Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Kinh tế quý 1: Việt Nam đang chủ động đón dòng vốn chất lượng cao

Phân tích

31/03/2024 08:03

Tính đến ngày 20/3 vừa qua, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến ngày 20/3 vừa qua, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với sự phát triển và biến đổi không ngừng của nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam được coi là mắt xích sản xuất mới của châu Á, đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất thông minh toàn cầu.

Ngày càng nhiều nhà sản xuất lớn, nằm trong chuỗi cung ứng của toàn cầu đã đến và chọn Việt Nam. Khi càng nhiều các nhà đầu tư lựa chọn, Việt Nam cũng có quyền lựa chọn ai vào đầu tư, chứ không chỉ thụ động như giai đoạn trước.

Thông tấn xã Việt Nam xin giới thiệu bài viết của Tiến sỹ Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế (ISC), Chủ tịch Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam:

Kinh tế quý 1: Việt Nam đang chủ động đón dòng vốn chất lượng cao- Ảnh 1.

Công nhân Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam sản xuất điện thoại thông minh. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Ngày càng nhiều nhà sản xuất lớn chọn Việt Nam

Theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công bố tính đến ngày 20/3 vừa qua, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có 644 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 4,77 tỷ USD, tăng 23,4% về số dự án và tăng 57,9% về số vốn so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, có 248 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 934,6 triệu USD, tăng 6% về số lượt dự án và giảm 22,6% về số vốn so với cùng kỳ. Và có 604 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng số vốn góp đạt 466,2 triệu USD, giảm 14,1% về số lượt và giảm 61,7% về số vốn so với cùng kỳ.

Ba tháng đầu năm nay, vốn thực hiện của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt khoảng 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là tín hiệu cho thấy, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài năm nay sẽ tiếp tục xu hướng tích cực trong những năm gần đây, khẳng định những cam kết của nhà đầu tư nước ngoài được hiện thực hóa.

Mặc dù thời gian qua thu hút FDI toàn cầu không ổn, nhưng dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam vẫn ổn định và có xu hướng tăng lên. Điều đó chứng tỏ, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến đầu tư của cả khu vực và thế giới.

Ngày càng nhiều các nhà sản xuất lớn, nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã đến và chọn Việt Nam. Có thể kể đến những tên tuổi như Intel, Bosch, Panasonics, Kyocera, Foxconn, Samsung, LG… ở những năm trước 2020 và từ 2021 đến nay là những tên tuổi đỉnh cao mới như ASML (Hà Lan), Amkor (Hàn Quốc), Lam Research (Mỹ), Seojin (Hàn Quốc), Infineon Technologies AG (Đức), Victory Giant Technology (Trung Quốc), Synopsys (Mỹ), BOE (Trung Quốc)…

Kinh tế quý 1: Việt Nam đang chủ động đón dòng vốn chất lượng cao- Ảnh 2.

Lắp ráp linh kiện điện tử dùng cho ngành máy in tại Công ty TNHH công nghệ điện tử Chee Yuen Việt Nam, vốn đầu tư của Đài Loan (Trung Quốc) ở Khu Công nghiệp An Dương, huyện An Dương. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Việt Nam đang có quyền chọn ai đến đầu tư

Tại Hội nghị-Diễn đàn Chuỗi Sản xuất Thông minh & Chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam 2024 (VGMF2024) mới đây, nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác tạo ra một mạng lưới sản xuất tại chỗ từ Việt Nam phục vụ cho các đơn hàng của các tập đoàn lớn tại Việt Nam và cho chuỗi sản xuất ngoài Việt Nam.

Như vậy, các nhà đầu tư đã đánh giá năng lực của doanh nghiệp Việt Nam đã cao hơn trước. Sự có mặt của Samsung Intel, Foxconn... cũng cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã có nhiều cải thiện. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng rất tích cực tham gia và hội nhập kinh tế quốc tế. Mặc dù vẫn còn nhiều vấn đề cần cải thiện, nhưng các nhà đầu tư thấy yên tâm khi đầu tư tại Việt Nam. Khi càng nhiều các nhà đầu tư lựa chọn, Việt Nam có quyền lựa chọn ai vào đầu tư, chứ không thụ động đợi như thời gian trước.

Trong gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau trong thu hút đầu tư nước ngoài, tuy vẫn có những khía cạnh chưa như kỳ vọng nhưng nhìn tổng thể thu hút đầu tư nước ngoài đã đạt nhiều kết quả rất tích cực.

Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 (Nghị quyết 50) của Bộ Chính trị đã xác định quan điểm: Hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Trong bối cảnh hiện nay, xu thế đầu tư cũng khác trước rất nhiều. Và xu hướng dịch chuyển chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng đang xuất hiện. Việt Nam không thể thay đổi hay đứng ngoài xu hướng. Vì vậy, Việt Nam phải chủ động càng sớm càng tốt để đón nhận các dòng đầu tư mong muốn. Trong xu hướng dịch chuyển đó, làm sao Việt Nam đón được các dòng sản xuất thông minh vào Việt Nam. Chỉ khi chủ động đón nhận, Việt Nam mới giữ được chất lượng, giữ được định hướng, giữ được hợp tác quốc tế với tất cả các nước trong khu vực. Những sự hợp tác, liên kết này sẽ mang lại lợi ích, bảo đảm quyền lợi của tất cả các bên tham gia, bảo đảm nguyên tắc cùng thắng "win-win."

Nhưng để đón được dòng đầu tư mình mong muốn và lựa chọn nhà đầu tư chất lượng cao, đồng thời để đón nhận và hấp thụ dòng vốn đầu tư chất lượng cao, đón dòng sản xuất thông minh, Việt Nam cần chuẩn bị thêm nhiều vấn đề.

Cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển

Dự báo về sự xuất hiện của làn sóng đầu tư nước ngoài mới vào Việt Nam đang kéo theo nhu cầu lớn về khu công nghiệp. Sự phát triển các khu kinh tế trong cả nước cũng cần có sự biến chuyển trong xu thế mới, giai đoạn phát triển mới. Có như vậy mới đón được những dự án tỷ USD, công nghệ cao và sản xuất thông minh.

Kinh tế quý 1: Việt Nam đang chủ động đón dòng vốn chất lượng cao- Ảnh 3.

Xưởng sản xuất của Công ty Cơ khí Động lực Toàn Cầu, doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI tại Khu Công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Kể từ khi Khu chế xuất Tân Thuận là khu chế xuất đầu tiên được thành lập (năm 1991) đến nay đã 33 năm, hệ thống khu kinh tế và khu công nghiệp, khu chế xuất (gọi chung là khu công nghiệp) đã phát triển rộng trên khắp 61 tỉnh thành trong cả nước với 416 khu công nghiệp đã thành lập. Trong đó có 296 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. 33 năm qua, hệ thống khu công nghiệp, đã đóng góp tích cực cho đất nước, thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khơi dậy và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nước, bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển.

Hệ thống khu công nghiệp cả nước thu hút tới khoảng 40% trong tổng số vốn FDI tăng thêm mỗi năm, góp phần đẩy mạnh các ngành công nghệp phát triển, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời mở rộng thị trường quốc tế và chuyển đổi không gian phát triển.

Trong bối cảnh mới, xu hướng mới khu công nghiệp cũng phải là những khu công nghiệp kiểu mới. Đó là khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp thông minh, khu công nghiệp chuyên ngành... Nhưng sự phát triển của khu công nghiệp cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Việc đầu tư, xây dựng khu công nghiệp còn gặp không ít khó khăn.

Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tại một số địa phương thiếu tầm nhìn tổng thể và dài hạn, chưa sát với nhu cầu phát triển và khả năng thu hút vốn đầu tư… Thể chế, chính sách chưa thống nhất, đồng bộ và chưa có sự đột phá để phát huy vai trò và đóng góp của khu công nghiệp. Thủ tục hành chính vẫn là một khó khăn.

Dẫu vậy, việc tập trung thu hút nguồn vốn đầu tư hình thành một hệ thống khu công nghiệp hiện đại theo xu thế mới như khu công nghiệp sinh thái, khu công nghệ cao, khu công nghiệp chuyên biệt, chuyên sâu… là rất cần thiết.

Ở trong nước có không ít doanh nghiệp lớn đủ tiềm lực, năng lực để xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp hiện đại, xanh, đáp ứng các tiêu chuẩn cao của các tập đoàn lớn.

Vấn đề là làm sao có được tinh thần "3 cùng" như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tại Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp FDI mới đây là "Cùng lắng nghe và thấu hiểu giữa doanh nghiệp với Nhà nước và người dân; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động để phát triển kinh tế nói chung và phát triển xanh nói riêng; cùng làm cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển." Có như thế mới có được hệ thống khu công nghiệp Việt Nam đáp ứng xu thế mới, yêu cầu mới, không bỏ lỡ những dự án nhiều tỷ USD.

(Nguồn: TTXVN/Vietnam+)

P.V (tổng hợp)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement