27/05/2024 08:31
Không phải trà sữa, đây mới là ngành 'hái ra tiền' ở Trung Quốc
"Quán quân" kiếm tiền tại thị trường tỷ dân lại là những hiệu thuốc, số lượng hiệu thuốc tại quốc gia này nhiều tới nỗi cư dân mạng Trung Quốc còn đùa rằng bước ra ngoài, cứ mười bước lại có một hiệu thuốc.
Hiệu thuốc như siêu thị bách hoá
Dù là thành phố lớn cấp một hay quận nhỏ cấp mười tám, hầu như cứ 50m đều có thể nhìn thấy một hiệu thuốc. Một con phố dài 500m có tới 7 hiệu thuốc. Những hiệu thuốc này có mặt ở mọi ngóc ngách trong thành phố và mở cửa 365 ngày trong năm.
Tại Quảng Đông, nơi có số lượng hiệu thuốc nhiều nhất, cũng có một "phố hiệu thuốc" với 11 cửa hàng trong phạm vi 300m, nhiều hơn cả quán trà sữa.
Không những có nhiều hiệu thuốc mà chúng còn được mở khá tuỳ tiện, thậm chí đi ngược lại logic mở quán trà sữa, cà phê. Trong khi các ngành khác phải lựa chọn thời gian và địa điểm, thì hiệu thuốc dường như được mở ra ở bất cứ đâu khi chủ của họ có thời gian.
Đáng chú ý, chỉ khoảng 10 năm trước đây, số lượng hiệu thuốc không nhiều như hiện tại. Nhưng từ khi Trung Quốc bắt đầu cải cách ngành y tế, với việc yêu cầu các nhà thuốc bệnh viện không được thu chênh lệch giá thuốc, dỡ bỏ giới hạn 500m với các nhà thuốc vào năm 2020 và sau đó thay đổi chính sách bảo hiểm y tế vào năm 2021 đã tạo điều kiện cho các nhà thuốc phát triển như "vũ bão".
Về số lượng cửa hàng, chuỗi cửa hàng dược phẩm đã vượt trội so với các cửa hàng độc lập kể từ năm 2017 và tiếp tục tăng cho đến năm 2021. Tính đến cuối năm 2021, đã có 609.700 hiệu thuốc ở Trung Quốc, trong đó có 337.400 là chuỗi cửa hàng (thuộc 6.596 công ty) và 252.300 là những người bán lẻ độc lập. Về doanh số, chuỗi nhà thuốc chiếm 78% thị phần bán lẻ vào năm 2021.
Không chỉ có nhiều hiệu thuốc hơn quán trà mà tổng doanh thu của những hiệu thuốc cũng cực kỳ cao.
Năm ngoái, doanh số bán hàng của thị trường trà, trà sữa tại Trung Quốc đạt 333,38 tỷ NDT, trong khi đó, doanh số bán hàng của các hiệu thuốc đạt 923,3 tỷ NDT, gấp 3 lần so với các cửa hàng trà.
Được hỗ trợ về vốn, ngày càng có nhiều nhà thuốc được mở ra. Đối với một số nhà thuốc riêng lẻ, cách kiếm tiền của họ là mở các hiệu thuốc như siêu thị.
Để tăng doanh thu, các hiệu thuốc khác nhau sử dụng nhiều phương pháp khác nhau, chẳng hạn như các hoạt động "miễn phí khi mở cửa hàng", "khuyến mãi bán hàng đầy đủ" và "đổi quà bằng 0 NDT". Những chương trình này được thay đổi thường xuyên.
Để đáp lại nỗi lo về sức khỏe và mua sắm của người trung niên và người cao tuổi, nhiều hiệu thuốc dành 2/3 địa điểm bán sản phẩm chăm sóc sức khỏe và còn kinh doanh các sản phẩm hàng ngày như gạo, bột mì, ngũ cốc và dầu, khiến việc phân biệt hiệu thuốc và siêu thị từ xa trở nên khó khăn.
Nếu các hiệu thuốc riêng lẻ tương đối thận trọng trong chiến thuật của mình thì các hiệu thuốc theo chuỗi thường xuyên thực hiện nhiều động thái hơn để kiếm tiền.
Nhà thuốc Baitasi lâu đời ở Bắc Kinh tham gia vào các hoạt động văn hóa và sáng tạo và đã cải tạo tầng hai của cửa hàng trụ sở chính thành "Hội trường Văn hóa và Sáng tạo". Tong Hanchuntang, một hiệu thuốc lâu đời ở Thượng Hải, thậm chí đã tung ra "trà sữa thảo dược Trung Quốc" có giá từ 20-35 NDT, ngang bằng với trà sữa cao cấp, và nó đột nhiên trở thành điểm nổi tiếng trên mạng.
Vì người Quảng Đông chú trọng đến sức khỏe và dinh dưỡng, đặc biệt thích cho nhân sâm vào các món súp khác nhau nên hiệu thuốc Dashenlin của Quảng Đông đã tìm thấy cơ hội kinh doanh và trở thành nhà thuốc phổ biến nhờ bán dược liệu bổ dưỡng nhung hươu.
Nhưng Yixintang thậm chí còn đưa việc kinh doanh thuốc lên tới "đỉnh điểm", khi chuỗi này ký hợp đồng với Xổ số thể thao Vân Nam và bán vé số ở các hiệu thuốc, kiếm được 80 triệu nhân dân tệ mỗi năm.
Sau đó, Yixintang cũng mở một cửa hàng thuốc, bày các sản phẩm chăm sóc da, chăm sóc tóc và mỹ phẩm lên kệ cùng với thuốc. Năm ngoái, công ty này đã hợp tác với Sinopec để mở một cửa hàng thuốc trong trạm xăng.
Với việc chủ động quảng bá các chuỗi nhà thuốc, các hiệu thuốc Trung Quốc đã bắt đầu tăng vọt. Theo số liệu cuối tháng 12/2023, chuỗi nhà thuốc đã bước vào "kỷ nguyên nghìn cửa hàng", tiến dần tới mô hình 10.000 cửa hàng tiêu chuẩn tại Trung Quốc.
Kiếm nhiều lãi ít, cố mở rộng để được mua lại?
Tại Trung Quốc, các thương hiệu duy nhất vượt quá 10.000 cửa hàng trong ngành cung cấp thực phẩm nội địa là trà sữa Mixue Bing Cheng, đồ ăn nhanh Wallace, Juewei Duck Neck, Zhengxin Chicken Steak, Guoquan Shihui và Luckin Coffee.
Ở góc độ ngành tiêu dùng mới, mục tiêu 10.000 cửa hàng không dễ đạt được. Phải đến cuối năm ngoái, KFC mới mở cửa hàng thứ 10.000 tại Trung Quốc.
Để đạt được mục tiêu này, các chuỗi nhà thuốc này đã "đốt tiền" trong nhiều năm qua và theo đuổi song song 3 con đường tự xây dựng + mua bán sáp nhập + nhượng quyền.
Tuy nhiên, một số nhà điều hành hiệu thuốc không muốn kiếm tiền bằng cách bán thuốc mà muốn được các công ty lớn nhìn thấy và mua lại.
Lý do đơn giản là vì ngành này không kiếm được nhiều tiền như mọi người vẫn tưởng. Trong ngành còn có một quy định bất thành văn là "bán thuốc không mang lại lợi nhuận".
Một số chuỗi nhà thuốc như Yifeng Pharmaceutical, Dashenlin, Laobaixing Pharmacy và Yixintang có tỷ suất lợi nhuận gộp trung bình gần 40%, nhưng lợi nhuận ròng trung bình chỉ là 5%.
Bản thân việc các nhà thuốc mở bán nhiều sản phẩm khác một phần cũng xuất phát từ việc lợi nhuận của việc bán thuốc thông thường không cao, chưa kể chi phí cho một hoạt động trực tiếp không hề ít, bán thuốc giá thấp đồng nghĩa với việc thua lỗ.
Đối với các thương hiệu chuỗi, điểm thu hút lớn nhất của "hàng nghìn cửa hàng" không chỉ là quy mô có thể mang lại thị trường rộng lớn hơn mà còn đồng nghĩa với việc nâng cao sức ảnh hưởng của thương hiệu, dễ "lọt" mắt xanh của các nhà đầu tư và được mua lại.
Có thể thấy, với tiềm lực mạnh mẽ từ dân số đông, rất nhiều ngành kinh doanh tại Trung Quốc đã đạt được tốc độ tăng trưởng "chóng mặt". Tuy nhiên, ẩn sau sự phát triển vượt bậc đó lại là những mô hình "sớm nở chóng tàn" và nguy cơ tạo xu hướng "ảo".
(Nguồn: Sina Finance)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp