24/11/2017 07:38
Lo lắng miễn học phí 1, tăng phụ phí 10
Dự thảo Luật giáo dục vừa được Bộ GD ĐT trình Chính phủ có đề xuất miễn học phí cho học sinh từ cấp THCS trở xuống.
Tuy nhiên, được miễn học phí không ít phụ huynh lo ngại các khoản phụ phí của các trường lại có lý do để “trăm hoa đua nở” để bù đắp khoản thiếu hụt.
Theo dự thảo, Bộ GD ĐT đề xuất mở rộng đối tượng không phải đóng học phí tới cấp THCS ở trường công lập. Theo giải thích của Bộ, đề xuất này căn cứ vào thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn hiện nay cũng như yêu cầu phát triển nền giáo dục theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế, cần đẩy mạnh phổ cập giáo dục THCS và phân luồng.
Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất cơ sở giáo dục ngoài công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí đảm bảo bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý.
Được miễn học phí là tin vui đối với nhiều gia đình nghèo có con đang ở độ tuổi THCS, tuy nhiên bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình, nhiều người lo ngại, việc bỏ học phí sẽ khiến cho các khoản phụ phí mọc lên để bù vào các khoản còn thiếu.
Phụ huynh Trần Thị Huyền (Cầu Giấy – Hà Nội) cho con đang học lớp 7 cho biết, mức học phí THCS chỉ là một phần rất nhỏ trong các khoản mà gia đình chị phải nộp mỗi năm cho con, các khoản phụ phí chiếm 90% số tiền: “Mức học phí hiện tại mỗi phụ huynh ở thành phố phải đóng cho con chỉ 100,000 đồng/ tháng, ở nông thôn cũng chỉ tầm 50.000 đồng/ tháng. Con số không lớn và phụ huynh hoàn toàn có thể cáng đáng được, tuy nhiên các khoản thu ngoài luồng mới là kinh khủng” – chị Huyền nói.
Chị Huyền cũng liệt kê, các khoản thu đầu năm chị phải chi lên tới gần chục triệu đồng trong đó có đủ các thể loại quỹ, tiền học thêm, bán trú, nước, điện, thuê bảo vệ nhân công, xã hội hóa giáo dục.... “Nếu những khoản đó mà giảm được thì mới đáng nói” – chị Phương bày tỏ.
Đồng tình với đề xuất miễn học phí vì cho rằng nó sẽ giảm một phần gánh nặng cho phụ huynh cũng khiến nhà trường bớt một khoản phải thu hộ, nhưng bà N.T. P lãnh đạo một trường cấp 2 tại Hải Dương lại lo ngại, nếu như không còn học phí kinh phí e rằng kinh phí Nhà nước sẽ không đủ để bao cấp.
“Hiện nay, 60% học phí được đưa về đưa phương phân bổ cho các hoạt động thường xuyên về chuyên môn và nghiệp vụ của các trường. Nếu như không còn thu học phí nữa, các hoạt động thường xuyên vẫn phải chi nhà trường sẽ phải làm gì? Nếu thu thêm thì sẽ rất bất cập” – bà P nói.
Trong khi đó, phụ huynh Trần Văn Ngọc (Quảng Xương – Thanh Hóa) cho rằng: “Trước đây, khi tình trạng lạm thu bị phản ánh nhiều, có vị ĐB Quốc hội nào đó từng đề xuất tăng học phí để xóa bỏ lạm thu. Ý kiến đó nghe có vẻ rất hợp lý. Khi các khoản thu về một mối, có sự minh bạch rõ ràng, phụ huynh chỉ cần đóng 1 lần và không phải suy nghĩ gì về vấn đề ăn, học, ngủ nghê, sinh hoạt... của con ở trường nữa. Giờ lại đề xuất ngược lại, xóa học phí. Chắc chắn xóa học phí lạm thu sẽ tăng”
Ở khía cạnh khác, TS Vũ Thu Hương – Giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng không nên miễn học phí cấp THCS. Theo bà Hương, chi phí cho học phí là rất ít, các gia đình hoàn toàn có thể đóng góp được, nhưng chi phí đó nếu để Nhà nước gánh cả thì lại thành rất lớn, trong khi Nhà nước hiện nay cũng rất khó khăn chưa thể bao cấp hết được.
“Tôi cũng là một phụ huynh, gia đình cũng không khá giả nhưng mức học phí đóng cho con vẫn thấy rất đơn giản, thậm chí không nhớ học phí là bao nhiêu. Nhưng ngược lại, các khoản phụ phí thì rất nhiều, rất nặng và nhớ rất rõ” – bà Hương nói.
Vì thế, thay bằng việc cắt khoản học phí đang rất cần thiết cho việc chi thường xuyên ở các trường, bà Hương đề xuất nên siết chặt việc quản lý các khoản thu ngoài luồng.“Cần phải có công văn rất rõ ràng về các khoản thu lấy ý kiến của Sở, Phòng và các phụ huynh, được đồng tình hoàn toàn sau đó mới thu. Việc thu – chi cũng phải đúng theo quy định của Bộ tài chính, có hóa đơn, thuế đàng hoàng...Nếu làm được như vậy tôi tin rằng các trường sẽ không thể lách luật lạm thu được nữa” – bà Hương nói.
Advertisement