23/09/2023 11:12
Lãi suất cho vay có khả năng sẽ giảm thêm
Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục chỉ đạo NHNN tập trung tháo gỡ nút thắt vốn tín dụng; Ngân hàng và doanh nghiệp cần chia sẻ và thấu hiểu, đặt mình vào địa vị người khác để xử lý công việc; Tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay…
Từ đầu năm đến nay, NHNN đã có 4 lần hạ lãi suất điều hành, đưa các loại lãi suất điều hành có tổng mức hạ từ 0,5-2%, giúp lãi suất huy động giảm sâu và lãi suất cho vay giảm từ 1-3% tùy theo các khoản vay mới.
Với lãi suất huy động, thống kê của WiGroup cho thấy trong tháng 9/2023, lãi suất huy động với các kỳ hạn đã về mức rất thấp. Về phía lãi suất vay, hàng loạt ngân hàng như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank đều có gói hỗ trợ cho vay. Tương tự, hàng loạt ngân hàng như Eximbank, HDBank , OCB, MSB, Sacombank… đều có gói vay ưu đãi hoặc hạ lãi suất vay từ 0,5%-3% so với trước.
Tuy nhiên, lãi suất cho vay vẫn là vấn đề tiếp tục được đặt lên bàn Họp báo Chính phủ Thường kỳ tháng 8. Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục chỉ đạo NHNN tập trung tháo gỡ nút thắt vốn tín dụng; Ngân hàng và doanh nghiệp cần chia sẻ và thấu hiểu, đặt mình vào địa vị người khác để xử lý công việc; Tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay…
Mặc dù một số tổ chức quốc tế như HSBC, Maybank… vẫn giữ dự báo NHNN có khả năng tiếp tục hạ tiếp khoảng 0,5% lãi suất điều hành, trước khi dừng lại đánh giá và duy trì mức lãi suất mới cho đến hết 2024, song trong quan điểm của NHNN, độ trễ chính sách và cam kết giảm lãi suất sẽ là "điều kiện" để giảm lãi suất vay trong những tháng cuối năm nay.
Chia sẻ tại Hội nghị Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội chiều 21/9, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2023 là giai đoạn khó khăn, thách thức của ngành ngân hàng. Năm 2022, tín dụng tăng 14,78%. Tuy nhiên, 8 tháng đầu năm nay, huy động vốn tăng chỉ 5,36% so với cuối năm 2022.
Chia sẻ về khó khăn tăng trưởng tín dụng, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, cho biết, các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn (thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán) đang tồn tại một số vấn đề và chưa phát triển tương xứng. Điều này khiến nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế tập trung phần lớn qua kênh tín dụng ngân hàng, tạo áp lực cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế lên ngành ngân hàng, theo TPO.
Theo bà Giang, mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp so với cùng kỳ các năm trước, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan như: cầu đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng giảm; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa; tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản…
Để góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, bên cạnh các giải pháp của các bộ, ngành, địa phương, trong thời gian tới, bà Giang cho biết ngành ngân hàng tiếp tục tích cực triển khai các giải pháp ngân hàng, tín dụng cho khu vực.
Trước đó, ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích Công ty CP FIDT, nhận định, một đợt hạ lãi suất điều hành lãi suất cuối cùng rất khó có khả năng xảy ra nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng, và đặc biệt nếu FED có đợt tăng lãi suất vào tháng 9/2023. Ngược lại, nếu FED giữ nguyên lãi suất, và tăng trưởng tín dụng vẫn thấp, ngành ngân hàng sẽ phải tiếp tục chữa bệnh "thừa tiền" - can thiệp trực tiếp bằng công cụ điều hành.
FED hiện đã có công bố giữ nguyên lãi suất sau kỳ họp 2 ngày. Ngay trong ngày FED công bố giữ lãi suất FFR, NHNN đã công bố phát hành tín phiếu quy mô 10.000 tỷ đồng, ông Phương cho rằng tỷ giá đang chịu áp lực trước áp lực nên động thái của NHNN là hợp lý nhằm ổn định giá trị đồng nội tệ trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng vốn đang dư thừa, theo Diễn đàn doanh nghiệp.
Nhìn rộng hơn, nền kinh tế nhìn chung mới bước đầu vào giai đoạn phục hồi nhưng còn đang khó khăn và cần sự hỗ trợ mạnh mẽ của cả Chính sách tiền tệ và tài khóa. Về chính sách tiền tệ thì các hành động gần đây của NHNN hướng vào việc hạ lãi suất cho vay ở thị trường 1 (thị trường giao dịch giữa ngân hàng và nền kinh tế) và tăng cường tính hấp thụ tín dụng của nền kinh tế khi tín dụng đang tăng ở mức thấp so với mức trung bình các năm và còn thấp hơn nhiều chỉ tiêu 14-15% trong năm nay.
Do đó việc hút thanh khoản trên thị trường 2 (liên ngân hàng) giúp ổn định tỷ giá trong khi đó tiếp tục tạo điều kiện hạ lãi suất và cải thiện khả năng hấp thụ tín dụng ở thị trường 1 cho thấy NHNN vẫn giữ chính sách tiền tệ mở rộng hỗ trợ nền kinh tế, động thái hút thanh khoản mang tính chất điều tiết thông thường của NHNN, chuyên gia nhận định.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp