24/12/2017 23:01
Miền Tây di dời hàng trăm ngàn dân, ngưng nhiều hoạt động văn hóa du lịch để tránh bão số 16
Sau cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã ngay lập tức chỉ đạo công tác ứng phó, phòng chống bão số 16.
Tại tỉnh Bến Tre, địa phương này tổ chức cuộc họp khẩn cấp để chỉ đạo công tác ứng phó, phòng chống bão trong thời gian tới. Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đề nghị các ngành, các cấp chỉ đạo cho công nhân ở các doanh nghiệp và cán bộ, nhân viên nhà nước được nghỉ (trừ những người được phân công trực) từ chiều 25/12 đến hết ngày 26/12. UBND tỉnh Bến Tre cũng chỉ đạo sơ tán trên 22.100 người tránh bão số 16.
Theo đó các huyện Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại, Giồng Trôm và Chợ Lách đều có người dân nằm trong diện sơ tán. Huyện Bình Đại là huyện có người dân phải sơ tán nhiều nhất (gần 13.400 người). Tỉnh Bến Tre đã tuyên truyền, vận động gần 55.500 người dân có nhà ở tạm bợ, không đảm bảo an toàn tự di chuyển sang tránh trú nhờ nhà kiên cố, chắc chắn trong khu vực.
Thời gian hoàn thành công tác di dời, sơ tán dân đến nơi tránh trú an toàn trước 12 giờ ngày 25/12. Ngày 25/12, Bến Tre tạm ngừng hoạt động đối với tàu thuyền hoạt động khu vực các cửa sông, bến phà, bến đò ngang, đò dọc, đò du lịch, phương tiện vận tải trên sông, kênh rạch,... các khu du lịch (nhất là khu du lịch ven biển, các cồn,...), khu vui chơi giải trí.
Bến Tre có 2.999 phương tiện/14.997 người đã neo đậu tại bến, bãi của tỉnh và khu vực các đảo, các tỉnh khác; còn 82 phương tiện đang di chuyển vào đất liền tránh trú bão. Ngoài ra, có 84 phương tiện/609 ngư dân của tỉnh Bến Tre đang di chuyển vào bờ vùng biển Indonesia, Malaysia để tránh trú bão. |
Tỉnh cũng tạm hoãn thời gian tổ chức Tuần lễ Văn hóa - Du lịch huyện Châu Thành lần thứ I năm 2017 để tập trung phòng tránh, ứng phó bão Tembin. UBND tỉnh Bến Tre cũng chỉ đạo các xã, huyện, các sở, ban, ngành tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ để theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, thực hiện chế độ thông tin báo cáo 3 lần/ngày vào lúc 7h, 11h và 17h.
Các địa phương bố trí lãnh đạo trong các ca trực để kịp thời chỉ đạo, điều hành công tác phòng tránh, ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ", "3 sẵn sàng". Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo đề nghị các địa phương trong tỉnh ứng phó bão phải linh hoạt, trong đó phải đảm bảo an toàn về người là trên hết, hạn chế đến mức thấp nhất không để xảy ra người chết và bị thương.
Đồng thời, phương án di dời phải được triển khai trực tiếp đến người dân, sau 16h ngày 25/12, nếu người dân nào trong diện di dời, chưa di dời thì phải cưỡng chế. Ông Võ Thành Hạo cũng chỉ đạo Đài phát thanh-Truyền hình tỉnh Bến Tre, đài phát thanh các huyện, xã cập nhật thông tin cụ thể, nhanh đến người dân về phương pháp chằng chống nhà cửa, cách dự trữ các nhu yếu phẩm, cách trú bão an toàn.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bến Tre chỉ đạo các đơn vị trực 100% để phòng tránh, ứng phó bão số 16. Tổ chức lực lượng cơ động gồm 24 đồng chí sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh của Bộ Chỉ huy xuống các địa bàn trọng điểm để giúp dân.
Sẵn sàng một kíp tàu của Hải đội Biên phòng 2 sẵn sàng cơ động tìm kiếm cứu nạn. Đại tá Nguyễn Chí Quang, Phó Chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bến Tre cho biết Bộ Chỉ huy đã chỉ đạo 3 Đồn Biên phòng (Cửa Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên) kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão, phối hợp địa phương sắp xếp tàu thuyền vào nơi tránh trú bão tại các cảng, rạch trên địa bàn.
Đến nay, các Đồn Biên phòng chưa tiếp nhận thông tin vụ việc tàu cá bị tai nạn trên biển do thời tiết. Tính đến 14 giờ ngày 24/12, tổng số phương tiện nắm được là 3.165 phương tiện/15.873 người. Trong đó, có 2.999 phương tiện/14.997 người đã neo đậu tại bến, bãi của tỉnh và khu vực các đảo, các tỉnh khác; còn 82 phương tiện đang di chuyển vào đất liền tránh trú bão. Ngoài ra, có 84 phương tiện/609 ngư dân của tỉnh Bến Tre đang di chuyển vào bờ vùng biển Indonesia, Malaysia để tránh trú bão.
Trước đó, sáng 24/12, các lãnh đạo tỉnh Bến Tre đã trực tiếp xuống các huyện biển Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú để kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó, phòng chống bão Tembin. Tại huyện Bình Đại, sáng 24/12 có trên 800 tàu, thuyền neo đang neo đậu tại khu tránh trú bão Bình Đại.
Tại buổi kiểm tra, ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo các hộ đóng đáy di dời để tàu thuyền có đường thông thoáng di chuyển vào các ụ tránh trú an toàn.
Đường đi của bão Tembin. Ảnh: Zing.vn |
Tại tỉnh Bạc Liêu, chiều 24/12, Đoàn công tác Ban Chỉ huy huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, do Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương làm Trưởng đoàn đến kiểm tra công tác phòng chống, ứng phó bão số 16 tại các điểm xung yếu trên địa bàn.
Đoàn đến kiểm tra tại điểm xung yếu cửa biển Gành Hào (Đông Hải) và Nhà Mát (thành phố Bạc Liêu)- đây là 2 cửa biển lớn của tỉnh, cư dân sống đông đúc, lượng tàu thuyền vào trú bão nhiều. Qua kiểm tra, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu đánh giá cao công tác phòng chống bão ở 2 địa phương này. Các địa phương đã quán triệt, triển khai tốt công tác phòng chống bão, nhất là khâu tuyên truyền, di cư sơ tán dân, chằng néo nhà cửa, bảo vệ diện tích sản xuất, an ninh trật tự, dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm…
Tuy vậy, qua kiểm tra còn bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần khắc phục như, ý thức người dân trong phòng chống bão còn chủ quan, lơ là, nhất là bà con tại ấp I, thị trấn Gành Hào, đến chiều 24/12, nhiều người chưa chịu di dời, thảm nhiên mắc võng nằm đong đưa ngay trên đê kè.
Tại cửa biển Nhà Mát, nhiều hộ kinh doanh, mua bán chưa chịu di dời, cơi nới đồ đạc, tài sản, nhiều du khách, khách hàng thảm nhiên ngồi ăn uống ngay thân kè. Hơn nữa, một số chủ phương tiện đánh bắt thủy hải sản chưa chấp hành nghiêm lệnh cấm ra khơi; nhiều nhà dân chưa được chằng néo nhà cửa, gia cố ao đầm nuôi trồng thủy sản...
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu kiểm tra công tác phòng chống bão ven biển. Ảnh: Zing.vn |
Đáng lo ngại, qua báo cáo của các địa phương, cho thấy công tác phòng chống bão cả cán bộ, người dân còn rất lúng túng. Điển hình như tại cửa biển Nhà Mát, nhiều cán bộ, chủ tàu chưa biết cách, kỹ thuật neo đậu tàu thuyền trú bão tránh va đập; tại cửa biển Gành Hào còn diễn ra việc trồng cây xanh, thi công công trình, xây dựng sửa chữa nhà cửa…
Với những bất cập trên, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương đề nghị chính quyền, người dân tập trung cao cho công tác phòng chống bão, ngừng tất cả các hoạt động không cần thiết, các công trình đang thi công, nhằm hạn chế thiệt hại do bão gây ra.
Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung nhấn mạnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt quyết tâm không để xảy ra thiệt hại về người, hạn chế thấp nhất về tài sản khi bão đổ bộ vào đất liền. Để làm tốt công tác này, những ngày qua địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyên, sơ tán di dời dân, chằng néo nhà cửa, triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất.
Cụ thể, Bạc Liêu nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ ngày 22/12, sơ tán di dờ dân từ 9h ngày 24/12 và cho học sinh nghỉ học từ ngày 25/12... Tuy nhiên, điều lo lắng nhất ở đây, nếu bão đổ bộ vào đất liền kết hợp với triều cường dâng, thì địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác sơ tán dân, bảo vệ diện tích sản xuất.
Theo Báo cáo Ban Chỉ huy huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tính đến 18h chiều 24/12, Bạc Liêu sơ tán được hơn 26.000 dân, dự kiến đến 10 giờ 25/12, đảm bảo sơ tán xong hơn 350.000 dân, tương đương hơn 64.000 hộ. Tỉnh cũng đang chỉ đạo các địa phương, hộ dân thực hiện các biện pháp bảo vệ hơn 76.000 ha nuôi trồng thủy sản, khoảng 80.000 ha lúa, lúa- tôm, hoa màu và bảo vệ các tuyến đê, kè, điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở cao.
Tính đến chiều 24/12, Bạc Liêu còn 176 tàu với 1.146 thuyền viên đang hoạt động trên biển, trong đó có 1 tàu tại thành phố Bạc Liêu với 17 thuyền viên chưa liên lạc được. Trong chiều hôm nay, địa phương ra quyết định cưỡng chế 30 tàu cá chưa chấp hành nghiêm lệnh cấm ra khởi, đồng thời địa phương sẽ mạnh tay trong việc cưỡng chế đối với những hộ dân chưa chịu sơ tán, di dời tránh bãoTembin cho kế hoạch của tỉnh.
Chiều 25/12, tâm bão nằm trên vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau. Sức gió mạnh đạt cấp 11 (115-135 km/h), giật cấp 14, sóng biển cao 7-9m.
Tại Cần Thơ, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 16, Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV (thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, trụ sở tại Cần Thơ) đã có văn bản chỉ đạo đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có thành phố Cần Thơ chủ động đối phó với diễn biến phức tạp của cơn bão.
Trong đó, tập trung đình chỉ hoạt động cảng bến, không cấp phép cho các phương tiện tàu thuyền rời bến cho đến khi có thông báo mới nhất. Trước chỉ đạo của Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực IV, trong ngày 24/12, Cảng vụ Đường thủy nội địa Cần Thơ đã ra thông báo đình chỉ hoạt động cảng bến, không cấp phép cho các phương tiện tàu thuyền rời bến cho đến khi có thông báo mới nhất.
Hiện tại Cần Thơ có 10 bến tàu khách đang hoạt động đến hết ngày 24/12 sẽ cho tạm ngưng, tiến hành đưa tàu thuyền về nơi neo đậu an toàn. Riêng tại Bến Ninh Kiều, các du thuyền cũng được thông báo cho tạm ngưng hoạt động đưa khách tham quan, ăn uống trên sông từ tối 24/12.
Đặc biệt, để đảm bảo an toàn tính mạng cho khách du lịch tham quan chợ nỗi Cái Răng, trong ngày 25/12, thành phố Cần Thơ sẽ ngưng hoạt động đưa đón khách du lịch trên sông tham quan Chợ Nổi Cái Răng và chờ đến khi có chỉ đạo cho phép hoạt động trở lại.
Trong ngày 25/12, thành phố Cần Thơ sẽ ngưng hoạt động đưa đón khách du lịch trên sông tham quan Chợ Nổi Cái Răng và chờ đến khi có chỉ đạo cho phép hoạt động trở lại. |
Ông Huỳnh Văn Út, Phó Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa Khu vực IV cho biết, để chủ động ứng phó với bão, ngoài việc ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị Đại diện, đơn vị còn yêu cầu các đơn vị này bố trí lực lượng 100% túc trực 24/24, đồng thời tổ chức 3 đoàn công tác trực tiếp đến kiểm tra hiện trường các cảng, bến về công tác chuẩn bị, ứng phó với cơn bão.
Song song đó, phối hợp với Ban phòng chống lụt bảo địa phương sẵn sàng tham gia cứu hộ cứu nạn kịp thời khi có yêu cầu, ông Út cho biết thêm. Hiện thành phố Cần Thơ đã xây dựng, triển khai công tác chuẩn bị ứng phó bão số 16, như: tích trữ nước, thuốc, thức ăn…
Bên cạnh đó, thành phố Cần Thơ cũng đã lên kịch bản chống bão, nếu đến trưa ngày 25/12, tình hình bão diễn biến theo chiều hướng phức tạp UBND thành phố Cần Thơ sẽ có quyết định cho học sinh, sinh viên các cấp từ mầm non đến các trường đại học, dạy nghề nghỉ học 2 ngày, từ ngày 26-27/12, để đảm bảo an toàn.
Đặc biệt, nếu trong trường hợp bão mạnh có sức gió trên cấp 10 khi đổ bộ vào đất liền Cần Thơ sẽ tiến hành sơ tán dân tại chỗ trên 137 ngàn người tại 9/9 quận, huyện đến địa điểm an toàn trú bão.
Tại tỉnh Trà Vinh, tối 24/12, sau hội nghị trực tuyến ứng phó bão số 16 với Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm đã chủ trì cuộc họp với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh để đề ra các biện pháp pháp ứng phó nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra. Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân trong việc phòng, chống bão.
Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản người dân, lực lượng vũ trang và các tổ chức đoàn thể trong tỉnh nhanh chóng thực hiện các biện pháp di dời người dân đến khu vực an toàn. Lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh kiên quyết không để tàu thuyền ra khơi thời điểm này, đồng thời kiểm đếm tàu cá, hướng dẫn neo đậu tại bến tránh trú bão. Các địa phương khẩn trương hỗ trợ người dân thu hoạch diện tích lúa, hoa màu; tôn cao bờ bao, bờ vùng để bảo vệ diện tích nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn; hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa…
Ngư dân đánh bắt ven bờ tại cửa biển Cung Hầu (huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) neo vỏ lãi vào nơi an toàn, tránh bão. Ảnh: Zing.vn |
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cũng chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho học sinh trong tỉnh nghỉ học 2 ngày 25 và 26/12 để đảm bảo an toàn. Trường hợp địa phương xảy ra sự cố gây thiệt hại tính mạng và tài sản của người dân, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Tỉnh Trà Vinh có 17.335 hộ dân ở những khu vực giáp biển, xã đảo, xã bãi ngang có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi bão số 16 cần di dời. Hiện chính quyền địa phương cùng lực lượng vũ trang, tổ chức đoàn thể đã hỗ trợ di dời được 1.628 hộ dân đến khu vực an toàn.
Bên cạnh đó, trên 1.200 tàu cá và gần 5.000 ngư dân của tỉnh cũng đã vào nơi neo đậu tránh trú bão an toàn.
Tại tỉnh Hậu Giang, ngày 24/12, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lữ Văn Hùng đã ký Công văn hỏa tốc số 180/TB-UBND thông báo cho học sinh, sinh viên nghỉ học tránh bão số 16. Nội dung Công văn yêu cầu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố cùng các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh thông báo cho học sinh các cấp từ mầm non đến trung học và sinh viên các trường trên địa bàn được nghỉ học từ ngày 25/12/2017 đến hết ngày 26/12/2017. Đồng thời, tổ chức phân công cán bộ, giáo viên trực tại các đơn vị để có biện pháp ứng phó kịp thời và báo cáo nhanh sự việc, biện pháp ứng phó với bão.
Ngày 24/12, UBND tỉnh Hậu Giang tiến hành họp khẩn, triển khai công tác phòng, chống cơn bão số 16 (bão Tembin). |
Theo dự báo, đến rạng sáng 26/12, bão số 16 có khả năng đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang. Đường đi của tâm bão là hướng từ tỉnh Sóc Trăng đến thị trấn Trà Lồng, xã Long Phú (thị xã Long Mỹ), xã Phương Phú, xã Phương Bình (huyện Phụng Hiệp), xã Thuận Hưng, xã Thuận Hòa, xã Xà Phiên, xã Vĩnh Thuận Đông (huyện Long Mỹ) và xã Vĩnh Thuận Tây (huyện Vị Thủy) rồi đi qua xã Hỏa Lựu, xã Tân Tiến, xã Vị Tân (thành phố Vị Thanh).
Các địa phương cũng rà soát lại những địa điểm trú ẩn an toàn để di dời người dân vùng tâm bão vào hoặc vào hầm trú ẩn mà hội nông dân và hội chữ thập đỏ đã chuẩn bị. Về hậu cần, ngành công thương tỉnh đã chuẩn bị sẵn những nhu yếu phẩm thiết yếu với hơn 3.000 thùng mì gói, 5.000 chai nước; ngành giao thông chuẩn bị 20 phương tiện có sẵn để điều tiết, hỗ trợ cho khoảng 1.000 hộ dân di dời khỏi vùng tâm bão. Ngành y tế cũng dự trữ thuốc men tại các trạm, trực 24/24 giờ để ứng phó kịp thời; ngành quân sự, công an thì sẵn sàng lực lượng dân quân cơ động, ứng chiến tại địa phương, cổng rào an ninh và luôn trên tinh thần ứng phó.
Tại tỉnh Sóc Trăng, đến tối 24/12, tỉnh Sóc Trăng đã cơ bản di dời xong hàng ngàn hộ dân ở ngoài đê vùng ven biển, ven sông lớn thuộc địa bàn các huyện Cù Lao Dung, Long Phú, Trần Đề, Kế Sách và thị xã Vĩnh Châu vào nơi trú ẩn an toàn. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đã liên tục có các công văn chỉ đạo các địa phương, ngành, đoàn thể thông báo khẩn trương di dời dân ngoài tuyến dê biển vào nơi trú ẩn an toàn trước 17h ngày 24/12; giao Chủ tịch UBND các huyện, thị xã thông báo và di dời tất cả các hộ dân trên tuyến ngoài đê biển vào nơi trú, tránh bão đã được bố trí; đồng thời thường xuyên kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở các hộ dân chấp hành nghiêm việc di dời.
Tổ chức các hoạt động di dời, chăm lo đời sống cho người dân tại nơi trú, tránh bão đảm bảo an toàn vệ sinh, nước sạch và an toàn thực phẩm. Cũng đến chiều tối 24/12, tỉnh Sóc Trăng đã kêu gọi tổng cộng 668 tàu thuyền vào bờ trú bão và liên lạc được với 167 tàu đang khai thác hải sản xa bờ vào Côn Đảo tránh trú bão an toàn.
Tại khu vực neo đậu tàu khu vực Cảng Trần Đề, lực lượng chức năng đã bố trí tàu vào các khu vực tránh trú bão an toàn và điều động tàu vào những khu vực luồng lạch ven sông Hậu. Tỉnh cũng đã bố trí các điểm di dời dân để tùy tình hình cấp độ bão nếu trên cấp 10 có thể di dời cao nhất lên tới 140.000 dân đến nơi trú bão an toàn tại các điểm trường học, trụ sở cơ quan, nhà dân kiên cố.
Các chiến sĩ Đồn biên phòng Bãi Giá (H.Trần Đề, Sóc Trăng) giúp dân chằng, giữ nhà cửa để chống bão. |
Trong ngày 24/12 tỉnh đã sơ tán được hơn 20.000 dân vào nơi trú tránh an toàn. Trong đó, thị xã Vĩnh Châu di dời trên 12.000 người khu vực nguy hiểm thuộc các xã: Lai Hòa, Vĩnh Tân, Lạc Hòa, Vĩnh Hải và phường Vĩnh Phước, phường 1, phường 2; huyện Cù Lao Dung dự kiến di dời hơn 5.500 người ở các xã: An Thạnh 1, An Thạnh 2, An Thạnh 3, An Thạnh Nam, Đại Ân 1 và thị trấn Cù Lao Dung; huyện Trần Đề di dời hơn 3.000 dân thuộc các xã: Đại Ân 2, Trung Bình và thị trấn Trần Đề; huyện Kế Sách di dời khoảng 3.000 dân thuộc các xã: Phong Nẫm, An Lạc Thôn, An Lạc Tây, Nhơn Mỹ, An Mỹ; huyện Long Phú dự kiến di dời dân ở các xã: Song Phụng, Long Đức và thị trấn Đại Ngãi với khoảng 2.550 dân.
Lực lượng vũ trang, quân đội, Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh Sóc Trăng cũng đã huy động lực lượng tối đa sẵn sàng ứng trực, trước mắt đã điều động hơn 2.000 người là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ tới các địa bàn xung yếu, sẵn sàng thực hiện các biện pháp di dời nhân dân đến các khu vực an toàn. Đồng thời giữ vững thông tin liên lạc thông suốt, sẵn sàng lực lượng ứng cứu giao thông, cấp phát lương thực, thực phẩm, vận chuyển, cứu chữa nạn nhân và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn khi có bão đổ bộ vào.
UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo ngành giáo dục thông báo cho học sinh nghỉ học 2 ngày 25 và 26/12 và có phương án bố trí lịch học bù sau. Chỉ đạo ngành y tế, các bệnh viện, trung tâm y tế, ứng trực, chuẩn bị cơ số thuốc men, hóa chất, phương tiện ứng cứu sơ cấp cứu kịp thời nếu có người bị nạn do bão đổ bộ vào và phòng chống dịch bệnh sau bão.
Bão là trạng thái nhiễu động của khí quyển và là một loại hình thời tiết cực đoan. Bão có nhiều loại, nhưng ở Việt Nam, thuật ngữ "bão" thường được hiểu là bão nhiệt đới. Bão nhiệt đới là một trong các phân loại của xoáy thuận nhiệt đới, đặc trưng bởi một trung tâm có áp suất thấp, gió mạnh và cấu trúc mây dông xoắn ốc tạo ra mưa lớn. Các thành phần chính của bão bao gồm các dải mưa ở rìa ngoài, mắt bão nằm ở chính giữa và thành mắt bão nằm ngay sát mắt bão. Ở nước ta, mùa bão thường bắt đầu từ miền Bắc vào tháng 5,6 và di chuyển vào miền Nam cho đến hết tháng 12. Ba tháng 9,10 và 11 thường có nhiều cơn bão nhất. Trung bình, hàng năm có từ 4 đến 6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới vào bờ biển nước ta. Bạn có biết: Trên thế giới, bão thường mang tên phụ nữ và sau này cả tên nam giới, xoay vòng theo chu kỳ 6 năm (khi một cơn bão gây thiệt hại lớn, tên của nó sẽ được loại bỏ ra khỏi hệ thống đặt tên). Khu vực tây bắc Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam), bão có nhiều tên mới lạ của hoa lá, động vật, chim, thậm chí cả món ăn như Trami, Halong, Damrey (Con voi), Saola... |
Advertisement
Advertisement