14/12/2022 18:56
Khuyến nghị cổ phiếu 15/12: VRE, VHC, CTD, TCM, KSB
VRE, VHC, CTD, TCM, KSB là những cổ phiếu cần quan tâm trong phiên 15/12, theo khuyến nghị của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị VRE: Mua với giá mục tiêu 32.800 đồng/CP
CTCK MB - MBS: MBS khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu VRE của Công ty CP Vincom Retail (HOSE: VRE), với giá mục tiêu 32.800 đồng/cp (+21%), dựa trên 3 luận điểm chính:
1. Lợi thế từ hệ sinh thái Vingroup và các dự án lớn vừa triển khai như trung tâm thương mại (TTTM) Vincom Mega Mall (VMM) Smart City, Vincom Plaza (VCP) Mỹ Tho, Bạc Liêu (trong quý 2/2022) hay sắp triển khai như VMM Ocean Park 2 – The Empire, VMM Grand Park, VCP Hà Giang, Bắc Giang, Điện Biên Phủ, Đông Hà Quảng Trị (kỳ vọng 2023). Rào cản tương đối cao: (1) nguồn cung đất đai rất hạn chế ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM, (2) số lượng hạn chế các dự án khu đô thị lớn như các dự án của Vinhomes và (3) thương hiệu của Vingroup là nhà phát triển dự án chất lượng cao.
2. Nhà phát triển và điều hành bất động sản bán lẻ lớn nhất và phát triển nhanh nhất tại Việt Nam, vượt xa các đối thủ khác. Mảng bán lẻ hiện tại có tỷ lệ thâm nhập thấp với dư địa tăng trưởng lớn trong khi VRE có vị thế đầu ngành để tận dụng được sự tăng trưởng này đồng thời hưởng lợi từ thị trường bán lẻ hấp dẫn của Việt Nam, được hỗ trợ dài hạn bởi cơ cấu dân số vàng.
3. Sự tăng trưởng dài hạn của VRE được kỳ vọng với sự dịch chuyển chiến lược tập trung vào các TTTM quy mô lớn (Vincom Center – VCC và VMM) do (i) thị trường bán lẻ Việt Nam đã phát triển hơn do đó nhu cầu về TTTM lớn và tích hợp sẽ tăng lên, và (ii) dễ dàng thu hút các thương hiệu quốc tế và khách thuê cố định với sức chống chịu tốt hơn với các gián đoạn như thời điểm dịch.
Rủi ro đầu tư
1. Tiến độ mở mới các TTTM chậm hơn dự kiến: MBS kỳ vọng VRE sẽ tăng diện tích sàn cho thuê mới (GFA) thêm tổng cộng 1,05 triệu m2 trong giai đoạn 2023-2026, nâng tổng diện tích GFA cho thuê lên mức 2,8 triệu m2 vào cuối năm 2026 (so với mức 3 triệu m2 trong dự báo trước đây của MBS) từ 1,75 triệu m2 hiện tại. Tuy nhiên, tiến độ phát triển các dự án lớn của Vinhomes có thể ảnh hưởng đến kế hoạch mở rộng trung tâm thương mại của VRE.
2. Lo ngại về lạm phát: Kỳ vọng lạm phát có thể tác động không tích cực đến thói quen mua sắm hàng hóa không thiết yếu của người dân.
Khuyến nghị VHC: Trung Lập
CTCK SSI - SSI Research: Trong năm 2022, SSI dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của Công ty CP Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) lần lượt đạt 13,8 nghìn tỷ đồng (tăng 53% so với cùng kỳ) và 2,2 nghìn tỷ đồng (tăng 101% so với cùng kỳ). Điều này có nghĩa là LNST quý 4 năm 2022 giảm 10% so với cùng kỳ. Trong năm 2023, SSI dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 12,6 nghìn tỷ đồng (giảm 9% so với cùng kỳ) và 1,6 nghìn tỷ đồng (giảm 26% so với cùng kỳ).
Tại mức giá 71.000 đồng/cp, VHC giao dịch với P/E năm 2022 và 2023 lần lượt là 5,8 lần và 7,9 lần. SSI đã điều chỉnh giảm P/E mục tiêu cho Sa Giang và mảng Collagen & gelatin từ 11x xuống 10x và sử dụng EPS năm 2023 để đưa ra giá mục tiêu 1 năm mới cho VHC là 69.200 đồng (tiềm năng giảm giá là 3%). Do đó, SSI duy trì khuyến nghị TRUNG LẬP đối với cổ phiếu VHC.
Khuyến nghị CTD: Khả quan
CTCK Mirae Asset Việt Nam - MASVN: Công ty CP Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD) là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam, với hơn 400 dự án đã hoàn thành khắp Việt Nam, cũng như một số nước khu vực Đông Nam Á.
9 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần và lãi ròng đạt 8.307 tỷ và 2 tỷ đồng, tăng 34% và giảm 98% YoY. Điều này phản ánh xu hướng ngành xây dựng trong 9 tháng đầu năm khi giá nguyên liệu tăng cao, sự đóng băng của ngành bất động sản và sự chật vật tìm kiếm nguồn vốn của các doanh nghiệp trong ngành. Áp lực cạnh tranh về giá để duy trì hoạt động đã khiến biên lợi nhuận gộp chung của ngành xây dựng giảm sút.
Lợi thế lớn của CTD là tình hình tài chính vững vàng, ít nợ vay, cũng như lượng tiền gửi tiết kiệm lớn. Lợi thế về tài chính giúp Coteccons đẩy mạnh việc triển khai các mô hình sản phẩm mới Finance - Design & Build (Tài chính - Thiết kế - Xây dựng) để đồng hành cùng các chủ đầu tư trong nhiều công đoạn hơn thay vì chỉ thực hiện xây dựng.
CTD đang trong giai đoạn tái cấu trúc giai đoạn 2021 – 2025 sau giai đoạn thay đổi đội ngũ lãnh đạo. Mặc dù, gặp nhiều khó khăn nhưng nền tảng tài chính vững chắc sẽ là động lực thúc đẩy doanh nghiệp sau giai đoạn khủng hoảng ngành bất động sản. Giá trị dự án đặt hàng chưa thực hiện (BACKLOG) duy trì trên 20.000 tỷ đồng sẽ giúp hoạt động kinh doanh CTD kỳ vọng phục hồi tích cực hơn trong những năm tới. Một số dự án trọng điểm: Lego, Vingroup, Doji,...
Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân đầu tư công 10 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 297.774 tỷ đồng, chỉ đạt 46,4% kế hoạch. MASVN kỳ vọng Chính phủ sẽ có động thái thúc đẩy đầu tư công trong những năm tới, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, cần kích cầu.
Năm 2022, dự báo doanh thu và lãi ròng ở mức 11.594 tỷ và 10 tỷ đồng, lần lượt tăng 28% và giảm 59%YoY. Năm 2023 kỳ vọng CTD sẽ có sự phục hồi khi dự báo doanh thu và lãi ròng đạt 16.109 tỷ và 208 tỷ đồng, tăng 39% và 2.033%YoY: 1) biên lợi nhuận gộp phục hồi từ 3,6% lên 4,8%; 2) mảng xây dựng đạt 16.085 tỷ đồng doanh thu, tăng 18%YoY.
EPS forward 2023 ước đạt 2.780 đồng/cp, tương ứng P/E forward 2023 ở mức 14,1 lần. MASVN đánh giá TÍCH CỰC dành cho CTD: 1) kỳ vọng hoạt động có sự phục hồi mạnh từ năm 2023 sau giai đoạn tái cấu trúc; 2) ngành bất động sản, cũng như mảng đầu tư công Chính phủ kỳ vọng khởi sắc thúc đẩy nhu cầu xây dựng.
Khuyến nghị TCM: Trung lập
CTCK Kiến Thiết Việt Nam (CSI): CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM - HSX) hoạt động chính trong lĩnh vực may mặc (chiếm 98.7% trong cơ cấu doanh thu). Trong đó, doanh thu xuất khẩu chiếm 88%. Các nước có tỷ trọng lớn nhất là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản. Cơ cấu cổ đông của TCM khá cô đặc: E-Land sở hữu 44,96% cổ phần, ông Nguyễn Văn Nghĩa (thành viên HĐQT) sở hữu 16,89%. Với cơ cấu cổ đông cô đặc, giá cổ phiếu TCM thường biến động khá mạnh.
Doanh thu quý III/2022 đạt 1.229,4 tỷ đồng (tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái), lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 3.400 tỷ đồng (tăng trưởng 26%). Tăng trưởng chủ yếu từ mảng may mặc và dệt may, nhờ nhu cầu tăng mạnh sau thời gian giãn cách. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế tháng 10 đạt 13,5 triệu USD (tăng trưởng 17%) và 803 nghìn USD (tăng 922% ).
Lũy kế lợi nhuận sau thuế 10 tháng đạt khoảng 9,84 triệu USD (tăng 99%), hoàn thành 91% so với kế hoạch năm 2022. Bên cạnh mảng kinh doanh may mặc, TCM đang mở rộng sang mảng kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bất động sản, nhưng tỷ lệ doanh thu và lợi nhuận chưa lớn.
Do lạm phát tăng cao làm giảm sức mua tiêu dùng tại các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản khiến đơn hàng của TCM có dấu hiệu giảm sút. Tính đến giữa tháng 11, công ty đã ghi nhận khoảng hơn 85% đơn hàng cho kế hoạch doanh thu quý IV/2022, hiện đang nhận đơn hàng cho quý I/2023.
Đặc thù là doanh nghiệp sản xuất, cơ cấu nguồn vốn của TCM có Tổng nợ/Tổng tài sản tại quý III/2022 đạt 45,6%, tương đối thấp so với ngành, trong đó nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn với 86% trong tổng nợ. Mức sử dụng đòn bẩy tài chính thấp giúp TCM giảm áp lực chi phí tài chính trong bối cảnh lãi suất có chiều hướng tăng cao, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp khi các đối thủ cạnh tranh phải chịu nhiều áp lực vì các chi phí tăng.
Biên lợi nhuận gộp quý III/2022 đạt 17.5%, cao hơn so với cùng kỳ 7.8 điểm phần trăm. So với các doanh nghiệp cùng ngành, biên lợi nhuận của TCM xếp thứ hạng cao. Tuy nhiên ROE của TCM lại thấp hơn đáng kể, nguyên nhân do Thành Công sử dụng đòn bẩy thấp hơn các doanh nghiệp khác. Do đó, chúng tôi đánh giá hoạt động kinh doanh của TCM ổn định. Tuy nhiên, sang năm Quý Mão TCM khó khăn hơn trong hoạt động kinh doanh do đơn hàng giảm sút tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, Nhật Bản khi các nền kinh tế lớn này chậm lại.
Định giá, khuyến nghị: Nhà máy Vĩnh Long 2 với công suất 9 triệu sản phẩm/năm được đưa vào vận hành nhưng tình hình kinh tế tại các thị trường chính chậm lại, tuy nhiên TCM được bù đắp bởi các thị trường khác như Trung Quốc mở cửa trở lại sau dịch, do vậy chúng tôi giả định đơn hàng tăng chậm lại khoảng 10% trong năm 2023.
Với giả định trên chúng tôi dự phóng doanh thu năm 2023 đạt khoảng 4.900 tỷ đồng; EPS tương ứng đạt 3.500 đồng/CP.
Chúng tôi sử dụng phương pháp định giá P/E để xác định giá trị của cổ phiếu TCM. Với P/E trung bình khoảng 8 lần, giá trị hợp lý TCM là 28.000 đồng/CP. Chúng tôi khuyến nghị trung lập với cổ phiếu TCM.
Khuyến nghị KSB: Khả quan với giá mục tiêu 28.200 đồng/CP
CTCK Kiến Thiết Việt Nam (CSI): Ngành khai thác đá xây dựng phụ thuộc vào thời gian trữ lượng khai thác đồng thời liên quan đến tài nguyên không tái tạo nên việc xin cấp phép mới không dễ thực hiện. Vị trí các mỏ đá này đều nằm gần các dự án cao tốc và chất lượng sản phẩm tốt.
Giải ngân đầu tư công với các dự án trọng điểm phía Nam phủ giúp tăng trưởng đầu ra: Nhu cầu vật liệu xây dựng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ khi các dự án đầu tư công trọng điểm quốc gia được hối thúc. Các dự án nổi bật là dự án thành phần của cao tốc Bắc Nam (Đoạn Mai Sơn – quốc lộ 45, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây) và dự án xây dựng sân bay Long Thành. Vị trí các dự án này gần các mỏ đá của CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (KSB - HOSE) đồng thời sẽ kéo theo nhu cầu xây dựng hạ tầng vệ tinh
Thương vụ mục tiêu VLB tăng khả năng đáp ứng nguồn cung nguyên liệu: KSB kế hoạch gia tăng sở hữu CTCP Xây dựng và Sản xuất Vật liệu xây dựng Biên Hòa (VLB) trong quá trình thoái vốn Nhà nước nhằm tạo nền tảng tăng trưởng dài hạn. VLB sở hữu các mỏ có trữ lượng còn lại lớn (khoảng 250 triệu tấn đá) với thế mạnh về diện tích mỏ, chất lượng đá, thời gian khai thác.
Cổ đông lớn của VLB là Công ty TNHH Đầu tư KSB (100% sở hữu thuộc KSB) nắm giữ 9,63% VLB và Tổng công ty Công nghiệp Thực phẩm Đồng Nai (trực thuộc Nhà nước) nắm giữ 49.29%. Theo thông tin không chính thức, KSB hiện đã gia tăng sở hữu lên 41% VLB thông qua phương án trực tiếp và gián tiếp.
Bất động sản khu công nghiệp trở thành trụ cột tăng trưởng mới: KSB đầu tư khu công nghiệp Đất Cuốc – Tân Uyên với diện tích quy hoạch đạt 553 ha nằm trong khi tứ giác kinh tế trọng điểm phía Nam.
So với cùng kỳ, doanh thu thuần quý III/2022 KSB tăng mạnh mẽ 94,1%, trong khi lợi nhuận sau thuế giảm 15,7% chủ yếu do lợi nhuận tài chính suy giảm. Lũy kế từ ba quý đầu năm, lợi nhuận suy giảm 20,4% so với cùng kỳ, kéo dài xu hướng giảm từ đầu năm 2020. Nhưng điểm tích cực là biên lợi nhuận có xu hướng cải thiện tăng trở lại.
Chúng tôi sử dụng phương pháp P/E tính giá trị hợp lý cổ phiếu, theo đó P/E ngành đạt 6,29, EPS forward đạt 4.400 đồng, giá trị hợp lý 28.200 đồng/CP, upside 63%. Chúng tôi giữ quan điểm mua với thời gian nắm giữ 1 năm.
Thông tin bài viết là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp