22/09/2023 15:00
Làng bè Châu Đốc rực rỡ sắc màu ở An Giang
Làng bè Châu Đốc là nơi nuôi trồng cá nước ngọt nổi tiếng của An Giang, nhưng nay được khoác lên mình “chiếc áo” đa sắc màu, kỳ vọng trở thành điểm đến hấp dẫn ở miền Tây.
Làng bè nổi tiếng ở Châu Đốc
Ngày 20/9, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh An Giang cho biết đã đưa vào vận hành cung đường thủy màu sắc độc đáo nhất nhì miền Tây ở thượng nguồn sông Hậu.
Cách trung tâm TP. Long Xuyên hơn 60 km, làng bè nằm trãi dài từ ngã ba sông Châu Đốc kéo dài lên phía đầu nguồn châu thổ sông Hậu và sông Châu Đốc (huyện An Phú). Làng bè Châu Đốc là nơi nuôi trồng cá nước ngọt nổi tiếng của tỉnh An Giang nói riêng và miền Tây nói chung.
Đây là địa điểm du lịch độc đáo phát triển trong một vài năm trở lại đây. Điểm đặc biệt của làng bè Châu Đốc là những căn nhà nổi cùng các bè cá nép gần nhau, tạo thành "làng" dọc sông.
Cung đường thủy này có chiều dài hơn 1km, được sơn phủ sáu màu sắc gồm đỏ, vàng, cam, lục, lam, tím trên toàn bộ 161 bè, vèo nuôi các loại cá nước ngọt nổi tiếng ở An Giang. Mỗi nhà bè, vèo nuôi cá được sơn một màu, lần lượt theo thứ tự.
Ông Lê Trung Hiếu - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư tỉnh An Giang cho biết khi dự án được hoàn thành sẽ tạo nên một cảnh quan đặc sắc, duy nhất của ĐBSCL.
"Do địa thế từ trên cao nhìn xuống sẽ là những mãng màu đan xen kết nối, tạo nên quang cảnh rực rỡ sắc màu, là điểm nhấn độc đáo khu vực ngã ba sông nhìn từ nhiều hướng. Mặt khác, khi được đầu tư đèn màu về đêm sẽ tạo nên một làng bè lung linh soi mình trong nước. Đây sẽ là địa điểm lý tưởng để du khách thưởng lãm và chụp ảnh check-in lưu niệm", ông Hiếu nhận định.
Trải nghiệm văn hóa sông nước
Du khách có thể đi bằng ghe từ Châu Đốc hoặc đi xe đến xã Đa Phước sau đó xuống ghe để tham quan làng bè, trải nghiệm cuộc sống làng bè của người dân, cách người dân nuôi trồng thủy sản trong lồng bè, trải nghiệm môi trường sông nước.
Châu Đốc cách TP HCM khoảng 200 km, là một trong hai thành phố của An Giang. Ngoài làng bè, thị trấn Đa Phước còn nổi tiếng với làng Chăm dọc quốc lộ 91 C và sông Hậu. Nơi đây có hai thánh đường nổi tiếng là Ehsan, Sunnah với kiến trúc độc đáo, nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Chăm.
Các dự án nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc Chăm về việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là tập trung khôi phục làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, đan, thêu, móc.
Làng Chăm ở Đa Phước bình quân mỗi tháng đón khoảng 3.000 lượt khách. Hiện tại, làng có hai bến thuyền phục vụ du lịch. Trong làng trưng bày các khung dệt thổ cẩm, có điểm bán hàng lưu niệm với những sản phẩm truyền thống của đồng bào địa phương.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement