19/12/2022 14:01
Khảo sát cho thấy 35% người dân Nhật nói 'không bao giờ đi du lịch' nữa
Xu hướng nói không với du lịch gia tăng
Một cuộc khảo sát với 16.000 người trưởng thành ở 15 quốc gia do công ty dự báo toàn cầu Morning Consult thực hiện cho thấy, châu Á là nơi có tỷ lệ người nói rằng họ sẽ "không bao giờ đi du lịch" cao nhất.
Khoảng 15% người Hàn Quốc và 14% người Trung Quốc được hỏi cho biết họ sẽ không bao giờ đi du lịch nữa, theo báo cáo "Tình trạng Du lịch & Khách sạn" của Morning Consult được công bố vào tháng 8.
Bắc Mỹ là khu vực tiếp theo với 14% người Mỹ và 11% người Mexico được hỏi cho ra câu trả lời tương tự.
Tuy nhiên, không có quốc gia nào đạt đến mức cao như Nhật Bản, nơi có khoảng 35% số người được hỏi cho biết họ không có ý định đi du lịch nữa.
Lindsey Roeschke, một nhà phân tích du lịch và khách sạn tại Morning Consult, cho biết cuộc khảo sát đã hỏi về "bất kỳ chuyến du lịch giải trí nào" và không phân biệt giữa các kế hoạch du lịch trong nước hay quốc tế.
Bà cho biết những người tham gia khảo sát được hỏi hai lần trong năm nay: vào tháng 4 và tháng 7. Trong thời gian đó, sự tự tin khi đi du lịch của những người Nhật được hỏi đã tăng lên, bao gồm cả những người cho biết họ có kế hoạch đi du lịch trong ba tháng tới (+7 điểm) cũng như 12 tháng tới (+4 điểm).
Nhưng trong cả hai cuộc khảo sát, "số lượng người 'không bao giờ đi du lịch'… ở Nhật Bản đều không thay đổi", bà Roeschke nói.
Theo báo cáo, ngay cả khi có định ý định đi du lịch ngày càng tăng nhưng tỷ lệ tại Nhật Bản vẫn thua xa các quốc gia khác, bao gồm cả những quốc gia ở Bắc Á.
Khoảng 45% người Nhật Bản được hỏi cho biết họ có ý định đi du lịch trong năm tới, so với 65% ở Trung Quốc và 66% ở Hàn Quốc, cuộc khảo sát cho thấy.
Ngược lại, 77% người Đức được hỏi cho biết họ có kế hoạch đi du lịch trong 12 tháng tới.
Người Nhật không muốn đi du lịch ra nước ngoài
Nhiều quốc gia chứng kiến sự bùng nổ du lịch do nhu cầu bị dồn nén và lượng đặt chỗ du lịch nước ngoài tăng mạnh sau khi các nước mở cửa trở lại. Tuy nhiên, người Nhật dường như không như thế, họ không muốn đi du lịch ra nước ngoài.
Dai Miyamoto, người sáng lập công ty du lịch Japan Localized, nói với CNBC vào tháng 5 rằng nhiều người được hỏi "không muốn ra nước ngoài" và đang chọn "đi du lịch trong nước".
Có thể nói rằng đại dịch đã làm giảm số lượng người Nhật quyết định đi du lịch nước ngoài, nhưng tôi nghĩ đồng yên yếu hơn đã có tác động lớn hơn tới điều này.
Tetsuya Hanada - GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH, TABIMORI INC.
Theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản, khoảng 386.000 du khách Nhật Bản đã ra nước ngoài trong tháng 8 – ít hơn nhiều so với khoảng 2,1 triệu người vào tháng 8 năm 2019.
Hideki Furuya, Giáo sư tại Đại học Toyo của Nhật Bản, người nghiên cứu về hành vi của khách du lịch, cho biết một lý do khác khiến người Nhật không muốn đi du lịch nước ngoài là "thói quen ngại rủi ro" của người dân nước này.
Ông cho biết áp lực từ bạn bè cũng sẽ khiến khách du lịch có xu hướng du lịch trong nước để giảm nguy cơ nhiễm Covid-19.
Tetsuya Hanada, Giám đốc điều hành của công ty thực phẩm và du lịch Tabimori Inc. cho biết ông tin rằng tài chính là một yếu tố thậm chí còn lớn hơn.
Ông nói với CNBC Travel: "Có thể nói rằng đại dịch đã làm giảm số lượng người Nhật Bản quyết định đi du lịch nước ngoài, nhưng tôi nghĩ đồng yên yếu hơn đã có tác động lớn hơn".
Việc miễn cưỡng rời khỏi Nhật Bản không phải là mới.
Năm 2019, chỉ 23% công dân Nhật Bản có hộ chiếu - tỷ lệ thấp nhất trong số các quốc gia G7, theo Nikkei Asia.
Chúng tôi hy vọng nhu cầu du lịch quốc tế sẽ sớm quay trở lại như trước năm 2020.
Hideki Furuya - GIÁO SƯ ĐẠI HỌC TOYO
Theo thống kê của Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản, sau sự gia tăng nhanh chóng về du lịch quốc tế trong những năm 1970 và 1980, số lượng công dân Nhật Bản đi du lịch nước ngoài phần lớn đã chững lại kể từ giữa những năm 1990.
Gần như cùng một số lượng công dân Nhật Bản đi du lịch nước ngoài vào năm 2000 và 2017 - khoảng 18 triệu - mặc dù khung thời gian là một trong những khoảng thời gian tăng trưởng đáng kinh ngạc đối với du lịch quốc tế trên toàn thế giới.
"Rào cản ngôn ngữ và thiếu các kỳ nghỉ liên tục là một số lý do khiến du lịch trong nước được ưa chuộng hơn", ông Furuya nói, đồng thời cho biết thêm rằng "môi trường làm việc khiến bạn khó có được các kỳ nghỉ có lương" là một yếu tố khác.
Ông cũng trích dẫn sự hấp dẫn của thiên nhiên, lịch sử và văn hóa của Nhật Bản là lý do khác khuyến khích người dân Nhật thích đi du lịch trong nước.
Điều này sẽ gây thêm áp lực lên các điểm đến phổ biến đối với khách du lịch Nhật Bản, cụ thể là Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Hawaii.
Nhưng theo ông Hanada, theo thời gian, công dân Nhật Bản có thể sẽ đi du lịch trở lại.
Ông nói: "Người Nhật dễ dàng bị số đông làm lung lay, một tình cảm sẽ thay đổi sau 5 năm".
Ông Furuya nói rằng anh ấy hy vọng sẽ không mất nhiều thời gian như vậy.
"Sau khi chứng kiến và nghe thấy mức độ năng động của người phương Tây, chúng tôi hy vọng nhu cầu du lịch quốc tế trước năm 2020 sẽ sớm quay trở lại", ông nói thêm.
Mộ số người ở các quốc gia châu Á cũng có tâm lý tương tự người Nhật
Ngoài Nhật Bản, một số du khách ở các quốc gia khác nói rằng họ cũng đã mất đi niềm đam mê du lịch.
Nghệ sĩ người Anh được biết đến với cái tên Miles Takes nói với CNBC Travel rằng, "việc du lịch quốc tế dường như vẫn còn xa" đối với anh ấy.
"Trước đây, tôi thích đi du lịch và gần đây nhất là vào đầu năm nay, tôi đã đến Singapore và Ba Lan từ London", anh nói. Nhưng "cả hai chuyến đi này đều gây ra sự lo lắng và từ đó trở nên tồi tệ hơn rất nhiều".
Anh ấy nói có nhiều thứ khiến anh không muốn đi du lịch, bao gồm cả Covid, việc đi lại bị gián đoạn và có một người bạn đời dễ bị tổn thương về mặt y tế.
Trong khi đó Daniel Chua, người Singapore, nói rằng anh ấy không vội vàng đi du lịch vì "rất nhiều lý do".
Nhưng Covid không phải là một trong số đó, anh ấy nói.
"Tôi không sợ virus", Daniel Chua cho biết. Anh ấy nói với CNBC Travel rằng anh ấy ít có xu hướng đi du lịch hơn, một phần là do nó tác động đến công việc".
Một chuyến công tác tới châu Âu vào tháng 6 đã khiến anh phải đối mặt với một "mớ hỗn độn" về việc các chuyến bay bị hoãn và thiếu hụt nhân sự, Daniel Chua cho biết. Ngoài ra, cũng theo người đàn ông Singapore này, các cuộc họp ảo là cách sử dụng thời gian làm việc hiệu quả hơn.
Daniel Chua cũng cho rằng tính bền vững là điều không khuyến khích anh đi du lịch, gọi đó là "niềm tin cốt lõi trong công việc và cuộc sống cá nhân".
Nhưng anh thừa nhận xung quanh mình là những người đang đi du lịch.
"Tôi không nói chuyện với họ về lý do tại sao tôi không đi du lịch, không phải để làm vỡ ý định của họ hay, bạn biết đấy, trở thành kẻ phá bĩnh bữa tiệc. Đối với tôi, đó là một quyết định cá nhân", anh nói.
Chua cho biết anh tin rằng có nhiều người cảm thấy giống mình hơn, nhưng họ đi du lịch vì áp lực của bạn bè hoặc vì FOMO - hay "nỗi sợ bị bỏ lỡ".
Tuy nhiên, không ảnh hưởng đến mình, anh nói.
"Tôi đã đi du lịch rất nhiều trước đây", anh nói. "Nhưng hiện không có quốc gia cụ thể nào trên thế giới mà tôi thực sự phải đến thăm ngay bây giờ".
(CNBC)
Tin liên quan
Advertisement