02/11/2023 14:22
Lãi suất tiền gửi ngân hàng tiếp tục đi xuống
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng vẫn tiếp tục trong xu hướng giảm trong nhiều tháng qua. Trong tháng này, lãi suất huy động tại các ngân hàng hầu hết đều thấp hơn 0,2 - 0,5 %/năm so với đầu tháng trước.
Theo khảo sát biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm hơn 30 ngân hàng thương mại của Dân trí, tính đến ngày 1/11, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tiền gửi tại quầy trung bình ở mức 5,4 %/năm, giảm 0,2 điểm phần trăm so với đầu tháng 10 và giảm 3% so với đầu năm.
Lãi suất huy động vẫn tiếp tục trong xu hướng giảm trong nhiều tháng qua. 3 tháng đầu năm mức lãi suất trung bình kỳ hạn 12 tháng là trên 8 %/năm. Đến quý 2, lãi suất giảm về quanh mốc trung bình 7 %/năm. Tháng 9, tháng 10 hầu hết ngân hàng niêm yết lãi suất quanh mốc 5-5,5 %/năm.
Nếu như thời điểm đầu tháng 10, khảo sát ghi nhận có hơn 10 đơn vị niêm yết lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trên 6 %/năm. Thì sang đến đầu tháng 11, không còn nhà băng nào có mức lãi suất trên 6 %/năm, trong đó cao nhất là 5,9%/năm, các đơn vị còn lại có lãi suất khoảng 5-5,6 %/năm, theo Dân trí.
Tính riêng kỳ hạn 12 tháng tại quầy, đồng "quán quân" lãi suất huy động hiện là BaoVietBank và CBank, với mức lãi suất 5,9 %/năm. Theo sau là DongABank với mức 5,85 %/năm, VietABank (5,8 %/năm), HDBank, NCB, PVComBank, VietBank, BVBank cùng trả mức lãi suất 5,7 %/năm.
Ở hướng ngược lại, nhiều nhà băng đã hạ lãi suất thấp hơn mức mà nhóm ngân hàng quốc doanh (Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank) đang niêm yết.
Trong đó, nhóm ngân hàng có mức lãi suất thấp nhất gồm ABBank (4,2 %/năm), SeABank (4,9 %/năm), MSB (5,1 %/năm), Techcombank (5,2 %/năm).
Nhóm ngân hàng quốc doanh, Vietcombank có lãi suất 12 tháng ở mức 5,1 %/năm, 9 tháng và 6 tháng ở mức 4,1 %/năm, 3 tháng giảm về 3,1 %/năm, 1 tháng là 2,8 %/năm.
So với tháng trước, Agribank, BIDV, và VietinBank đã hạ lãi suất 0,2% ở các kỳ hạn 3-6-9-12 tháng. Kỳ hạn 1 tháng là 3 %/năm, 3 tháng là 3,3%/năm, 6 tháng và 9 tháng ở mức 4,3 %/năm, 12 tháng là 5,3 %/năm.
Bên cạnh xu hướng giảm lãi suất, nhiều ngân hàng vẫn "tung" các gói ưu đãi lãi suất đối với khoản tiền gửi lớn từ trăm tỷ đồng, đến hàng nghìn tỷ đồng.
PVComBank áp dụng mức lãi suất 10,5 %/năm (đầu tháng 10 là 11 %/năm) đối với khoản tiền gửi trên 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 12, 13 tháng. Mức lãi suất này đã được ngân hàng niêm yết nhiều tháng qua. Lãi suất trên cũng là mức lãi suất cơ sở để xác định lãi vay.
Tương tự, sổ tiết kiệm mở mới từ 500 tỷ đồng trở lên tại MSB, kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng sẽ được áp dụng mức lãi suất 9 %/năm, dưới 500 tỷ đồng lãi suất ở mức 5,1 %/năm.
HDBank tiếp tục áp dụng lãi suất 8,2 %/năm kỳ hạn 12 tháng, 8,6 %/năm kỳ hạn 13 tháng với số tiền gửi từ 300 tỷ đồng. Gửi trên 200 tỷ đồng tại DongABank kỳ hạn 13 tháng, lãi suất áp dụng 8 %/năm.
Lãi suất ngân hàng giảm sâu theo lý thuyết sẽ kéo theo hiện tượng dịch chuyển dòng tiền giữa các kênh đầu tư. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng dịch chuyển ít hay nhiều còn phụ thuộc độ am hiểu và "khẩu vị" rủi ro của từng nhà đầu tư, theo VTC News.
Bà Phạm Thị Hoàng Anh, Phó giám đốc Học viện Ngân hàng cho rằng, đa dạng hóa các kênh đầu tư, dịch chuyển dòng tiền từ lĩnh vực có tỷ lệ sinh lời thấp sang tỷ lệ sinh lời cao là điều tất yếu. Nhưng nhà đầu tư cần trang bị những kiến thức tài chính, kinh tế nhất định, đảm bảo sự cân đối giữa mức sinh lời và nguy cơ rủi ro của từng kênh đầu tư và tuân thủ nghiêm ngặt chiến lược rủi ro, "khẩu vị" rủi ro khi đầu tư.
Cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, số dư tiền gửi của dân cư vào hệ thống tổ chức tín dụng tính đến tháng 8/2023 đạt trên 6,43 triệu tỷ đồng, tăng mạnh 9,68% so với cuối năm ngoái. Riêng trong tháng 8, có thêm hơn 40.000 tỷ đồng tiền nhàn rỗi gửi vào hệ thống ngân hàng bất chấp xu hướng lãi suất huy động liên tục giảm mạnh từ đầu năm đến nay.
Theo dự báo của các chuyên gia, lãi suất huy động từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm, nhưng biên độ giảm sẽ không quá lớn.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp