18/11/2017 01:01
Mỗi năm chi 70 tỷ đồng để tổ chức hơn 9.000 phiên toà, đề xuất dừng tổ chức xét xử lưu động
Đó là ý kiến của Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình trong buổi trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội sáng 18/11.
Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết cách thức này trong thời gian dài đã có tác dụng lớn, nhưng trong điều kiện thông tin hiện nay không cần tới toà người dân cũng có thể tiếp cận thông qua các phương tiện thông tin truyền thông và bản án trên mạng.
Vì thế tác dụng tuyên truyền của các phiên toà lưu động đã không còn. Ngoài ra toà lưu động cũng phát sinh bất cập, như tổ chức ngoài công đường không liêm minh, khó bảo vệ nhất là phiên toà có đối tượng nguy hiểm và tốn kém. Chánh án cho biết, mỗi năm ngành chi 70 tỷ đồng để tổ chức hơn 9.000 phiên toà, chưa kể khoản tiền hỗ trợ từ các địa phương.
Trước tác dụng hạn chế, ông Bình đề xuất dừng tổ chức các phiên toà lưu động.
Tham gia trả lời chất vấn một số vụ án tham nhũng kéo dài, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho rằng công tác phòng, chống tham nhũng vừa qua đã có bước tiến rõ nét, nhiều vụ án được đưa ra xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật; tuy nhiên vẫn còn những vụ án kèo dài, và trong đó có phần trách nhiệm của cơ quan tố tụng, của ngành kiểm sát.
Nguyên nhân được Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ ra, đây là án truy xét (hành vi thực hiện phạm tội tới thời điểm phát hiện dài), đối tượng là những người có kiến thức, chức vụ, có thể tác động tới nhiều cấp khác nhau khi điều tra vụ án...
Kết quả giám định tư pháp kéo dài, phải thực hiện nhiều lần; riêng vụ án Phạm Công Danh phải giám định tới 5 lần mới có cơ sở.
"Chỉ riêng nắm chắc luật hình thức, luật tố tụng thì không thể đánh giá thiệt hại trong các vụ án này, do đó giám định tư pháp có ý nghĩa quyết định", ông nêu thực tế.
Theo ông Lê Minh Trí, có những vụ án tham nhũng, kinh tế quy mô lên tới nhiều ngàn tỷ đồng nên phần đánh giá thiệt hại khó khăn, trong thời hạn cho phép điều tra không thể xét hết được. Vì thế Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đưa ra chủ trương, "điều tra rõ tới đâu, truy tố, xét xử tới đó, phần còn lại đưa vào vụ án khác". Xử lý theo phương thức này giúp đưa tội phạm ra ánh sáng theo từng hành vi, nhưng về tổng thể lại khó chứng minh đầy đủ tội phạm.
Ngoài ra, việc kéo dài án còn phụ thuộc thời gian cung cấp tài liệu của cơ quan chuyên môn, thời gian cung cấpnội dung của cơ quan giám định,yêu cầu thu hồi tài sản, giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án... Quy mô lớn của các vụ án cũng là áp lực cho cơ quan chức năng. Cụ thể như vụ án Phạm Công Danh có 50 bị can; vụ án Hà Văn Thắm cũng có 51 bị can tại các tỉnh, thành khác nhau.
"Những quy định mới trong quản lý kinh tế, Bộ luật hình sự 2015cũng đặt ra yêu cầu thực thi cao hơn cho các cơ quan chức năng. Chúng tôi nhận thức việc kéo dài, trả lại án để điều tra bổ sung nhiều lần cũng liên quan tới năng lực, trình độ của cơ quan tố tụng trong đó có ngành kiểm sát", Viện trưởng Lê Minh Trí nói.
Ngoài ra, theo ông, tâm lý sợ oan sai đã dẫn tới cầu toàn trong yêu cầu điều tra, đánh giá chứng cứ dẫn tới trả hồ sơ để "giải quyết triệt để vụ án nhằm an toàn cho mình".
Advertisement