17/04/2019 12:26
Không thể mãi kêu gọi "người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" khi xu hướng tiêu dùng thay đổi
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho rằng, muốn người Việt dùng hàng Việt thì phải chú trọng vào chất lượng thay vì chỉ kêu gọi.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Hòa tại tọa đàm “Chắp cánh hàng Việt” diễn ra vào sáng 17/4 ở TP.HCM.
Theo ông Hòa, cuộc vận động “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” đã kéo dài 10 năm và có những hiệu ứng tích cực từ xã hội. Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng thay đổi, người mua ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm.
Theo đại diện Sở Công Thương TP.HCM, xu thế hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới trở lên sâu và rộng hơn. Tuy nhiên, có một thực tế là rất nhiều nhóm nông sản, thực phẩm tại các địa phương chưa có sự đồng đều về chất lượng nên không thể thành công tại chính thị trường trong nước chứ chưa nói đến xuất khẩu.
Nếu tiêu chuẩn, chất lượng hàng Việt được nâng cao thì không cần vận động, kêu gọi... người tiêu dùng sẽ ưu tiên dùng hàng Việt. |
Hiện tại, các mặt hàng nông sản thực phẩm đưa ra thị trường vẫn chủ yếu qua các kênh phân phối truyền thống là các chợ. Tuy nhiên kênh phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại…) cũng liên tục gia tăng về mật độ, quy mô do sự đầu tư mạnh tay từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Để vào được kênh phân phối hiện đại bắt buộc các loại nông sản, thực phẩm phải đáp ứng các yêu cầu của nhà phân phối, bán lẻ đưa ra.
“TP.HCM đang thúc đẩy kế hoạch toàn bộ nông sản, thực phẩm đưa vào kênh bán lẻ hiện đại sẽ phải có tiêu chuẩn VietGAP thông qua chương trình chắp cánh hàng Việt. Tiến tới các chợ đầu mối của TP.HCM cũng sẽ phải thực hiện yêu cầu này. Để các sản phẩm không chỉ vào được siêu thị, cửa hàng mà thông qua kênh bán lẻ hiện đại có thể xuất khẩu với số lượng lớn hơn đi các nước”, ông Hòa khẳng định.
PGS.TS Trần Tiến Khai, thuộc Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho hay, tại các nước châu Âu cũng có những giao đoạn nâng cao dần tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm, từ EroGAP mới đi đến GlobalGAP, Organic… Việt Nam cũng sẽ đi qua những bước đó dù có chậm hơn một vài năm, nhưng việc đồng bộ thực phẩm ra thị trường phải đạt VietGAP là cần thiết.
Thực tế, người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi sản phẩm có tiêu chuẩn chất lượng cao hơn. Cụ thể, với thực phẩm thì một xu hướng mới nổi những năm gần đây là thực phẩm hữu cơ. Dù phân khúc này chưa phổ biến trên diện rộng nhưng lại được đánh giá là khá tiềm năng trong những năm tới đây.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp