Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Kiến trúc sư Nguyễn Bá Dương: Thách thức từ “người nhà” trong năm tuổi Kỷ Hợi

Quản trị

05/02/2019 01:00

Ông Nguyễn Bá Dương-sinh năm 1959, đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị Conteccons. Năm 2019-Năm Kỷ Hợi, ông Dương tròn 60 tuổi và là năm tuổi của mình.

Người số 1

Chủ tịch Hội đồng quản trị Conteccons-CTD Nguyễn Bá Dương nguyên quán ở Nam Định, hiện đang sinh sống và làm việc tại quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ông tốt nghiệp Trường Đại học Xây dựng Kiev-Ucraina năm 1984 với tấm bằng Kiến trúc sư xây dựng. Từ tháng 8/2004 đến nay, ông Dương là người đứng đầu Conteccons.

Quá nhiều thách thức chờ ông Dương trong năm tuổi Kỷ Hợi 2019.
Quá nhiều thách thức chờ ông Dương trong năm tuổi Kỷ Hợi 2019.

Trước khi nắm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Conteccons, ông Dương từng là Phó Giám đốc kiêm Giám đốc khối xây lắp Công ty Kiến trúc Xây dựng và Vật liệu Xây dựng Cotec, từ tháng 6/2002 đến tháng 8/2004. Trước đó, trong 12 năm làm việc tại Công ty Công nghiệp nhẹ số 1-Descon, từ tháng 5/1990 đến tháng 5/2002 ông Dương từng là Phó Giám đốc Xí Nghiệp xây dựng và trang trí nội thất, Giám đốc Xí nghiệp Xây dựng số 1, Phó Giám đốc Công ty Xây dựng Descon.

Ông Dương cũng có 5 năm làm việc trong Bộ Xây dựng, từ tháng 5/1985 đến tháng 4/1990. Hiện tại, số cổ phiếu CTD thuộc sở hữu của ông Dương tại Conteccons là hơn 3,6 triệu cổ phiếu, tương đương 4,7% vốn điều lệ.

Trên thị trường nhầu xây dựng Việt Nam, Coteccons đang là đơn vị nhà thầu lớn nhất xây dựng các dự án chung cư, phần lớn là chung cư cao cấp. Năm 2004 cũng đánh dấu một sự kiện quan trọng với Coteccons và sự nghiệp của ông Nguyễn Bá Dương, đó là Coteccons hoạt động theo mô hình cổ phần hóa, ông Dương chính thức ngồi vào vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị từ đó cho đến nay.

Sau cổ phần hóa, Coteccons với số vốn điều lệ chỉ là 15,2 tỷ đồng. Đến nay, sau nhiều lần tăng vốn, công ty đã có số vốn 770 tỷ đồng. Ngoài chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, doanh nhân Nguyễn Bá Dương còn đang là thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons từ năm 2004 đến nay.

Ông Dương cũng là Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Uy Nam-Unicons từ năm 2016 đến nay, Thành viên Hội đồng Quản trị độc lập Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam-Vinamilk (VNM), từ tháng 4/2017.

Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons và Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Unicons đều là các công ty con và công ty liên kết của Coteccons. Năm 2014, Coteccons tăng tỷ lệ sở hữu tại Unicons lên 51% và đến năm 2016 đã tăng sở hữu 100% tại doanh nghiệp chuyên về xây dựng có vốn điều lệ 94,5 tỷ đồng này. 

Tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Ricons, Coteccons sở hữu 19,2% trong tổng số vốn điều lệ 105 tỷ đồng. Ricons được thành lập từ năm 2004 với hoạt động kinh doanh chính ban đầu là đầu tư phát triển các dự án bất động sản. Đến năm 2008, Ricons đã mở rộng ngành nghề hoạt động sang xây lắp với hàng loạt các dự án từ thiết kế đến quản lý thi công. 

Unicons và Ricons là đội quân chủ lực của trong việc cung cấp một dịch vụ khép kín cho các chủ đầu tư từ việc thiết kế, thi công cho đến tư vấn bán hàng tại hàng loạt dự án lớn do Coteccons ký với các chủ đầu tư như The Gold View, T&T Vĩnh Hưng, Đức Việt Resort, TimesCity Park Hill, Vinhomes Central Park, Worldon, Vinhomes Thăng Long, nhà máy Regina, Panorama Nha Trang, Diamond Island, The Millenium, D'Capitale…

Ngoài ra, Coteccons còn sở hữu 35% cổ phần tại Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng FCC. Đây là công ty có vốn điều lệ 369 tỷ đồng do Coteccons và Công ty Cổ phần Fecon góp vốn thành lập năm 2014 với mục đích triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình Quốc lộ 1A, đoạn tránh TP. Phủ Lý và tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km215 775 ÷ Km235 885, tỉnh Hà Nam theo hình thức hợp đồng BOT với giá trị hợp đồng hơn 2.000 tỷ đồng. Dự án đưa vào khai thác và thu phí từ tháng 11/2016.

Đang là nhà thầu số 1 Việt Nam nhưng Coteccons của ông Dương đang đối mặt quá nhiều thách thức.
Đang là nhà thầu số 1 Việt Nam nhưng Coteccons của ông Dương đang đối mặt quá nhiều thách thức.

Hiện tại, Coteccons đang giữ vị trí nhà thầu số 1 tại Việt Nam. Sức mạnh của Coteccons nằm ở năng lực huy động và quản lý với hơn 40.000 công nhân trên khắp cả nước. Coteccons cũng xây dựng được mạng lưới hơn 1.500 đối tác thi công gồm các nhà thầu phụ, đội thi công trải dài từ Nam ra Bắc. Điều này đã giúp Coteccons vượt trội trên thị trường về chữ tín đảm bảo đúng tiến độ và an toàn.

Thách thức trong năm tuổi Kỷ Hợi

Với vị thế là nhà thầu lớn nhất Việt Nam, Coteccons luôn trúng những hợp đồng lớn, kết quả kinh doanh hàng năm của Coteccons khá khả quan. Năm 2015, công ty đạt mức doanh thu lên tới 13.669 tỷ đồng, gần gấp 2 lần doanh thu của năm 2014.

Trong năm 2016, Coteccons có một năm ăn nên làm ra với mức doanh thu tăng ấn tượng từ hơn 13.600 tỷ lên gần 20.800 tỷ, mức lợi nhuận cán gần mốc 1.800 tỷ, tổng tài sản đạt 11.740 tỷ đồng. Điểm khá đặc biệt của Coteccons là doanh nghiệp này không có khoản vay nợ nào. Ngược lại, Coteccons còn có lượng tiền gửi ngân hàng khá lớn.

Tuy nhiên, bước sang năm 2018, Coteccons liên tục gặp nhiều thách thức. Đáng nói, những thách thức này đến từ “người nhà”-những người kề vai sát cánh với ông Dương trong những năm đầu lập Coteccons.

Thách thức đó đến từ Central Cons, công ty mới được thành lập vào tháng 7/2017 và cũng hoạt động trong lĩnh vực nhà thầu xây dựng. Chủ tịch Hội đồng quản trị của Central Cons là ông Trần Quang Tuấn, nguyên Phó tổng giám đốc và cũng là một trong những cổ đông sáng lập Coteccons.

Được thành lập vào tháng 6/2017, Công ty Cổ phần Xây dựng Central nhanh chóng được biết đến như một nhân tố mới đầy triển vọng ở thị trường xây dựng. Điều này được thể hiện qua việc Central liên tục trúng thầu các dự án lớn. Khá trùng hợp, đó cũng là những khách hàng truyền thống của Conteccons như Vingroup, SSG Group, Phát Đạt, REE, TTG Holding, Thế Giới Di Động...

Hơn 1 năm sau khi ra đời, Central đã sở hữu trong tay hơn 500 nhân sự là kỹ sư, kiến trúc sư chất lượng đến từ các tập đoàn, công ty xây dựng hàng đầu Việt Nam cùng hơn 6.000 công nhân đang làm việc tại 22 dự án lớn nhỏ, với tổng giá trị hợp đồng đã ký lên đến 5.000 tỷ đồng.

Vậy Central Cons là ai? Nên nhớ, Công ty Cổ phần Xây dựng Central mới được thành lập ngày 23/6/2017 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Mã số doanh nghiệp là 0314476689. Trụ sở chính đặt tại 204/9 Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM.

Central Cons có ngành nghề kinh doanh chính với mã ngành 4210 là xây dựng công trình đường sắt và đường bộ. Cụ thể là xây dựng, sửa chữa công trình dân dụng, công nghiệp, công trình kỹ thuật hạ tầng đô thị và khu công nghiệp, công trình giao thông, công trình thuỷ lợi. Xây dựng công trình cấp thoát nước, xử lý môi trường. Ngoài ra, Central Cons còn có 25 ngành nghề phụ khác để phục vụ cho việc thi công của nhà thầu.

Với vốn điều lệ 100 tỷ đồng nhưng Central Cons chỉ có 6 cổ đông sáng lập. Trong đó, ông Trần Quang Tuấn góp 81 tỷ đồng, ông Phạm Hữu Phúc (nhà ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh, TP.HCM) góp 5 tỷ đồng, ông Huỳnh Ngọc Tuấn (Giám đốc dự án) góp 1 tỷ đồng, ông Vũ Đức Tài (Giám đốc điều hành) góp 10 tỷ đồng, ông Nguyễn Thiện Thuật (Giám đốc dự án) góp 2 tỷ đồng, ông Hoàng Anh Tuấn (Trưởng phòng tiếp thị) góp 1 tỷ đồng.

Ông Trần Quang Tuấn là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc của Central Cons. Là một kỹ sư xây dựng, tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa TP.HCM, ông Trần Quang Tuấn đã có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc cho các nhà thầu lớn của Việt Nam và nước ngoài. Trong đó, ông có 14 năm gắn bó với Coteccons.

Tại Coteccons, ông Tuấn đã tham gia nhiều vai trò khác nhau từ giám sát, chỉ huy trưởng, quản lý dự án, giám đốc dự án và nổi bật là 8 năm ngồi ghế Phó tổng giám đốc.

Một nhân sự chủ chốt khác của Central Cons cũng xuất thân từ Coteccons là ông Vũ Đức Tài, Giám đốc điều hành công ty. Ông Tài từng là chỉ huy trưởng, trưởng ban đội thi công, trưởng ban an toàn, giám đốc dự án tại nhiều công trình do Coteccons thi công như Vinhomes Riverside, Metropolis, Skylake, Times City Park Hill Premium, Masteri Thảo Điền, Diamond Island, River Garden…

Thách thức với ông Dương nữa là trong khi doanh thu và lợi nhuận của Coteccons đang chững lại thì những công ty con, công ty liên kết với Coteccons như Ricons, Unicons, FCC, Quang Trọng và Hiteccons lại liên tục tăng mạnh.

Kết quả kinh doanh 2018 cho thấy, trong quý IV năm 2018 doanh thu và lợi nhuận của Coteccons đều giảm. Cụ thể, doanh thu trong quý IV giảm 13%, lợi nhuận sau thuế giảm 31% khi lần lượt đạt 7.824 tỷ đồng và 319 tỷ đồng. Trong đó, giá trị các hợp đồng xây dựng giảm 13% là nhân tố chính làm ảnh hưởng đến doanh thu toàn quý.

  Dàn lãnh đạo của Central Cons có nhiều gương mặt đã từng nhiều năm làm việc tại Coteccons.

Dàn lãnh đạo của Central Cons có nhiều gương mặt đã từng nhiều năm làm việc tại Coteccons.

Tính chung cả năm, CTD có doanh thu 28.561 tỷ đồng, tăng 5% cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên giá vốn cao khiến lợi nhuận gộp giảm, từ đó giảm lợi nhuận cả năm gần 9% còn 1.510 tỷ đồng. EPS tương ứng đạt 18.537 đồng, đưa CTD lọt top doanh nghiệp có EPS cao nhất sàn chứng khoán.

So với kế hoạch năm 2018, doanh thu vượt 561 tỷ còn lợi nhuận sau thuế chỉ vượt 10 tỷ đồng. Điều đáng nói, kế hoạch lợi nhuận ban đầu được Hội đồng quản trị thông qua là 1.400 tỷ đồng nhưng sau đó, cổ đông yêu cầu nâng lên 1.500 tỷ đồng.

Lượng tiền và tương đương tiền tính đến cuối kỳ giảm một nửa, còn 553 tỷ đồng. Hàng tồn kho cũng giảm 23%, còn 1.443 tỷ đồng. CTD là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi trên sàn không có vay nợ ngân hàng. Công ty còn có khoản tiền gửi kỳ hạn trên 3 tháng dưới 1 năm là 3.707 tỷ đồng. Lãi lũy kế đến 31/12/2018 đạt 1.604 tỷ đồng trên vốn điều lệ 783,6 tỷ đồng.

Tại 31/12/2018 tổng tài sản Coteccons đạt hơn 16.823 tỷ đồng, tăng thêm 946 tỷ đồng so với đầu kỳ. Tổng nợ phải trả đạt 8.860 tỷ đồng, tăng 290 tỷ đồng so với đầu năm.

Chính Coteccons cùng thừa nhận, triển vọng thị trường xây dựng có xu hướng chậm lại khi mà Nhà nước hạn chế dòng tín dụng cho thị trường bất động sản và một số dự án chậm triển khai vì các thủ tục liên quan đến chính sách quản lý tài nguyên đất đai.

Ngoài ra, nguồn hợp đồng đã ký trong 5 tháng đầu năm 2018 giảm so với cùng kỳ, trong đó có nhiều dự án nhỏ và cạnh tranh ngày càng gay gắt về giá. Chính sách về bảo hiểm xã hội và một số chính sách khác làm tăng chi phí quản lý của Coteccons.

Do đó, năm 2019-khi ông Dương tròn 60 tuổi và cũng là năm tuổi của Chủ tịch Hội đồng quản trị Coteccons thì việc chèo lái con thuyền Coteccons sẽ càng thách thức hơn với doanh nhân tuổi Hợi.

NGUYỄN DUY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement