20/04/2024 09:11
'Cơn sốt' trà sữa Trung Quốc xâm chiếm toàn cầu
Thành công tại thị trường nội địa tạo nền tảng cho nhiều thương hiệu trà sữa Trung Quốc tìm kiếm các thị trường mới để khai thác.
Tại một ngã tư ở thành phố Thượng Hải-Trung Quốc, vô số cửa hàng trà sữa vẫn đang mọc lên bất chấp những khó khăn của nền kinh tế. Hàng loạt những cái tên từ ChaPanda, Heytea cho đến Mixue xuất hiện cạnh tranh nhau khốc liệt từng tấc đất với chiến lược "đối thủ ở đâu ta ở đó".
Câu chuyện cũng dễ hiểu khi trà sữa đang dần thống trị Trung Quốc nói riêng và bành trướng ra thế giới nói chung, trở thành một loại văn hóa không thể thiếu. Thậm chí nhiều người còn bị "nghiện" trà sữa.
"Mọi thành phần từ sinh viên, nhân viên văn phòng, người trẻ, người trung niên đều thường xuyên mua trà sữa. Họ chẳng thể sống thiếu chúng được", một nhân viên ChaPanda cho biết.
Khởi nguồn từ thập niên 1980, đồ uống này ban đầu chỉ để giải khát này đang dần lan rộng ra toàn cầu và được người dân ưa chuộng bất chấp kinh tế đang khó khăn.
Đặc biệt ở Trung Quốc, sau khi trở thành một loại văn hóa không thể thiếu trong xã hội, giờ đây các thương hiệu trà sữa bắt đầu muốn bành trướng ra nước ngoài bằng những chiến lược riêng.
"Thị trường nước ngoài là vô cùng tiềm năng", CEO Wang Hongxue của ChaPanda nói trong cuộc họp báo công bố kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại Hồng Kông với kỳ vọng gọi vốn được 330 triệu USD.
Trong khi ChaPanda đã mở cửa hàng đầu tiên tại Hàn Quốc và đang nhắm đến thị trường Đông Nam Á thì đối thủ Heytea lại nhắm đến Mỹ với chi nhánh đầu tiên tại New York vào tháng 12/2023.
Hai ông lớn nhất trong ngành là Mixue và Guming cũng đang có kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại Hồng Kông, đồng thời mở rộng chi nhánh ra quốc tế.
Kể từ khi mở cửa hàng nhượng quyền đầu tiên tại Hà Nội vào năm 2018, Mixue hiện đã có hơn 3.000 chi nhánh bên ngoài Trung Quốc. Những que kem chỉ có giá 10.000 đồng hay các sản phẩm giá rẻ khác của hãng đã thực sự làm nên tên tuổi cho chuỗi trà sữa này.
14 tỷ USD
Số liệu của Hiệp hội chuỗi cửa hàng nhượng quyền Trung Quốc (CCSFA) cho thấy thị trường trà sữa tại nước này năm 2022 có tổng giá trị lên đến 104 tỷ CNY, tương đương 14 tỷ USD và cao gấp đôi so với năm 2018. Con số này ước tính đạt 150 tỷ CNY trong năm 2023.
Với những thương hiệu như ChaPanda, doanh số của các cửa hàng nhượng quyền đã tăng từ 10 tỷ CNY năm 2021 lên 17 tỷ CNY năm 2023 bất chấp nhu cầu tiêu dùng yếu hậu đại dịch.
"Các thương hiệu trà sữa có độ nhận diện tốt hơn các chuỗi cà phê. Thậm chí giờ đây trà sữa không chỉ còn là đồ uống mà trở thành một biểu tượng văn hóa", giám đốc Jason Yu của Kantar Worldpanel cho biết.
Thị trường trà sữa đang cho thấy sức sống mãnh liệt khi nhu cầu tiêu dùng sản phẩm này chẳng hề suy giảm bất chấp người tiêu dùng Trung Quốc tiết kiệm hơn.
Mỗi cốc trà sữa tại Thượng Hải có giá khoảng 15-20 CNY nhưng người dân, bất cứ thành phần già trẻ, đều thường xuyên tiêu thụ. Thậm chí có nhiều người dù cố gắng tiết kiệm nhưng vẫn không chịu cai nghiện trà sữa.
Xin được nhắc rằng kinh tế Trung Quốc đang có mức tăng trưởng thấp nhất nhiều năm qua với chỉ 5%, nhưng trà sữa thì vẫn sống tốt nhờ chuyển mình thành công từ thứ đồ uống giải khát thành biểu tượng văn hóa.
Bành trướng
Mặc dù tình hình kinh doanh vẫn khả quan nhưng các hãng trà sữa cũng nhận ra người dân ít lựa chọn các sản phẩm đắt tiền hơn, qua đó cho thấy mức ảnh hưởng tiêu cực phần nào của nền kinh tế.
Nhà sáng lập Jeffrey Towson của TechMoat Consulting cho hay dù các doanh nghiệp trà sữa vẫn sẽ sống tốt trong thời kỳ suy thoái nhưng như vậy là chưa đủ với các ông chủ.
Ví dụ như Mixue, bằng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm với hơn 30.000 cửa hàng tính đến cuối năm 2023, thương hiệu này có thể bán sản phẩm chỉ với giá 6 CNY.
Trong khi các chuỗi trà sữa chủ yếu tập trung ở đô thị thì Mixue lại phủ sóng khắp Trung Quốc, về tận những vùng nông thôn.
Nhờ tự chủ được nguồn cung ứng với nhà máy, nguyên liệu và dịch vụ hậu cần riêng mà Mixue có thể giảm chi phí vận hành xuống mức thấp nhất có thể. Bởi vậy, Mixue có khả năng bành trướng mở rộng rất mạnh tại thị trường nước ngoài.
Theo hãng tư vấn Daxue, trà sữa hiện nay đang trở thành một làn sóng văn hóa của Trung Quốc khi bành trướng kinh doanh ra quốc tế. Tương tự như phim ảnh hay thời trang, trà sữa hiện đã không chỉ còn là đồ uống mà còn là một công cụ ảnh hưởng mềm khiến mọi giới già trẻ đều mê đắm.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp