17/07/2025 21:09
Lộ trình chuyển đổi 400.000 xe công nghệ sang xe điện ở TP.HCM
Đề án Chuyển đổi xe hai bánh từ xăng sang điện cho tài xế công nghệ và giao hàng tại TP. Hồ Chí Minh sẽ sớm được trình UBND thành phố trong tuần này.
Hiện TP.HCM đã hoàn thiện dự thảo Đề án "Chuyển đổi xe hai bánh từ xăng sang điện cho tài xế công nghệ và giao hàng tại TP.HCM", với mục tiêu chuyển đổi khoảng 400.000 tài xế công nghệ đang sử dụng xe máy xăng sang sử dụng xe điện vào cuối năm 2029. Đề án này sẽ sớm được trình UBND thành phố trong tuần này.
Thực hiện từng bước
Đề án do Sở Xây dựng TP.HCM (trước đây là Sở Giao thông Vận tải) chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố. Đề án nhằm chuyển đổi toàn bộ phương tiện hai bánh từ xăng sang điện cho tất cả tài xế công nghệ và nhân viên giao hàng, mục tiêu đến năm 2029 giảm 100% lượng khí thải gây ô nhiễm và khí nhà kính từ nhóm phương tiện này.
Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) cho biết, đối tượng được nghiên cứu tập trung các nhóm xả thải nhiều nhất. Đề án chuyển đổi 400.000 tài xế xe công nghệ sang xe điện hiện đã được Viện Nghiên cứu phát triển hoàn thành dự thảo lần cuối, dự kiến trình UBND TP.HCM tuần này để thành phố chỉ đạo lấy ý kiến hoàn thiện đề xuất chính sách.

Hệ thống sạc xe máy điện VinFast
Khảo sát năm 2023 của Viện Nghiên cứu phát triển cho thấy, mỗi tài xế công nghệ tại TP.HCM di chuyển trung bình 80 - 120 km mỗi ngày, gấp 3 - 4 lần so với người dân thông thường. Điều đó đồng nghĩa, chuyển đổi một chiếc xe của tài xế công nghệ sang xe điện có tác động giảm phát thải lớn gấp nhiều lần so với xe 2 bánh cá nhân.
Theo ông Lê Thanh Hải, việc chuyển đổi xe điện cho nhóm này dễ tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội; chuyển đổi giúp tài xế tiết kiệm đáng kể nhờ chi phí nhiên liệu và bảo trì. Thông qua các nền tảng công nghệ, chính quyền có thể nhanh chóng tiếp cận, truyền thông, thống kê, định danh và giám sát tiến độ chuyển đổi.
Đề án đưa ra các giai đoạn với mục tiêu định lượng và gắn với lộ trình thời gian cụ thể, nhằm tạo cơ sở để đo lường, đánh giá tiến độ và hiệu quả trong giai đoạn triển khai. Theo đó, lộ trình dự kiến cuối năm 2026 chuyển đổi đạt 30%, tương đương khoảng 120.000 xe; cuối 2027 đạt 80%, tương đương khoảng 320.000 xe và cuối năm 2029 đạt 100%, tương đương khoảng 400.000 xe.
Sau hợp nhất, thống kê sơ bộ TP.HCM có khoảng 11 triệu phương tiện, với khoảng 1,5 triệu xe ô tô.
Với nhóm xe máy công nghệ, dữ liệu ước tính của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM năm 2025 cho thấy, khoảng hơn 400.000 xe hai bánh (chiếm 4,8% tổng số phương tiện trên địa bàn TP.HCM) được sử dụng vào mục đích vận tải thông qua các ứng dụng gọi xe công nghệ và giao hàng. Hiện nay, một số doanh nghiệp đã thí điểm chuyển đổi xe điện cho tài xế, tuy nhiên tỷ lệ xe điện trên tổng số 400.000 tài xế công nghệ vẫn còn rất hạn chế.
Cần những chính sách ưu tiên
Theo Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, hoạt động giao thông vận tải được xem là một trong những nguồn phát thải chính làm ô nhiễm không khí tại thành phố. Đáng lo ngại, áp lực từ đô thị hóa khiến xu hướng phát thải trong những năm gần đây vẫn tiếp tục tăng, nhất là về bụi và tiếng ồn.
Các chuyên gia của Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM cảnh báo, nếu không có biện pháp can thiệp sớm, đến năm 2030, tổng phát thải từ giao thông có thể tăng gấp 2,6 lần, đạt hơn 44 triệu tấn chất ô nhiễm mỗi năm. Thực trạng này đòi hỏi cấp thiết triển khai các giải pháp giao thông bền vững, như chuyển đổi sang phương tiện chạy điện, để nâng cao chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe người dân.
Theo ông Lê Thanh Hải, để thực hiện mục tiêu chuyển đổi 400.000 tài xế xe công nghệ sang sử dụng xe điện, đề án đề xuất TP.HCM cần triển khai đồng bộ các nhóm chính sách ưu tiên. Đó là hỗ trợ tài chính cho tài xế công nghệ (miễn thuế VAT, lệ phí trước bạ, phí đăng ký biển số) và tạo điều kiện tiếp cận các khoản vay lãi suất thấp; chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất xe điện và phát triển hạ tầng năng lượng; ưu đãi nhằm khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng trạm sạc và trạm đổi pin.
Ngoài ra, nhóm chuyên gia cũng kiến nghị áp dụng chính sách cho các nhà sản xuất xe điện và linh kiện nội địa được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu linh kiện, đất đai và tín dụng phát triển. Cùng với đó, thành phố thiết lập lộ trình cấm xe 2 bánh sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tham gia kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa.

Xe máy điện Honda Benly e: phục vụ hoạt động vận chuyển bưu phẩm, hàng hóa tại Bưu điện Hà Nội
Lộ trình chuyển đổi được chia thành các mốc kỹ thuật bắt buộc, có giải pháp khuyến khích rõ ràng tạo đệm chính sách để vừa bảo vệ quyền lợi tài chính tài xế, đồng thời thúc đẩy đầu tư hạ tầng sạc.
Cụ thể, từ đầu năm 2026 áp dụng những chính sách ưu đãi, đồng thời ngừng đăng ký mới phù hiệu đối với tài xế xe máy xăng có nhu cầu tham gia xe công nghệ; từ năm 2027 hạn chế xe xăng hoạt động trong giờ cao điểm tại các vùng phát thải thấp; từ năm 2028 siết chặt chính sách kiểm soát khí thải và cuối năm 2029 cấm hoàn toàn xe xăng tham gia cung cấp dịch vụ trên các nền tảng gọi xe công nghệ.
Với vùng phát thải thấp, ông Lê Thanh Hải cho biết, Viện Nghiên cứu phát triển và Sở Xây dựng đã chọn Cần Giờ và Côn Đảo là địa bàn dễ áp dụng chính sách nên thực hiện trước. Đến nay Sở Xây dựng đã có dự thảo và được các chuyên gia góp ý để cập nhật hoàn thành.
Hiện TP.HCM có khoảng 600 điểm sạc công cộng, đáp ứng dưới 10% nhu cầu dự kiến cho 350.000 - 400.000 xe điện hai bánh trong tương lai. Các điểm này cũng chưa đáp ứng tốt nhu cầu tài xế công nghệ. Do đó, mục tiêu cần xây dựng 3.000 điểm sạc và đổi pin công cộng trước 12/2028, đảm bảo bán kính phục vụ dưới 800 m trong các phường nội thành và 2 km tại các trục logistics liên tỉnh.
Chuyên gia đề xuất thành phố mở rộng danh mục địa điểm công như bãi xe, cây xăng, chợ, UBND phường, công viên, trung tâm thương mại, bãi xe, nhà chờ xe buýt, chợ dân sinh, cây xăng chuyển đổi…; từ đó cho phép sử dụng các vị trí công cộng để đặt trạm sạc hoặc trạm đổi pin, đồng thời ưu tiên xây trạm sạc tại quán cà phê, siêu thị tiện lợi và bãi đậu xe để tối ưu hóa thời gian chờ của tài xế.
Vừa qua, Sở Xây dựng TP.HCM đã có văn bản đề nghị các sở ngành, đơn vị nghiên cứu, tính toán và đề xuất phương án hạn chế phương tiện giao thông có mức độ phát thải cao tại những khu vực đang có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm về khí thải trên địa bàn.
Các ý kiến tập trung về mức khí thải của phương tiện đang lưu hành trên địa bàn; xác định và công khai thông tin đối với vùng phát thải cao và đề xuất các giải pháp kiểm soát khí thải phương tiện giao thông; rà soát, hướng dẫn quy định, tham mưu chính sách đất đai phục vụ phát triển hạ tầng bến bãi, trạm sạc đối với phương tiện giao thông xanh…
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp