01/11/2017 05:44
Kiến nghị trả lương hưu cho người tù, người sinh con thứ ba
Nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội liên quan đến lương hưu được đưa ra, trong đó có việc cải cách thang ngạch, trả lương hưu cho đối tượng người tù giai đoạn trước đây.
Ngay phiên thảo luận chiều 1/11, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đem đến những ý kiến liên quan đến chính sách tiền lương.
"Nhiều người sống bằng trợ cấp 250.000 đồng, thật là chua chát"
Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Quảng Trị, cho biết lương hưu là khoản thu nhập hợp pháp của công dân Việt Nam. Lương hưu thuộc quyền sở hữu của công dân Việt Nam đã được Hiến định.
Theo quy định, kể từ 1/1/2016 trở đi, người đang hưởng lương hưu mà bị phạt tù giam thì tiếp tục được hưởng lương hưu trong quá trình tù. Với người đang trong quá trình chịu án giam, nếu đến đủ tuổi lương hưu thì được uỷ quyền cho người thân. Theo ông, điều đó thể hiện sự nhân văn.
Tuy nhiên, theo đại biểu này, chế độ lương hưu trong Luật BHXH hiện nay có bất cập lớn. Người đang hưởng lương hưu mà bị tù giam trong giai đoạn từ 1/1/1995 đến 31/12/2015 thì bị cắt lương hưu trong lúc tù, chỉ được hưởng lại sau khi ra tù.
Với người bị tù giam, bị buộc thôi việc trước 1/1/1995, toàn bộ thời gian công tác bị cắt, không bị tính để hưởng lương hưu. Trong số này có cả những nữ lao động sinh con thứ ba bị cho thôi việc do vi phạm kế hoạch hoá gia đình.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh cho biết trong số người tù không được hưởng lương hưu có nhiều người vào sinh ra tử, tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, sau đó được giao làm giám đốc xí nghiệp, giám đốc công ty nhưng vì trình độ quản lý có hạn nên gặp vận, nhiều bà mẹ sinh con thứ ba phải chạy chợ trong số đó có người là nhân tài của đất nước...
Hiện tại, nhiều người phải sống nhờ bằng khoản trợ cấp 250.000 đồng/tháng. “Tôi thấy thật là chua chát”, ông nói. Theo đại biểu, việc chưa thực hiện chế độ lương hưu với người bị tù giam là đang bỏ quên họ. Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét trả lại lương hưu là thu nhập hợp pháp của họ cho họ.
Quá nhiều loại phụ cấp!
Trước đó, ngay đầu phiên thảo luận, đại biểu Phan Thái Bình, Quảng Nam cũng đề nghị cải cách chính sách tiền lương của cán bộ công chứng hành chính Nhà nước gắn với cải cách hành chính. Theo ông, tiền lương trải qua nhiều lần cải cách từ năm 1960.
Từ năm 2004 đến nay, mức tiền lương tối thiểu cũng được điều chỉnh hàng chục lần. Tuy nhiên, số thang bậc, ngạch lương còn nặng về bằng cấp, thâm niên mà chưa theo yêu cầu công việc.
Hệ số giữa các bậc, ngạch còn thấp làm giảm hiệu quả, tăng tính bình quân trong hệ số lương và giảm tính kích thích. Đại biểu này cho biết các mức lương công chức được tính theo tiền lương tối thiểu nên bảng lương khu vực hành chính thấp hơn với mức bình quân của thị trường.
Đại biểu này cho rằng mức lương của công chức chưa phản ánh rõ giá trị của người lao động với giá trị cao, không thu hút được nhân tài. “Hiện tại có quá nhiều loại phụ cấp, vừa không bù đắp được hao phí sức lao động tăng thêm, vừa không công bằng. Cần đổi mới cải cách thang bậc, ngạch lương theo hướng trả lương theo vị trí việc làm, tăng hệ số giãn cách từng bậc, ngạch”, ông nói.
Giữ nguyên cách tính lương hưu đối với phụ nữ
Bên cạnh vấn đề về lương cơ bản, vấn đề thay đổi tỷ lệ tính lương hưu cũng được các đại biểu quốc hội đưa ý kiến và tranh luận, ngay từ phiên sáng.
Nhiều đại biểu Quốc hội cho biết đang xảy ra tình trạng doanh nghiệp không muốn sử dụng lao động lớn tuổi, nhiều năm vì phải trả lương cao, đóng bảo hiểm nhiều và năng suất lao động kém, đặc biệt là lao động nữ.
Bà Nguyễn Thị Như Ý, đại biểu tỉnh Đồng Nai cho biết việc chấm dứt hợp đồng lao động có thâm niên 10-15 năm không trái quy định nhưng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động và chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Đặc biệt sẽ ảnh hưởng tới BHXH vì lao động này đa số đã lớn tuổi nên rất khó tìm kiếm thêm việc làm.
Đề xuất kéo dài lộ trình 5 năm tính lưu hưu cho phụ nữ, đại biểu tỉnh Thanh Hóa, ông Bùi Sỹ Lợi, cho biết đến năm 2016, lao động nữ có số năm đóng BHXH bình quân là 28,8 năm,nghỉ hưu ở tuổi cận kề 55, trong khi nam giới bình quân đóng BHXH 32 năm, nghỉ hưu bình quân 57 tuổi.
Năm 2015 có khoảng 50.000 phụ nữ về hưu, tỷ lệ 21.000 người có từ 15 năm đến dưới 35 năm đóng BHXH, số người chịu tác động lớn nhất từ 5% đến 10% chỉ có 4.000 người.
“Nếu chúng ta kéo dài lộ trình 5 năm cho phụ nữ để hưởng đúng 3% thì tác động đến quỹ BHXH không lớn, quan điểm của Uỷ ban là tính theo công thức cũ, để phụ nữ đỡ thiệt thòi so với nam giới”, ông Lợi nêu quan điểm.
Advertisement