Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Loạt doanh nghiệp dư tiền mặt, gửi ngân hàng cả nghìn tỷ đồng

Doanh nghiệp

03/11/2023 12:46

Sau 9 tháng, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp gửi ngân hàng hàng chục nghìn tỷ đồng lấy lãi, đóng góp không nhỏ vào lợi nhuận, như Vinamilk, Hòa Phát, Thế Giới Di Động, FPT...

Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas, mã: GAS) dẫn đầu với gần 39.800 tỷ đồng đang gửi ngân hàng tính đến cuối tháng 9/2023. Số tiền gửi này chiếm 47% tổng tài sản của PV Gas.

Khoản tiền gửi này đã mang về cho PV Gas 1.570 tỷ đồng tiền lãi, gấp gần 1,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi ngày, PV Gas có gần 6 tỷ đồng tiền lãi ngân hàng.

Lũy kế 9 tháng năm 2023, PV Gas đạt gần 67,4 nghìn tỷ đồng doanh thu thuần, thấp hơn cùng kỳ 14%; lãi sau thuế và lãi ròng lần lượt hơn 9 nghìn tỷ đồng và 8,9 nghìn tỷ đồng, giảm 23%. Dẫu vậy, do đặt mục tiêu giảm khá sâu so với thực hiện năm 2022, doanh nghiệp đã thực hiện được 88% kế hoạch doanh thu và vượt 38% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Trong ngành dầu khí, ngoài PV Gas còn có "đại gia tiền mặt" khác là Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã: BSR). 9 tháng đầu năm nay, số dư tiền gửi ngân hàng của BSR đạt gần 36.500 tỷ đồng, tăng hơn 45% so với đầu năm, tương đương với 11.400 tỷ đồng. Các khoản tiền gửi bao gồm không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng. Tiền gửi ngân hàng đang chiếm hơn 41% tổng tài sản doanh nghiệp, theo Vnbusiness.

Xét riêng quý 3, BSR đã nâng lượng tiền nhàn rỗi thêm hơn 7.200 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng thay đổi cơ cấu sang chuộng gửi ngân hàng kỳ hạn dài hơn, thay vì tập trung gửi không quá 3 tháng như trước.

Tăng thêm tiền gửi, lũy kế 9 tháng, BSR có gần 1.176 tỷ đồng lãi tiền gửi, gấp 1,9 lần so với cùng kỳ năm trước. Mỗi ngày, doanh nghiệp nhận hơn 4 tỷ đồng từ lãi tiết kiệm.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, BSR ghi nhận doanh thu đạt 105.490 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt 6.939 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 6.186 tỷ đồng, giảm lần lượt 49% và 52% so với cùng kỳ năm 2022.

Nói đến "đại gia tiền mặt" không thể không nhắc đến Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) khi các khoản tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng đạt 32.307 tỷ đồng tại thời điểm 30/9/2023. Dù giảm gần 700 tỷ đồng so thời điểm đầu năm, nhưng lãi tiền gửi ghi nhận từ đầu năm đến hết tháng 9 đạt 1.261 tỷ đồng, vẫn tăng 6% so với cùng kỳ.

Về tình hình kinh doanh, lũy kế 9 tháng đầu năm, ACV ghi nhận doanh thu thuần đạt 14.985 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 7.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 54% và 20% so với cùng kỳ năm trước. Theo ACV, kết quả kinh doanh khởi sắc đến từ việc thị trường hàng không quốc tế hồi phục.

Tiếp theo là Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG). Tại ngày 30/9, công ty có 29.654 tỷ đồng tiền và tương đương tiền lẫn tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng, chiếm 38% tài sản ngắn hạn. Nếu so với thời điểm đầu năm nay, số dư tiền gửi đã giảm hơn 4.700 tỷ đồng.

Lãi tiền gửi trong riêng quý 3 đạt 459 tỷ đồng. Tính sau 9 tháng, số lãi tiền gửi mà Hòa Phát nhận về vẫn cao với hơn 1.550 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, Hòa Phát đạt 85.430 tỷ đồng doanh thu, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế là 3.830 tỷ đồng, hoàn thành 48% kế hoạch năm.

Ông lớn ngành công nghệ - Công ty cổ phần FPT (mã chứng khoán: FPT) tại ngày 30/9 cũng có 26.772 tỷ đồng tiền nhàn rỗi, tăng 37% so với đầu năm. Lãi tiền gửi trong 9 tháng mà doanh nghiệp nhận được là 1.264 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 9 tháng, FPT đạt lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 4.742 tỷ đồng, tăng 20% cùng kỳ. Riêng quý 3, công ty lập kỷ lục về con số đạt được trong một quý với mức hơn 2.400 tỷ đồng, cũng tăng 20%.

Tại ngày 30/9, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - mã chứng khoán: VNM) có khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn với tổng giá trị 26.588 tỷ đồng, chiếm 71% tài sản ngắn hạn.

Trong 9 tháng, khoản tiền gửi đem về cho Vinamilk số lãi 1.148 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước và đóng góp không nhỏ vào lợi nhuận công ty.

Lũy kế 9 tháng, công ty sữa này ghi nhận doanh thu thuần 44.750 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 6.668 tỷ đồng, không biến động nhiều so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch năm, công ty thực hiện 71% doanh thu và 77% lợi nhuận.

Một doanh nghiệp khác cũng "nhiều tiền" là Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG). Tại ngày 30/9, công ty có khoảng 22.065 tỷ đồng gửi vào ngân hàng. Con số này gấp đôi so với đầu năm, giúp doanh nghiệp ghi nhận lãi tiền gửi 1.357 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, công ty đạt doanh thu 87.581 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 77,5 tỷ đồng, giảm lần lượt 16% và 98% so với cùng kỳ. Mức lợi nhuận này cũng thấp nhất kể từ khi công ty niêm yết sàn chứng khoán (năm 2014), theo Dân trí.

Có thể thấy, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thay vì đẩy dòng tiền vào hoạt động kinh doanh vốn nhiều rủi ro, kênh ngân hàng trở thành "nơi trú ẩn" mới cho dòng tiền của các doanh nghiệp dồi dào tiền mặt trong 9 tháng vừa qua. Các chuyên gia nhận định, động thái này của doanh nghiệp vừa gia tăng được lợi nhuận vừa đảm bảo an toàn cho dòng vốn và chờ cơ hội "ấm lên" của nền kinh tế để đầu tư.

(Tổng hợp)

AN LY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement