24/10/2019 11:29
Kinh tế Hàn Quốc vạ lây thương chiến Mỹ-Trung
Nền kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng thấp hơn dự báo trong quý 3, triển vọng kinh tế nước này tiếp tục yếu do rủi ro từ xung đột thương mại.
Nền kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng thấp hơn dự báo trong quý 3 vừa qua, và cho dù xuất khẩu cho thấy một số dấu hiệu đi vào ổn định, triển vọng kinh tế nói chung của nước này tiếp tục bị phủ bóng bởi tiêu dùng trong nước sụt giảm và rủi ro toàn cầu gia tăng do xung đột thương mại.
Hãng tin CNBC dẫn số liệu do Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) công bố ngày 24/10 cho biết nền kinh tế tăng 0,4% trong quý 3 so với quý 2. Mức tăng này thấp hơn mức tăng 1% đạt được trong quý 2 và không đạt dự báo tăng 0,5% mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Xuất khẩu đã tăng 4,1% trong quý thứ 3 sau khi tăng 2,0% trong quý 2, sau khi tăng 2% trong quý 2, đảo ngược hai quý giảm liên tiếp trước đó. Nhưng khu vực tiêu dùng tư nhân chỉ tăng 0,1% và chi tiêu xây dựng giảm 5,2%.
Các nhà kinh tế cho biết xuất khẩu, động lực tăng trưởng quan trọng nhất đối với nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á, có vẻ đã thoát đáy, mặc dù sự phục hồi chắc chắn trong nền kinh tế sẽ cần nhiều hỗ trợ chính sách hơn.
Oh Chang-sob, chuyên gia kinh tế tại Hyundai Motor Securities cho biết: "Xuất khẩu có vẻ như phục hồi từ đầu năm tới nhưng nền kinh tế cần nhiều hỗ trợ chính sách hơn, bao gồm cả việc cắt giảm lãi suất vì nhu cầu trong nước vẫn rất yếu".
Một tàu container đang được đóng ở nhà máy đóng tàu của Hyundai ở Ulsan, Hàn Quốc - Ảnh: Bloomberg/CNBC. |
So với cùng kỳ năm ngoái, kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng 2%, nâng tổng mức tăng của 3 quý lên 1,9%, thấp hơn mức tăng 2,6% đạt được trong cùng kỳ 2018 cũng như mục tiêu tăng 2,2% mà BoK dự báo cho cả năm 2019.
Có độ phụ thuộc cao vào thương mại, Hàn Quốc - nền kinh tế lớn thứ tư châu Á - đã trở thành một trong những nền kinh tế bị "vạ lây" nhiều nhất khi cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc gây gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu, suy giảm niềm tin và hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp. Ngoài ra, xung đột thương mại kéo dài nhiều tháng nay với Nhật Bản cũng gia tăng sức ép lên các công ty xuất khẩu của Hàn Quốc.
Để hỗ trợ nền kinh tế, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra một kế hoạch tăng chi tiêu công 5 tỷ USD. Ngoài ra, BoK đã có hai đợt hạ lãi suất trong vòng 3 tháng, đưa lãi suất cơ bản đồng Won về mức thấp kỷ lục 1,25% như đã áp dụng cho tới cuối năm 2017.
BoK hiện vẫn để ngỏ khả năng nới lỏng thêm chính sách tiền tệ và giới phân tích dự báo sẽ sớm có thêm một đợt hạ lãi suất nữa. Cuộc họp chính sách tiếp theo của BoK, và cũng là cuộc họp cuối cùng của ngân hàng trung ương này trong năm 2019, sẽ diễn ra vào cuối tháng 11. Các số liệu được công bố trước khi thị trường tài chính địa phương bắt đầu giao dịch.
Hôm 23/10, Tổng thống Moon Jae-in kêu gọi quốc hội phê chuẩn dự luật ngân sách của chính phủ cho năm tới, trong đó đề xuất tăng 9,3% chi tiêu từ năm nay, ông nói rằng đã đến lúc chính sách tài khóa phải đóng vai trò lãnh đạo.
"Nền kinh tế toàn cầu đã xấu đi nhanh chóng, và nền kinh tế của chúng ta, phụ thuộc nhiều vào thương mại, cũng đang trong tình trạng nghiêm trọng", ông Moon Jea-in nói.
Vị thế tài khóa của Chính phủ Hàn Quốc hiện vẫn đang mạnh so với nhiều nền kinh tế ngang tầm khác. Tỷ lệ nợ chính phủ của nước này so với tổng sản phẩm trong nước (GDP) là dưới 40% so với mức hơn 100% của nhiều nền kinh tế lớn.
Phe đối lập của Hàn Quốc và giới phê bình cho rằng sự giảm tốc của kinh tế Hàn Quốc, ngoài tác động của thương chiến, còn do hiệu ứng tiêu cực từ một số chính sách quyết liệt của ông Moon, như tăng mạnh lương tối thiểu và hạn chế giao dịch bất động sản ở Seoul.
Kể từ khi lên cầm quyền vào tháng 5/2017, Chính phủ của ông Moon đã tăng lương tối thiểu thêm khoảng 30%, giảm mạnh mức tối đa của các khoản vay thế chấp nhà, và giảm số giờ làm việc hợp pháp tính theo tuần.
Nền kinh tế Hàn Quốc hiện tại nhiều khả năng đạt mức tăng trưởng khoảng 2% trong cả năm 2019, thấp hơn nhiều so với mức tăng 2,7% đạt được trong 2019 và là mức tăng thấp nhất trong nhiều thập kỷ nếu không tính đến những năm tăng trưởng sụt tốc vì khủng hoảng tài chính toàn cầu hoặc khu vực.
Advertisement