 Tết. Mặc dù nhu cầu bắt đầu tăng nhưng nguồn cung phong phú nên không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến.
Báo cáo nhanh của Vụ Thị trường trong nước cho thấy, trong ngày mùng 3, giá cả một số mặt hàng lương thực giá ổn định. Cụ thể, gạo chất lượng cao (tám xoan, tám Hải Hậu) từ 22.000 - 45.000 đồng/kg; gạo nếp từ 27.000 - 37.000 đồng/kg.
Mặt hàng thực phẩm tươi sống tại các siêu thị, giá thực phẩm ổn định. Tại một số chợ lẻ, giá tương đương so với ngày mùng 2 Tết và ngày cận Tết. Giá thịt lợn phổ biến ở mức từ 120.000 - 150.000 đồng/kg; thịt lợn sấn, nạc vai, thăn dao động ở mức từ 100.000 - 130.000 đồng/kg; giá gà ta làm sẵn của CP dao động phổ biến từ 150.000 - 180.000 đồng/kg; thịt bò thăn dao động từ 280.000 - 300.000 đồng/kg; giá thủy sản vẫn giữ mức tương đương với thị trường ngày 29, 30 Tết; giá tôm lớt (loại 26 - 30 con/kg) là 300.000 - 400.000 đồng/kg; cá trắm có giá 90.000 - 120.000 đồng/kg...
Đối với thực phẩm chế biến như giò lụa phổ biến từ 150.000 - 180.000 đồng/kg. Mặt hàng công nghệ thực phẩm, đồ uống, nước giải khát ổn định: đường bán lẻ ở mức từ 30.000 - 32.000 đồng/kg; dầu ăn từ 40.000 - 45.000 đồng/lít, tương đương mức giá ngày thường; Cocacola, Pepsi từ 190.000 - 210.000 đồng/thùng...
Các loại rau củ như xu hào, cà rốt, cà chua, rau gia vị, bắp cải, súp lơ… tăng nhẹ so với ngày cận Tết. Tuy nhiên, ngày mùng 3 Tết, bắp cải có giá từ 12.000 - 15.000 đồng/kg, su hào từ 5.000 - 7.000 đồng/củ, xà lách là 15.000 - 30.000 đồng/kg, cà chua từ 14.000 - 20.000 đồng/kg (tùy địa phương), khoai tây giá từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, súp lơ từ 15.000 -17.000 đồng/cây...
Hoa, quả các loại như cam canh từ 50.000 - 70.000 đồng/kg, bưởi diễn từ 15.000 - 25.000 đồng/quả; hoa cúc từ 5.000 - 7.000 đồng/cành, hoa hồng loại có cành lộc từ 10.000 - 12.000 đồng/cành, hoa ly và hoa thược dược từ 25.000 - 35.000 đồng/cành…
Các chuyên gia thương mại cho rằng: Thị trường ngày mùng 3 Tết nhìn chung đã sôi động, đa dạng hơn vì có thêm nhiều siêu thị lớn, cửa hàng, tiểu thương tại chợ truyền thống mở cửa kinh doanh trở lại.
Bên cạnh việc du Xuân, đi chơi Tết… nhiều gia đình làm lễ hóa vàng nên nhu cầu các mặt hàng thực phẩm tươi sống, trái cây và hoa tươi bắt đầu tăng nhưng không lớn. Nguồn cung các mặt hàng thực phẩm đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Giá cả các hàng hóa tại hệ thống siêu thị ổn định, không tăng so với thời điểm trước Tết.
Tại các chợ truyền thống, giá các mặt hàng ổn định so với những ngày giáp Tết và tăng nhẹ so với ngày thường. Nhìn chung, thị trường diễn biến theo quy luật thông thường, không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá, gây bất ổn thị trường.
(Nguồn: TTXVN)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement