05/07/2019 15:49
Không có quốc gia nào “bắt” xe công nghệ phải đeo mào
Không chỉ tại Đông Nam Á mà trên toàn thế giới, hầu như không có quốc gia phát triển nào “bắt” xe công nghệ đeo mào như taxi.
Với xe công nghệ, tính ưu việt của nền tảng kết nối đã giúp giảm thiểu những phiền phức không đáng có cho chủ phương tiện, thúc đẩy họ tham gia vào nền tảng kết nối khi nhàn rỗi để gia tăng nguồn cung cấp đầu xe, góp phần giảm giá cước di chuyển, rút ngắn thời gian chờ đợi và quan trong nhất là… giảm giá thành tối đa cho người dùng.
Với sự xuất hiện và phát triển của các phần mềm kết nối di chuyển, chiếc mào taxi đang dần ít đi. Câu chuyện về quản lý các xe hoạt động trên ứng dụng như thế nào, nhận diện những chiếc xe này ra sao cũng vì thế cũng trở nên sôi nổi hơn.
Mỗi nước có một định nghĩa và một phương thức nhận diện khác nhau. Tuy nhiên có thể khẳng định không có nước nào coi xe hoạt động trên ứng dụng là taxi và yêu cầu xe công nghệ phải gắn mào hay hộp đèn trên nóc.
Indonesia là thị trường lớn nhất Đông Nam Á của tất cả các dịch vụ kết nối di chuyển đang hoạt động tại khu vực. Xe công nghệ được điều chỉnh bởi Luật Dịch vụ vận tải cho thuê đặc biệt, trong đó quy định phương tiện cơ giới công cộng có màu phân biệt với xe khác. Các chữ cái trên biển số cũng thể hiện khu vực đăng ký và hoạt động của phương tiện.
Tại Singapore, các xe công nghệ được yêu cầu dán đề can chống giả mạo, được cấp bởi Cục Giao thông đường bộ Singapore trên kính trước và sau xe. Quốc gia láng giềng Thái Lan thì vẫn đang trong quá trình thảo luận về các điều kiện hoạt động của xe công nghệ.
Bắt xe công nghệ đeo mào là bước đi thụt lùi trong quản lý. |
Ra ngoài khu vực Đông Nam Á, TP. New York của Mỹ, nơi vị trí của những chiếc taxi màu vàng đặc trưng cũng đã bị lung lay ít nhiều trước xe công nghệ. Tuy nhiên, việc “bắt" xe công nghệ phải đeo mào hoặc “mặc đồng phục" vàng giống taxi truyền thống không phải là lựa chọn của thành phố này.
New York chỉ yêu cầu dán 3 đề can của Ủy ban Cấp phép trên kính trước và 2 kính hông phía sau phương tiện. Ủy ban Cấp phép sẽ trực tiếp dán các đề can này. Bên cạnh đó, phương tiện cần dán tem đăng ký, tem kiểm tra, tem thuế trên kính trước phương tiện. Và phương tiện không được có màu vàng của taxi hoặc màu xanh táo.
Trong khi đó, việc xe công nghệ phải đeo mào sẽ xảy ra đầu tiên ở Việt Nam nếu nghị định sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô được thông qua. Thông tin này ngay khi công bố đã gây phản ứng gay gắt trong dư luận và đời sống của hàng nghìn tài xế công nghệ về quy định bắt buộc gắn mào taxi.
Nhiều chuyên gia lo ngại, khi “đeo gông” thì những loại hình “xe công nghệ” sẽ mất đi tính ưu việt, văn minh và đặc biệt, tăng giá cước. Không phải ngẫu nhiên mà mới xuất hiện trên thị trường vài năm trở lại đây nhưng những mô hình công nghệ kết nối di chuyển như Grab, Uber, Fastgo… đều đã đạt được kết qủa ấn tượng và được người tiêu dùng lựa chọn. Bởi tính minh bạch, tiết kiệm và tiện lợi mà trước kia taxi truyền thống không hề có.
Chuyên gia chiến lược Đỗ Hòa cảnh báo, nếu “ép” các nền tảng kết nối vào mô hình của một doanh nghiệp vận tải, trở về đúng bản chất của mô hình taxi truyền thống thì người dân sẽ hết thời đi giá rẻ.
Khi đó, buộc các hãng kết nối phải phình bộ máy, tăng chi phí thuê mặt bằng, chi phí quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng xe, chi phí lương thưởng, chế độ đãi ngộ cho nhân viên… Tất cả chi phí sẽ được doanh nghiệp áp vào giá thành, bao nhiêu cái mới, cái hay, cái tiến bộ sẽ trở nên vô nghĩa.
Có nhiều kinh nghiệm đi xe công nghệ, chị Nguyễn Thị Hòa ở quận 7, TP.HCM cho biết đã từng rất nhiều lần bị tài xế xe công nghệ đề nghị huỷ chuyến khi đặt xe tại sân bay hoặc các trung tâm thương mại với lý do “xe công nghệ bị ngăn cản, không vào được”. Chị Hòa lo ngại, nếu bị đeo mào, các xe này sẽ càng bị ngăn cản nhiều.
“Vậy thì người dùng như chúng tôi sẽ không có cơ hội đón được xe tại các trung tâm thương mại, sân bay, khách sạn... nữa à?”, chị Hòa đặt câu hỏi.
Chuyên gia chính sách công Nguyễn Quang Đồng nhận định, chuyện giải bài toán về các quy định đối với dịch vụ kết nối vận tải cũng đồng thời là giải bài toán chung cho các lĩnh vực khác của các xu hướng kinh tế số như hiện nay và sẽ ngày càng phổ biến hơn trong tương lai gần.
Với cách tiếp cận và phối hợp hợp lý giữa các bộ ngành, không cần phải “ép” Grab, GoViet hay Be vào “ngành vận tải”, Nhà nước vẫn có thể “quản” để các công ty này hoạt động mà không gây tổn hại tới lợi ích công nào.
“Làn sóng công nghệ và giải pháp sáng tạo sẽ thay thế những cái cũ kém hiệu quả hơn là chuyện đương nhiên phải chấp nhận chứ không thể “kìm hãm” theo cách “siết chặt” theo tư duy quản lý nhà nước như hiện nay”, ông Đồng nói.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp