20/06/2017 08:55
Luật sư: ‘Không thể ép chủ thuê bao di động phải chụp hình chân dung’
Một số luật sư đánh giá không thể “ép” chủ thuê bao di động phải thực hiện một hành vi ngoài thỏa thuận đã cam kết. Ngoài ra, có thể phát sinh chi phí lớn khi nhà mạng sẽ phải trang bị thêm máy móc, nhân sự để hỗ trợ khách hàng...
CMND đã thể hiện chính chủ
Theo bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, thì Nghị định 49/2017/NĐ-CP quy định yêu cầu bổ sung thêm ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Đối với các thuê bao mà doanh nghiệp có sở cứ là thông tin đã chính xác (ví dụ thuê bao trả sau), thì không cần đăng ký lại thông tin, nhưng phải bổ sung ảnh chụp và các thông tin cần thiết khác.
Cục Viễn thông cho rằng việc chụp ảnh người sử dụng dịch vụ viễn thông di động cần thiết vì mục đích an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ người dân.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng – Đoàn Luật sư TP.HCM đánh giá: “Thực chất, quan hệ giữa các chủ thuê bao di động và nhà mạng là một giao dịch dân sự, và những chủ sim chính chủ đang tồn tại một giao dịch dân sự có hiệu lực với nhà mạng. Giao dịch này hoàn toàn đáp ứng tính hiệu lực theo quy định tại Bộ luật dân sự”.
Vì vậy Luật sư Hưng cho rằng nhà mạng không thể "ép" các thuê bao di động phải thực hiện một hành vi ngoài thỏa thuận đã giao kết.
"Quyền tự do cam kết, thoả thuận trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự được pháp luật bảo đảm, nếu cam kết, thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Trong quan hệ dân sự, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được áp đặt, đe dọa, cưỡng ép… bên nào.
Cam kết, thoả thuận hợp pháp có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên và phải được cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác tôn trọng”.
Vì vậy, Luật sư Hưng nhận định rằng, việc "buộc chụp hình" khi muốn sử dụng điện thoại, không nằm trong thỏa thuận, và hơn nữa chủ thuê bao di động đã chứng minh tính "chính chủ" của mình, cụ thể là CMND hay giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Cần thông tin cụ thể để người dân hiểu
Luật sư Nguyễn Trung Phát – Đoàn Luật sư TP.HCM cũng có quan điểm tương tự. Theo đó: “Về cơ bản việc cá nhân chọn mạng di động để sử dụng là một hợp đồng dân sự, tại thời điểm xác lập hợp đồng này, các bên đã xác định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của nhau. Vì thế việc tiếp tục đưa ra những yêu cầu sau đó, bắt người sử dụng phải tuân thủ và đi kèm với việc không tuân thủ là một chế tài tự ý áp đặt, là điều không hợp lý”.
Theo luật sư Phát: “Trong quá trình xác lập hợp đồng giữa nhà mạng và người sử dụng, bản thân người sử dụng đã phải cung cấp thông tin cá nhân bằng việc cung cấp giấy CMND, để đại diện nhà mạng đi photo lưu trữ hồ sơ. Như vậy việc cung cấp chứng minh CMND đã bao gồm thông tin hình ảnh của người sử dụng, nhằm đăng ký với tư cách là chủ thuê bao. Như thế vấn đề nằm ở việc nhà mạng đã lưu trữ thông tin này như thế nào?”.
Luật sư Phát đánh giá, việc buộc chủ thuê bao tiếp tục cung cấp thông tin, chụp ảnh có nhiều bất cập ở một số điểm như:
- Đẻ ra một thủ tục rườm rà gây phiền hà cho người sử dụng, đi ngược lại với xu hướng phát triển chung của xã hội, thay vì cần phải đơn giản hóa các yêu cầu chính đáng, để hướng đến lợi ích tốt nhất cho người tiêu dùng.
- Sẽ phát sinh một chi phí lớn ở chỗ nhà mạng sẽ phải trang bị thêm máy móc thiết bị, nhân sự để hỗ trợ khách hàng trong trường hợp khách hàng có yêu cầu trợ giúp, như trường hợp người già yếu, không đi lại được, người ở vùng sâu vùng xa…
Tuy nhiên, luật sư Phát cũng lưu ý rằng chỉ khi nào sự áp đặt đó dựa vào lý do an ninh quốc gia thì có thể chấp nhận được. Nếu việc yêu cầu bổ sung thông tin, hình ảnh, và đưa ra chế tài của Nghị định có xuất phát từ yêu cầu quản lý về mặt an ninh của quốc gia, giúp cho các cơ quan chức năng quản lý tốt các thuê bao di động nhằm đấu tranh với tội phạm.
“Nhưng như vậy, thì nó cần phải được thông tin cụ thể, để người dân hiểu được chính sách này. Vì khi đó họ ý thức được việc bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ lợi ích chung của xã hội nên họ sẽ phải thực hiện nghiêm chỉnh nội dung của Nghị định. Nếu không thì việc áp dụng các quy định và chế tài trong nghị định sẽ gây nên một phản ứng trái chiều trong dư luận và nhân dân”, ông Phát nói.
Advertisement