01/08/2018 11:08
Lũ sớm do vỡ đập ở Lào khiến nông dân miền Tây thiệt hại nặng
Do ảnh hưởng bởi vụ vỡ đập ở Lào, nước lũ ở Tây Nam Bộ về sớm hơn khiến nông dân miền Tây thiệt hại nặng.
Là tỉnh đầu nguồn, An Giang là địa phương đầu tiên phải hứng chịu hậu quả do nước lũ về sớm hơn mọi năm. Phát biểu trên báo Người lao động, ông Phạm Thành Tâm, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện An Phú, An Giang, nhận định lũ năm nay về sớm và lớn hơn năm ngoái đến gần 15 ngày nên hơn 30 ha lúa của nông dân trồng ngoài đê bao bị thiệt hại.
"Nếu bình thường không có chuyện bên Lào vỡ đập thì nước lũ vẫn lên nhưng có thể thấp hơn từ 30 - 40 cm. Hiện chúng tôi đang gia cố tuyến đê ở các xã Phú Hữu, Vĩnh Hậu và Vĩnh Lộc để bảo vệ khoảng 8.000 ha lúa đang thu hoạch. Chúng tôi đã vận động nông dân sớm thu hoạch dứt điểm trong 3 ngày tới để hạn chế rủi ro", ông Tâm nói.
Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, cho biết tỉnh này đã có kế hoạch dự phòng cho trường hợp lũ sớm bất thường và việc xả lũ ở các đập thủy điện phía thượng nguồn, nên không có gì bất ngờ. Hơn nữa, lượng nước từ Lào về tới An Giang rất xa, phải qua nhiều nơi nên đã giảm đáng kể. Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long, nếu lượng nước về khu vực này khoảng 5 cm như các cơ quan chức năng thông tin thì không đáng lo ngại. |
Ngoài An Giang, nhiều tỉnh ở hạ nguồn cũng gánh chịu những hậu quả tương tự do nước lũ về sớm. Báo VnExpress cho biết, tại Đồng Tháp, nhiều người sinh sống trên các cồn ở sông Tiền (huyện Hồng Ngự) cũng bị thiệt hại nặng khi nước lũ đổ về sớm. Bà Lê Thị Muội (42 tuổi) nói rằng, những năm trước khi lũ lên thì toàn bộ hoa màu của người dân đã thu hoạch xong.
"Nhưng năm nay nước về sớm khoảng 10 ngày, làm chúng tôi không kịp trở tay", bà chép miệng. Nhìn vào đống khoai mì mới thu hoạch, bà Muội nói như mếu: "Mấy công khoai mì nhà tui bị ngập úng, hư hỏng, thương lái không thu mua".
Còn tại Long An, mấy ngày qua, người dân ở Thạnh Hưng (huyện Tân Hưng) - một xã vùng trũng Đồng Tháp Mười - đang gia cố đê bao, tháo nước ra ngoài để bảo vệ hơn 1.000 ha lúa hè thu sắp thu hoạch.
"Mỗi ngày nước lũ lên 5 - 7 cm, do hệ thống đê bao tại xã chưa hoàn thiện, nên bà con phải thu hoạch hàng chục ha lúa khi còn xanh, khiến năng suất giảm khoảng 30%", ông Võ Hùng Kiệt, Phó chủ tịch UBND xã Thạnh Hưng, cho biết.
Không chỉ giảm năng suất, giá lúa cũng bị rớt theo. "Trước mùa vụ, các thương lái đã đến ruộng để đặt cọc mua lúa. Nhưng do thu hoạch khi lúa còn non nên bị giảm 1.000 đồng mỗi kg", nông dân Nguyễn Văn Đông than vãn.
Người dân miền Tây gặt lúa sớm để chạy lũ. Ảnh: VnExpress |
Ngoài ra, theo người dân, việc gia cố đê bao, dùng máy bơm nước rút khỏi ruộng cũng khiến đội thêm chi phí khoảng một triệu đồng mỗi ha, nên đa phần nông dân vụ này đạt lợi nhuận thấp.
Lũ vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới Báo VnExpress dẫn lời Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, mực nước lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long đang lên và còn diễn biến phức tạp. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long (An Giang) đang lên. Cơ quan khí tượng đo đạc, ngày 29/7, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu là 2,87 m, trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,38 m. Đến ngày 30/7 vừa qua, mực nước cao nhất trên sông Tiền 2,97 m, trên sông Hậu là 2,47 m. Tiến sĩ Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Khoa học Thủy lợi miền Nam lý giải, sau sự cố vỡ đập ở Lào, nước lũ đổ về các hồ đập ở Campuchia. Một số hồ chứa ở khu vực này xả lũ, kết hợp với mưa khiến mực nước ở Đồng bằng sông Cửu Long dâng cao. "Tuần này lượng mưa ở Lào giảm so với tuần trước, tuy nhiên nước lũ vẫn tiếp tục tăng nhanh", ông Hoằng nhận định. Còn ông Lê Khương Bình, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Đồng Tháp, cho biết nước lũ đầu nguồn miền Tây lên nhanh, khoảng 7 - 10 cm mỗi ngày. Ngoài mưa lớn kết hợp và sự cố vỡ đập ở Lào, nước lên còn do triều cường dâng cao. "Trong vài ngày tới, lũ tiếp tục lên nhưng cường suất giảm lại, tăng khoảng 5 - 8 cm mỗi ngày", giám đốc cơ quan khí tượng nói. Dự báo, đến giữa tháng Tám, đỉnh lũ đạt báo động 1 (trên sông Tiền tại Tân Châu đạt mức 3,5 m, sông Hậu tại Châu Đốc là 3 m). "Các vùng ngoài đê bao ở đầu nguồn tiếp tục bị lũ uy hiếp. Chính quyền địa phương và người dân cần chủ động thu hoạch sớm lúa và hoa màu để giảm thiệt hại", ông Bình khuyến cáo. Theo ông Võ Kim Thuần, Trưởng chi cục Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Long An, năm nay cường suất lũ tăng nhanh hơn năm trước. "Mực nước lũ đầu tháng 8 của các huyện đầu nguồn có thể cao hơn 0,2 - 0,3 m so với cùng kỳ", ông Thuần nhận định. Để đối phó với lũ, các tỉnh chịu ảnh hưởng đã chỉ đạo gia cố đê, bờ bao, bơm rút nước để cứu lúa, hoa màu, đồng thời xem xét hỗ trợ người dân bị ngập úng ở các vùng được nhà nước cho chủ trương xuống giống. |
Advertisement