14/03/2021 09:10
Liệu 'bong bóng kinh tế' đã gõ cửa?
Đại dịch COVID-19 đã hoành hành trên toàn cầu hơn một năm. Để ngăn chặn khủng hoảng kinh tế, chính phủ và ngân hàng trung ương các nước vẫn đang tiếp tục áp dụng các chính sách kích thích tài khóa và biện pháp nới lỏng tiền tệ chưa từng có từ trước đến nay.
Nền kinh tế thực phục hồi chậm, dòng tiền không có "bến đỗ" đang liên tục chảy vào các tài sản vật chất. Trạng thái méo mó bất thường khiến cho mọi người liên tưởng đến bong bóng kinh tế trong quá khứ.
Anh Tống, một người làm nghề kinh doanh dược liệu thuốc nam ở Hà Bắc, Trung Quốc tỏ ra vô cùng kinh ngạc khi giá Ngưu hoàng tăng vọt. Bốn năm trước, mỗi kg Ngưu hoàng được các nhà trung gian chào bán với giá hơn 100.000 CNY (15.400 USD), nhưng hiện nay đã tăng lên đến 500.000 CNY. Các quỹ đầu cơ tập trung vào những mặt hàng khan hiếm khiến cho giá cả tăng vọt.
Một ô tô mô hình đồ chơi trẻ em hiệu Ferrari có giá 15 triệu JPY (tương đương 138.000 USD), một chai rượu vang Romanee Conti giá 41 triệu JPY (tương đương 380.000 USD). Tại một buổi bán đấu giá, nhiều sản phẩm yêu thích khác nhau trên khắp thế giới đã được bán với mức giá cao không tưởng.
Dịch bệnh đã sản sinh ra những thị trường mới. Ngày 19/2, bức tranh người vượn cổ thực hiện bằng thủ pháp Pixel Art (mỹ thuật điểm ảnh) được giao dịch thành công với giá hơn 100 triệu JPY (tương đương 6 triệu CNY).
Đây là một nghệ thuật kỹ thuật số sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain) để đảm bảo tác phẩm là duy nhất trên thế giới, quy mô thị trường đã nhanh chóng mở rộng 400 trăm lần trong vòng 1 năm trở lại đây.
Là một tài sản mã hóa (tiền kỹ thuật số) tiêu biểu, mặc dù Bitcoin không có tài sản đảm bảo, nhưng giá trị của đồng tiền này đã tăng hơn 6 lần trong gần một năm qua. Và một làn sóng tăng giá khác cũng đã xuất hiện sau khi Tesla của Mỹ đầu tư vào đồng Bitcoin.
Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Alan Greenspan từng nhấn mạnh rằng "chỉ sau khi bong bóng vỡ thì mới biết là bong bóng". Từ tiền ảo cho đến cổ phiếu công nghệ cao, bạch kim, các sản phẩm tài chính có giá trên thị trường đều đang phình to, và liệu sự phình to hiện nay là “đại bong bóng” mang lại những cú sốc cực đại sau khi vỡ tung hay là “tiểu bong bóng” dần tiêu tan?
Xét từ chỉ báo phản ánh độ nóng của thị trường, hiện nay đã bắt đầu xuất hiện các chỉ báo cao hơn thời kỳ bong bóng kinh tế trong quá khứ. Căn cứ vào các yếu tố như “số lượng người mới tham gia thị trường”, “cao trào của tâm lý thị trường”…, nhà đầu tư nổi tiếng của Mỹ Ray Dalio đưa ra dự báo chỉ số bong bóng hiện nay là 77%.
Theo ông, mặc dù mức độ rủi ro tương đối cao, nhưng so với mức 100% trước đại khủng hoảng Mỹ và bong bóng IT, thì khoảng cách vẫn rất lớn.
Nikkei đã so sánh 5 chỉ báo quá nóng của thị trường, trong đó có 3 chỉ báo đạt “mức cảnh báo”. Chỉ báo Buffett là chỉ báo phản ánh nền kinh tế thực, phương pháp tính toán là lấy tổng giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán chia cho Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), hiện nay chỉ số này của Mỹ lên đến 186%, vượt xa mức trước khi xảy ra "bong bóng công nghệ thông tin" và khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers.
Bên cạnh đó, chỉ báo phản ánh giá bất động sản của Mỹ cũng đã vượt qua mức tiền khủng hoảng Lehman Brothers được gọi là "bong bóng bất động sản".
Mặc dù "đèn vàng" bong bóng kinh tế đã bật sáng, nhưng Mỹ vẫn không "hãm phanh". Hiện nay, Mỹ đã thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD. Trong đó, khoảng 400 tỷ USD được cho là trực tiếp trợ cấp cho người dân. Cùng với sự gia tăng của đầu tư cá nhân, tình trạng biến động dữ dội như cổ phiếu GameStop của Mỹ vào cuối tháng 1/2021 có thể sẽ lặp lại một lần nữa.
Fed vẫn lo ngại đối với “sự thắt chặt đột ngột”vào năm 2013, khi đó do Fed phát đi tín hiệu ám chỉ kế hoạch thu hẹp quy mô chương trình nới lỏng định lượng (QE) nên đã gây ra sự hỗn loạn của thị trường. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết sẽ tiếp tục thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ.
Theo chuyên gia Mark Haefele thuộc ngân hàng UBS, bộ phận chính sách luôn định hướng thúc đẩy giá của các tài sản an toàn như trái phiếu tăng cao, và giá của các tài sản rủi ro như cổ phiếu giảm xuống thấp. Dự kiến chính sách này sẽ tiếp tục được duy trì trong vài năm tới.
Do áp dụng chính sách kích thích tài khóa tích cực, nên nợ của các nước liên tục gia tăng. Quý III/2020, nợ của Trung Quốc, Mỹ và châu Âu đều xấp xỉ 3 lần GDP, là mức cao nhất từ trước đến nay. Sau khi bước vào thế kỷ XXI, nợ giống như một quả cầu tuyết, "càng lăn càng lớn", nhưng để duy trì sự ổn định của thị trường tài chính, ngân hàng trung ương các nước phải tiếp tục cung tiền.
Hiện nay, các nước dường như đã rơi vào vòng tuần hoàn luẩn quẩn, nợ càng ngày càng khó kiểm soát, và một khi chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu bắt đầu đảo chiều thì tác động lên nền kinh tế sẽ lớn hơn.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp