26/04/2018 13:26
Lương thấp sẽ khó giữ chân lao động
Trong thời buổi “việc tìm người” đang diễn ra ở khắp nơi như hiện nay, tuyển dụng lao động đã khó và giữ chân họ cũng không hề đơn giản.
Thời gian gần đây, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và một số tỉnh, thành lân cận đã tăng thu nhập đáng kể cho người lao động. Bên cạnh tín hiệu lạc quan, vui mừng ấy lại là sự buồn bã, than phiền của các cơ sở kinh doanh nhỏ, điểm làm dịch vụ nhỏ lẻ ở các đô thị trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là khu vực nông thôn…trước xu hướng chuyển dịch lao động mạnh, tình trạng bỏ việc ở nơi thu nhập thấp để xin đến làm việc ở nơi trả “đồng tiền, bát gạo” cao hơn diễn ra phổ biến.
Dạo trên các đô thị thuộc thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, thấy cả trăm nơi thông báo tuyển nhân viên nấu ăn, chạy bàn, thợ cắt tóc, công nhân cơ khí, xây dựng, trộn bê tông, sơn… Tuy nhiên, việc tuyển dụng lao động tại các cơ sở kinh doanh nhỏ, điểm làm dịch vụ nhỏ lẻ ở các đô thị trên địa bàn tỉnh lúc này không hề đơn giản.
Người lao động hiện nay đã so sánh thiệt hơn rất kỹ mới quyết định công việc làm cho mình. Nếu như 2 đến 3 năm về trước mức thu nhập của lao động phổ thông, lao động tự do theo mùa vụ, mỗi tháng ở mức 3 đến 4 triệu đồng/người, thì hiện tại mức thu nhập này ít người chấp nhận làm việc lâu dài, nhiều trường hợp đã từ chối thẳng thừng vì mức lương quá thấp.
Vì khó thu hút lao động vào làm việc ổn định, lâu dài nên một số cơ sở kinh doanh chấp nhận thuê lao động và trả công theo giờ để thu hút lực lượng học sinh, sinh viên. Anh Ninh, Chủ quán kinh doanh đồ uống trên đường Tôn Đức Thắng, thành phố Vĩnh Yên cho biết, hiện tại, các quán kinh doanh cà phê, đồ uống nói chung ở Vĩnh Yên phải thuê nhiều đối tượng lao động; trong đó, có cả sinh viên, chủ yếu làm theo giờ và mức tiền công làm theo giờ từ 8.000 đến 10.000 đồng/người/giờ. Tuy vậy lực lượng chính là người làm thường xuyên, lao động làm pha chế đồ uống làm thường xuyên phải trả mức 6 triệu đến 7 triệu đồng/người/tháng và chạy bàn mức thu nhập trên dưới 4 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2018, hàng loạt doanh nghiệp thông báo tuyển dụng và đưa ra mức thu nhập của công nhân lao động phổ thông ở mức phổ biến từ 6 triệu đến 8 triệu đồng/tháng. |
Rất nhiều chủ xây dựng, xưởng mộc, gia công cơ khí than phiền vì tình trạng khó tuyển dụng lao động, cho dù mức tiền công lao động hiện nay được chi trả cho lao động phổ thông từ 6 triệu đến 7 triệu đồng/người/tháng đã cao hơn 1,5 lần so với 2 năm về trước.
Anh Nguyễn Văn Duyên, ở thôn Vải, xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên, cho biết, gia đình anh có cơ sở mộc đang trả thợ mức thu nhập tới 9 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, xưởng đang nhiều việc cần tuyển thêm thợ biết về nghề mộc và cũng sẵn sàng trả tới 9 triệu đồng/lao động, nhưng chưa tuyển được người bởi nghề này khan hiếm thợ hơn nghề khác. Trong khi đó, công việc làm mộc nặng nhọc, nhiều ngành nghề khác có thu nhập tương đương nhưng nhàn hạ hơn.
Những giáo viên hợp đồng ngắn hạn, lao động trẻ làm nông nghiệp vùng nông thôn mà thu nhập quá thấp cũng đang bỏ việc để xin vào làm việc tại những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với mong muốn có thu nhập cao hơn để cải thiện đời sống.
Chị Dương Thị Huế, sinh năm 1990, sống tại thôn Vĩnh Tiến, xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên, trước đây từng làm cô giáo dạy hợp đồng cho Trường mầm non Hoa Phượng với mức thu nhập trên dưới 1 triệu đồng/tháng. Chờ mãi không được thi tuyển vào biên chế để có mức lương khá hơn, vợ chồng chị đã quyết tâm xin nghỉ dạy học ở trường mầm non để xin vào làm việc cho một công ty sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Bá Thiện với mức lương trên dưới 7 triệu đồng/tháng.
Chị Nguyễn Thị Thủy, sinh năm 1979, sống ở thôn Bảo Sơn, xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên, trước đây làm ruộng, chăn nuôi và một số nghề nhưng thu nhập rất thấp. Cách đây hơn 2 năm, khi một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến Khu công nghiệp Bá Thiện để đầu tư, tuyển dụng lao động, thấy mức lương đảm bảo cuộc sống chị đã quyết định vào làm việc ở một doanh nghiệp chuyên sản xuất linh kiện điện tử. Hiện nay, mức thu nhập của chị Thủy đạt từ 7 triệu đến 8 triệu đồng/tháng.
Qua tìm hiểu thực tế tại Khu công nghiệp Bá Thiện, Khu công nghiệp Bình Xuyên (huyện Bình Xuyên) và Khu công nghiệp Khai Quang (thành phố Vĩnh Yên)... có hàng chục doanh nghiệp may, sản xuất linh kiện điện tử đang thông báo tuyển dụng hàng nghìn lao động với mức thu nhập phổ biến từ 7 triệu đến 8 triệu đồng/người/tháng, tùy theo vị trí, làm thêm giờ và năng lực nghề... Điều này cho thấy, số lượng doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng và đặc biệt mức thu nhập hàng tháng của các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tăng khá nhanh.
So sánh để thấy rằng, năm 2010 mức thu nhập ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạt 1,8 đến 2 triệu đồng/người/tháng thì đến năm 2014 thu nhập bình quân của công nhân lao động trong các khu công nghiệp đạt trên dưới 3,4 triệu đồng/người/tháng. Năm 2018, hàng loạt doanh nghiệp thông báo tuyển dụng và đưa ra mức thu nhập của công nhân lao động phổ thông ở mức phổ biến từ 6 triệu đến 8 triệu đồng/tháng.
Chính sách lương thưởng thay đổi theo chiều hướng tích cực, thu nhập người lao động trong các khu công nghiệp ở Vĩnh Phúc tăng nhanh. Điều này đã khiến đông đảo lao động ở các cơ sở kinh doanh nhỏ, điểm làm dịch vụ nhỏ lẻ, lao động nông thôn, thậm chí lao động trẻ đang làm việc trong các cơ quan, đơn vị Nhà nước theo chế độ hợp đồng chủ động xin nghỉ việc để chọn việc mới ở các khu công nghiệp với mong muốn có thu nhập cao, đảm bảo cuộc sống.
Nhiều ý kiến cho rằng trong thời buổi “việc tìm người” đang diễn ra ở khắp nơi như hiện nay vấn đề tuyển dụng lao động đã khó và giữ chân họ làm việc ổn định lâu dài cũng không hề đơn giản. Giải pháp được coi là cơ bản nhất, khôn ngoan nhất để người lao động gắn bó với người sử dụng lao động hiện nay chính là phải thường xuyên quan tâm đến các quyền lợi hợp pháp chính đáng, đặc biệt “đồng tiền, bát gạo” được chi trả đảm bảo... Nếu không thực hiện được điều này, doanh nghiệp có thể sẽ bị lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng và tẩy chay.
Advertisement