Có thể hành trình khiến nhiều người cảm thấy không thoải mái, nhưng đổi lại, mọi mệt nhọc sẽ nhanh chóng tan biến ngay khi đặt chân lên Hòn Lớn.
Advertisement
Nam Du nghĩa là đi về phương Nam, ý nghĩa này được đặt thành tên cho quần đảo gồm 21 đảo thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang.
Do trước kia phương tiện di chuyển khó khăn, lại cách khá xa đất liền nên dù gần đây hoạt động du lịch gia tăng, quần đảo Nam Du vẫn còn giữ được phần lớn nét hoang sơ.
Nằm trong vịnh Thái Lan ít bão, nhưng nhiều người không biết rằng vùng biển này có 2 mùa biển động, sóng gió đủ để thử thách lòng can đảm của bất cứ ai. Đó là mùa gió Tây Nam (gió nồm) hiện nay và mùa gió Bắc (gió bấc) vào cuối năm. Biển chỉ lặng như gương vì hiếm gió trong khoảng tháng Tám âm lịch, ngư dân gọi là mùa “lập trung”. Ra đảo vào thời điểm tết Trung thu là thích hợp nhất.
Tuy nhiên, du khách vẫn có thể đến quần đảo này trong mùa hè, nếu chịu khó cập nhật thông tin dự báo thời tiết trước chuyến đi vài ngày và chuẩn bị sẵn thuốc chống say sóng. Mặt khác, việc di chuyển 80 km ra đảo bằng tàu cao tốc cũng không thành vấn đề đối với sức khoẻ.
Từ TP.HCM du khách đến thành phố Rạch Giá sau khi vượt quãng đường 250 km bằng xe khách. Sau đó chỉ mất thêm gần 3 giờ nữa để đi từ Rạch Giá ra Nam Du.
Tàu cao tốc tuyến thành phố Rạch Giá - quần đảo Nam Du.
Có thể hành trình khiến nhiều người cảm thấy không thoải mái, nhưng đổi lại, mọi mệt nhọc sẽ nhanh chóng tan biến ngay khi đặt chân lên Hòn Lớn. Cảnh vật, thiên nhiên và cả con người thân thiện nơi đây sẽ nhanh chóng giúp du khách xua tan mệt mỏi, gác lại những phiền muộn cuộc đời.
Bãi Ngự là một thắng cảnh nổi tiếng Hòn Lớn. Tương truyền, nơi đây từng là bãi biển được vua Gia Long - Nguyễn Ánh ra vãn cảnh trong quá trình bôn tẩu, nên địa danh có ngụ ý là bãi biển để vua ngự.
Hoàng hôn trên Hòn Lớn, nhìn từ Hòn Dầu. Khung cảnh này gợi nhớ "Ông từ Thông", một nhân vật trong tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau của cố nhà văn - ông già Nam bộ - Sơn Nam. Bối cảnh của câu chuyện là hòn Cổ Tron (Hòn Lớn).
Tại Nam Du, hầu như đến đâu và ở bất kỳ góc nhìn nào du khách cũng có thể chiêm ngưỡng được những cảnh tuyệt đẹp.
Người dân Nam Du sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản.
Một số cư dân ít hơn làm nghề nuôi cá lồng bè trên biển.
Tàu đưa du khách tham quan các hòn đảo, lặn ngắm san hô tại Nam Du.
Hiện nay một số ít hộ dân có điều kiện tại Nam Du chuyển sang nghề cung cấp các dịch vụ du lịch.
Ngoài các món hải sản phổ biến, du khách đến Nam Du còn có cơ hội tự đánh bắt loài nhím biển (con nhum). Đây là món đặc sản không phải nơi nào cũng có.
Du khách cũng có thể trãi nghiệm một phần công việc vất vả hàng ngày của ngư dân.
Không chỉ có du khách, cảnh đẹp Nam Du còn lôi cuốn rất nhiều cặp đôi đến đây chụp ảnh cưới.