Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Loạt doanh nghiệp bị nghi ngờ khả năng tiếp tục hoạt động

Doanh nghiệp

01/09/2022 14:40

Thua lỗ và nợ nần, những doanh nghiệp như Thép Pomina (POM), Hoàng Anh Gia Lai (HAG), CTCP vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (VST)... bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.

Thép Pomina

Mới đây, Thép Pomina công bố BCTC bán niên 2022 soát xét với nhiều thay đổi so với báo cáo tự lập với kết quả chuyển từ lãi thành lỗ.

Theo đó, doanh thu thuần xấp xỉ ở mức 8.105 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ nửa đầu năm nay thay đổi từ lãi hơn 8 tỷ đồng trong báo cáo tự lập thành lỗ 23 tỷ đồng sau soát xét.

Loạt doanh nghiệp bị nghi ngờ khả năng tiếp tục hoạt động - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Tại báo cáo hợp nhất đã soát xét, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh vấn đề nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn là 1.008 tỷ đồng do Pomina dùng vốn ngắn hạn cho dự án lò cao khi nguồn vốn cho dự án không đủ.

Cụ thể, Pomina có 10.727 tỷ đồng nợ ngắn hạn, hầu hết là nợ vay tài chính với 7.728 tỷ đồng, trong khi tài sản ngắn hạn ở mức 9.719,1 tỷ đồng. Ngoài ra đơn vị kiểm toán cũng cho biết Pomina chưa thanh toán các khoản vay đã đến hạn cho đến ngày lập BCTC hợp nhất giữa niên độ. Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên 31/8, cổ phiếu POM đang dừng ở mức 7.500 đồng/cp (-0,1%), theo Vnbusiness.

Công ty CP XNK thủy sản An Giang

Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022 của Công ty CP XNK thủy sản An Giang (AGF) cũng ghi nhận ý kiến của đơn vị kiểm toán về khả năng hoạt động liên tục của công ty. Theo đó, tại thời điểm 30/6/2022, khoản lỗ lũy kế của công ty là 859 tỷ đồng, nợ ngắn hạn đang vượt quá tài sản ngắn hạn là 375 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 165 tỷ đồng, kết quả kinh doanh trong kỳ lỗ gần 12 tỷ đồng.

Hoàng Anh Gia Lai

Đơn vị kiểm toán bày tỏ nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Hoàng Anh Gia Lai do có khoản lỗ lũy kế 3.938,5 tỉ đồng tính tới 30/6/2022, bằng 42,5% vốn điều lệ doanh nghiệp, và hành vi vi phạm một số cam kết với hợp đồng vay và trái phiếu.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên 31/8, cổ phiếu HAG đang giao dịch ở mức 12.950 đồng/cp.

Công ty CP Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam

Trong báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022 của Công ty CP Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (VST), đơn vị kiểm toán đã chỉ ra rằng, tại thời điểm 30/6/2022, nợ ngắn hạn của VST đã vượt quá tài sản ngắn hạn là 1.886 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 2.363 tỷ đồng, chỉ tiêu vốn chủ sở hữu âm là 1.717 tỷ đồng.

Loạt doanh nghiệp bị nghi ngờ khả năng tiếp tục hoạt động - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Đồng thời, các khoản nợ vay đã quá hạn thanh toán lên tới 554 tỷ đồng; chi phí phải trả ngắn hạn, chi phí lãi vay phải trả cho các khoản vay quá hạn này là 1.210 tỷ đồng. Công ty chưa có phương án hiệu quả để khắc phục khả năng thanh toán cũng như tìm kiếm được nguồn tiền để thanh toán cho các khoản vay đến hạn trong vòng 12 tháng tới trong điều kiện hoạt động bình thường.

Ngoài ra, VST cũng đang đối mặt với các vụ kiện của ngân hàng về việc phải thanh toán ngay các khoản vay. Theo đơn vị kiểm toán, đây là yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của VST.

Tổng công ty Cơ khí xây dựng

Còn Tổng công ty Cơ khí xây dựng, đơn vị kiểm toán đưa ra hàng loạt ý kiến ngoại trừ. Cụ thể, doanh nghiệp chưa trích lập đủ dự phòng nợ phải thu khó đòi với số cần trích bổ sung khoảng 16,7 tỷ đồng tính tới 30/6/2022. Con số này tại ngày 31/12/2021 là 15,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, đơn vị kiểm toán không thể xác định cơ sở điều chỉnh với số liệu liên quan tiền sử dụng đất của dự án khu nhà ở Decoimex.

Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam

Trong khi đó, lợi nhuận sau soát xét "bốc hơi" hơn 10% so với báo cáo tự lập. Và báo cáo tài chính của Petrocons tiếp tục bị kiểm toán viên từ chối đưa ra kết luận, do "không thể thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp để làm cơ sở kết luận về báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ".

Từ năm 2017 đến nay, Petrocons liên tiếp kinh doanh thua lỗ. Các công ty kiểm toán cũng đã từ chối đưa ra kết luận tại các báo cáo tài chính năm 2019, năm 2020 và năm 2021 liền trước. Nguyên nhân chính bởi công ty kinh doanh dưới giá vốn. Chi phí quản lý doanh nghiệp, phần lớn nằm ở khoản chi trả lương cho nhân sự quản lý cũng là gánh nặng chi phí của Petrocons vài năm gần đây.

Loạt doanh nghiệp bị nghi ngờ khả năng tiếp tục hoạt động - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Do đó, cổ phiếu PVX bị hủy niêm yết và chuyển sang giao dịch trên thị trường UPCoM từ ngày 17/6/2020 và đang trong tình trạng bị hạn chế giao dịch.

Công ty CP Vinaconex 39

Tương tự, lỗ lũy kế tại thời điểm cuối tháng 6/2022 của Công ty CP Vinaconex 39 (PVV) cũng lên tới gần 368 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ và làm âm vốn chủ sở hữu khoảng 43 tỷ đồng.

Về vay nợ, số dư nợ ngắn hạn của PVV đã vượt quá tài sản ngắn hạn khoảng 275 tỷ đồng, nợ vay ngân hàng quá hạn chưa thanh toán với số tiền khoảng gần 223 tỷ đồng. Ngoài ra, các khoản góp vốn thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư đang chậm tiến độ với số tiền khoảng gần 194 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, kết quả kinh doanh hợp nhất của PVV tiếp tục lỗ gần 13 tỷ đồng. Các vấn đề này dẫn tới nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động kinh doanh của PVV trong 12 tháng tiếp theo.

Theo đơn vị kiểm toán, khả năng hoạt động liên tục của công ty phụ thuộc vào việc thu hồi các khoản phải thu, các khoản đầu tư đã quá hạn và quyết toán các công trình dở dang để thu hồi công nợ cũng như khả năng tạo lợi nhuận trong tương lai.

Công ty CP Thương mại Hà Tây

Công ty CP Thương mại Hà Tây (HTT) cũng có khoản lỗ lũy kế lên tới 60 tỷ đồng tại ngày 30/6/2022; nợ phải trả ngắn hạn đang vượt quá tài sản ngắn hạn là 54,7 tỷ đồng. Công ty đang thiếu hụt vốn lưu động để thanh toán các khoản nợ đến hạn.

Các khoản nợ quá hạn thanh toán tại ngày 30/6/2022 của công ty chủ yếu là số dư nợ ngân sách nhà nước là 15 tỷ đồng, nợ gốc vay ngân hàng 30 tỷ đồng, lãi vay ngân hàng ước tính phải trả là 15 tỷ đồng và các khoản nợ phải trả khác.

Do đó, kiểm toán nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động của công ty. Khả năng tiếp tục hoạt động của HTT phụ thuộc vào kế hoạch thu hồi các khoản công nợ, tái cấu trúc các khoản đầu tư, hoàn thành và quyết toán các công trình dở dang để thu hồi tiền, các hỗ trợ tài chính từ các cổ đông và các chủ nợ.

(Tổng hợp)

AN LY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement