28/02/2021 14:21
Lần đầu tiên sau hơn 30 năm, GDP Vùng lãnh thổ Đài Loan vượt Trung Quốc đại lục
Sau hơn 3 thập kỷ, GDP của vùng lãnh thổ Đài Loan vượt mặt Trung Quốc đại lục khi đạt mức tăng trưởng 3,11%. Điều này đến từ việc hòn đảo này khống chế thành công COVID-19 và tăng trưởng mạnh ngành công nghiệp sản xuất chip điện tử.
Ngày 26/2, kênh truyền thông của Đức DW đã có bài viết về so sánh sự tăng trưởng kinh tế của Vùng lãnh thổ Đài Loan (gọi tắt là Đài Loan) với Trung Quốc đại lục. Theo tờ DW nhận xét, trước khi COVID-19 xuất hiện, Trung Quốc từng là cường quốc toàn cầu nhưng với những ảnh hưởng khó lường của đại dịch, vị trí đứng đầu này đã nhường chỗ cho Đài Loan.
Ghi nhận về mức tăng trưởng sản lượng kinh tế năm 2020, Trung Quốc chỉ đạt 2,3% trong khi Đài Loan tăng 3,11%.
Ông Angela Hsieh, nhà kinh tế khu vực của Barclays, phụ trách khu vực châu Á Thái Bình Dương, cho biết: "Đài Loan là một trong số rất ít nền kinh tế có mức tăng trưởng GDP dương vào năm 2020. Trong đó, xuất khẩu tăng mạnh và đặc biệt là lĩnh vực bán dẫn, tăng 22,1% so với 5,6% của Hàn Quốc".
Tăng trưởng do thế giới thiếu nguồn cung chip
Đại dịch đã gây ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng và hậu cần trên toàn thế giới, làm chậm lại đáng kể thương mại toàn cầu. Trong bối cảnh đó, ngành công nghiệp bán dẫn (chip) của Đài Loan nổi lên, trở thành nơi cung cấp các vi mạch cho thế giới.
Vi mạch được sử dụng trong việc lắp ráp máy tính, điện thoại thông minh, bảng điều khiển trò chơi và xe điện...
Sự chênh lệch nguồn cung - cầu quá lớn đã thúc đẩy sự thiếu hụt trên toàn cầu, có khả năng tiếp tục kéo dài trong suốt năm 2021.
Ông Rajiv Biswas, nhà kinh tế trưởng APC tại IHK Markit, khẳng định xuất khẩu của Đài Loan tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông cho biết, ngành giao hàng của Trung Quốc tăng mạnh mẽ là yếu tố chính khiến nhu cầu sử dụng các sản phẩm điện tử gia tăng, tăng gần 15%. Trong khi, đại lục chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Đài Loan.
Năng lực sản xuất mạnh mẽ và chuỗi cung ứng hoàn chỉnh của Đài Loan đã giúp hòn đảo thống trị thị trường vi mạch toàn cầu bất chấp sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Ấn Độ. Năm ngoái, sản lượng bán dẫn của Đài Loan đạt 115 tỷ USD.
Đại diện Seeking Alpha và Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), cho biết, họ đã chiếm hơn 50% thị trường sản xuất chip theo hợp đồng toàn cầu.
Theo đó, các xưởng đúc chip của Đài Loan cũng được hưởng lợi vào cuối năm khi chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hạn chế các công ty công nghệ Mỹ sử dụng chip của các nhà sản xuất Trung Quốc.
Kiểm soát tốt đại dịch COVID-19
Một lý do khác cho sức mạnh kinh tế của Đài Loan năm ngoái là việc nước này đối phó tốt với đại dịch COVID-19.
Khi virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên xuất hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc), Đài Loan đã thực hiện các biện pháp ngăn chặn cứng rắn. Các chuyến bay bị hạn chế, việc kiểm tra và cách ly rộng rãi đã được thực hiện, cùng với một chương trình theo dõi sức khỏe hiệu quả.
Cho đến nay, chỉ có 9 người chết vì COVID-19 ở Đài Loan và hòn đảo này có ít hơn 1.000 trường hợp nhiễm bệnh.
Phản ứng thành công đó đã giúp nền kinh tế hòn đảo này phục hồi nhanh chóng, khi các đối thủ cạnh tranh trong khu vực vẫn đang đối mặt với một số sự chậm trễ trong sản xuất và phải áp dụng các quy tắc quản lý xã hội chặt chẽ hơn.
Mặt khác, Đài Loan được coi là một lựa chọn thay thế đáng tin cậy trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu phục hồi đột ngột và Đài Loan đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, đó là giao nhanh chóng hơn, Hsieh nói.
"Tình hình COVID-19 được quản lý tốt ở Đài Loan cũng giúp thúc đẩy du lịch trong nước. Điều này giúp tăng nhu cầu tiêu dùng cá nhân, bù đắp kịp thời cho doanh thu du lịch quốc tế bị mất đi", nhà kinh tế của Barclays nói thêm.
GDP của Đài Loan tăng 4,6% trong năm 2021
Mặc dù Đài Loan khó có thể đánh bại Trung Quốc về mức tăng trưởng GDP vào năm 2021, nhưng nền kinh tế này dự kiến sẽ tăng trưởng 4,6%, theo cục thống kê của vùng lãnh thổ này. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 7,9%.
Tuy nhiên, Đài Loan sẽ tiếp tục hưởng lợi từ sự thiếu hụt chip lớn trên toàn cầu mà tháng trước đã buộc các đại gia ô tô như Volkswagen, Ford và GM phải tạm thời ngừng sản xuất.
Tuần trước VW đã cho thu mua chip gián tiếp thông qua các nhà cung cấp như Robert Bosch và Continental. Đồng thời, họ sẽ xem xét việc tìm nguồn cung ứng trực tiếp từ các nhà sản xuất để bảo vệ nguồn cung của mình.
"Mức độ thiếu hụt toàn cầu của các linh kiện điện tử quan trọng đã trở nên nghiêm trọng đến mức các cuộc tham vấn cấp cao đã được tổ chức với Đài Loan, liên quan đến các cơ quan chủ chốt trong ngành cũng như các quan chức chính phủ từ các nền kinh tế công nghiệp lớn bao gồm Mỹ và Đức", IHK Markit's cho biết.
Ông Biswas cũng cho biết, nhiều nhà sản xuất chip của Đài Loan đã tiếp tục sản xuất trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán để cố gắng đáp ứng các đơn đặt hàng tồn đọng.
Với nhu cầu dự kiến vẫn mạnh, TMSC cho biết họ sẽ tăng chi tiêu vốn từ 25 tỷ USD đến 28 tỷ USD vào năm 2021, tăng 60% so với năm ngoái. Trong khi đối thủ cạnh tranh là công ty bán dẫn UMC cũng có kế hoạch tăng chi tiêu cho thiết bị vốn lên khoảng một nửa.
Advertisement
Advertisement