04/04/2021 07:30
Mạng xã hội riêng của Trump: Mục đích cá nhân hay đấu với Big Tech?
Thông tin cựu Tổng thống Trump đang đàm phán với các đối tác để tìm kiếm cơ hội thiết lập mạng xã hội của riêng mình sau khi bị Twitter, Facebook và cả YouTube cấm cửa đã lan truyền từ tháng 1/2021. Nhưng tới nay, thông tin cũng mới chỉ là thông tin.
Trông chờ mạng xã hội của cựu tổng thống Mỹ
Cựu Tổng thống Trump là người làm được rất nhiều việc trong cương lĩnh tranh cử sau khi ông đắc cử. Tuy nhiên, lần này với ý định, hay cũng có thể gọi là kế hoạch thiết lập mạng xã hội riêng, có vẻ hơi lâu nhưng chưa có quyết định cuối cùng.
Thực ra cho dù nói là mạng xã hội của riêng Trump không có nghĩa là bản thân ông sẽ phải đầu tư quá nhiều tiền của, chất xám và công sức vào đó. Bởi bản thân ông, với cái tên đã thành thương hiệu lớn thu hút đến 75 triệu cử tri tại Mỹ và nhiều người hâm mộ trên thế giới, cũng đủ để các công ty đang vận hành những mạng xã hội khác (ngoài các Big Tech như Google, Facebook, Twitter) tìm đến muốn gắn tên tuổi của ông vào.
Đúng là như vậy, Trump chỉ cần một mạng xã hội để phát ngôn, truyền đi thông điệp, hay nói đúng hơn là để làm vũ khí tuyên truyền, vận động người hâm mộ; chỉ trích các đối thủ.v.v…
Còn về phía các đối tác của vị cựu tổng thống, họ chỉ cần có cái tên Trump gia nhập để thu hút người dùng. Với sức hút bằng cái tên của Trump sẽ giúp gia tăng nhanh chóng không chỉ trong phạm vi nước Mỹ mà trên toàn cầu, từ đó có thể mang lại nhiều lợi ích kinh tế.
Bằng chứng là, trong lúc bị các Big Tech cấm cửa và cũng chưa thể lập mạng xã hội riêng, Trump chỉ cần tham gia mạng xã hội nhỏ Gab trong một thời gian rất ngắn cũng đã thu hút được hơn 1 triệu người theo dõi.
Sức hút từ cái tên Trump cũng như các phát ngôn đầy gây hấn của ông là cực kì lớn, và tạo ra cộng đồng fan cũng rất là lớn. Trước đây, chỉ riêng tài khoản Twitter của ông từng có trên 88 triệu người theo dõi, đó là chưa kể cũng vài chục triệu người theo dõi trên Facebook, YouTube… Trump có lẽ là vị tổng thống Mỹ nổi tiếng nhất từ trước tới nay về việc sử dụng mạng xã hội để điều hành công việc, để làm kênh kết nối với người hâm mộ, để sỉ nhục đối thủ và sa thải thuộc cấp. Từ ngày bị cùng lúc Twitter và Facebook cấm cửa, vị cựu tổng thống như bị trói tay, mất đi nhiều sức mạnh truyền thông và sự thu hút đối với công chúng.
Mới đây, trong một động thái có tính giải pháp, Trump đã cho ra mắt website chính thức của Tổng thống Mỹ thứ 45 với tên miền 45office.com. Tất nhiên ai cũng hiểu kênh website là nền tảng trực tuyến có tính chính thống hơn, song lại có nhược điểm là tính tương tác, kết nối ngay tức thời không thể mạnh mẽ và rộng khắp như mạng xã hội được.
Đằng sau sự chậm trễ công bố là toan tính lợi ích kinh tế?
Thông tin được cố vấn hàng đầu của cựu tổng thống và cũng là cựu Phó Chánh văn phòng Nhà Trắng - Jason Miller - cho biết, vài đối tác đã ngay lập tức tiếp cận để đàm phán với ông Trump khi nghe tin vị cựu tổng thống muốn lập mạng xã hội riêng. Và cũng theo vị cựu cố vấn này, khả năng trong 2-3 tháng tới thông tin về việc lập mạng xã hội riêng của cựu Tổng thống Donald Trump sẽ rõ ràng.
Đây là một thương vụ đầu tư hợp tác làm ăn chứ không chỉ đơn thuần ông Trump "giận cá chém thớt" nhằm mục đích để thoát khỏi sự thao túng, kìm chế của các Big Tech mạng xã hội toàn cầu.
Hơn nữa, Donald Trump vốn là một tỉ phú USD, được cho là bậc thầy về đàm phán, luôn chiếm được phần có lợi hơn cho mình. Cho nên, một khi quyết định mạng xã hội gắn với tên tuổi, thương hiệu Trump được quyết định thành lập, ông không thể không có phần lợi hơn. Bài toán đầu tư hợp tác luôn đụng đến vấn đề quyền lợi được chia chác ra sao, và đó chính là yếu tố có thể mang tính quyết định mạng xã hội riêng của Trump có thể ra đời hay không.
Để ra đời một mạng xã hội của riêng Trump hay Trump hợp tác và có thẩm quyền lớn trong việc đưa ra các quyết định đã không đơn giản, song còn phức tạp hơn để duy trì mạng xã hội đó tồn tại và phát triển được trên thị trường, làm ăn có lãi, người dùng ngày càng tăng.v.v…
Đó là những việc cần cả một bộ máy vận hành chuyên nghiệp đến từ các đối tác chứ bản thân ông Trump khó có thể quán xuyến. Nhưng trong một thị trường Mỹ và trên toàn cầu với các "ông lớn" như Facebook, YouTube, Twitter… đang ngự trị như hiện nay, sẽ không dễ dàng cho mạng xã hội của riêng Trump phát triển mạnh với tư cách một doanh nghiệp mạng xã hội hướng đến làm ăn kinh doanh.
Còn nếu mạng xã hội của riêng Trump được hình thành và vận hành như một dự án phi lợi nhuận, câu chuyện sẽ khác, nhưng cũng không dễ để cạnh tranh được với các Big Tech. Bởi dù muốn hay không, để duy trì lâu dài một mạng xã hội cần nhiều nguồn lực, từ đội ngũ kĩ thuật công nghệ làm sản phẩm và nghiên cứu, phát triển các tính năng công nghệ mới, cho tới kinh phí để vận hành hoạt động. Thậm chí, việc vận hành một mạng xã hội muốn cạnh tranh được với các Big Tech, phải cần rất nhiều tiền.
Dẫu thế, tôi vẫn tin rằng mạng xã hội riêng của Trump dù ra đời và được vận hành hoạt động theo phương thức kinh doanh hay phi lợi nhuận đi nữa, thì ý định hay kế hoạch này cũng đang gây được sự chú ý, tò mò của rất nhiều người. Và có thể có đến hàng chục triệu, hàng trăm triệu người dùng Facebook, Twitter, YouTube… đang chờ đợi cái ngày mạng xã hội của Trump ra mắt để được dùng thử.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp