Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Kết tinh trí tuệ toàn Đảng, toàn dân, thể hiện sự thống nhất "ý Đảng-lòng Dân"

Phân tích

27/01/2021 08:39

Theo dõi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sáng 26/1, nhiều cán bộ, đảng viên và người dân bày tỏ đồng tình cao với nội dung Báo cáo cũng như tin tưởng vào chiến lược, trọng tâm mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu ra.
news

Là đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank (đoàn Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương) cho biết, trong dự thảo văn kiện đã định hướng rất nhiều mục tiêu quan trọng cũng như tầm nhìn từ nay đến 2045, đặt ra nhiều nội dung mới, khát vọng xây dựng phát triển đất nước từ nay đến 2030 cũng như đến giữa thế kỷ này.

baochinhphu-vn_leductho1(1).jpg
Ông Lê Đức Thọ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Những nội dung trong dự thảo Văn kiện lần này đã thể chế rõ ràng hơn phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, đây là quan điểm hết sức đúng đắn, bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững.

“Riêng về hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính và kinh tế tổng hợp của đất nước, tôi thấy rằng những nội dung đó đã được đưa vào dự thảo Văn kiện, để từ đó tạo ra cơ sở cho chúng ta thể chế hóa thành các chính sách, pháp luật cũng như quá trình tổ chức triển khai thực hiện có kết quả”, ông Lê Đức Thọ nói.

Ông Lê Đức Thọ bày tỏ, các cán bộ đảng viên và nhân dân hết sức kỳ vọng, mong muốn Đảng sẽ tiếp tục cụ thể hóa, thể chế những nội dung trong đường lối, chủ trương thành các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tiếp tục hoàn thiện bộ máy của hệ thống chính trị để tổ chức triển khai thực hiện thành công các nội dung Nghị quyết trong cuộc sống.

Còn theo TS. Nguyễn Thượng Dũng (Quận 7, TPHCM), trong Báo cáo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sáng suốt nhận định: “Đại hội diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến rất phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn; tuy nhiên các mối đe doạ an ninh truyền thống, phi truyền thống và biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng gay gắt”.

baochinhphu-vn_nguyen-thuong-dung(1).jpg
TS. Nguyễn Thượng Dũng. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Vì thế, nhiệm vụ chiến lược và những bước đi cụ thể cho đất nước trong giai đoạn trước mắt và lâu dài mà Đại hội lần này đưa ra sẽ là những câu trả lời thiết thực mà người dân Việt Nam mong đợi.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đường lối của Đảng phải lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Phải giúp thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với dân…; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Chính vì thế, việc chuẩn bị văn kiện trình đại hội lần này cho thấy sự công phu, chu đáo, qua nhiều vòng, nhiều bước. Thể hiện qua việc tập hợp được hàng triệu ý kiến đóng góp, tổng hợp thành 1.410 trang.

Phương hướng, chiến lược đề cập trong văn kiện thể hiện đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết trong Bài học thứ hai: Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn luôn quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc", tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên trì thực hiện phương châm "dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Chỉ có đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước mới phát huy tính tích cực chính trị-xã hội.

Nhiều đổi mới quan trọng về nội dung, phương pháp

Nhận xét về báo cáo do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày tại phiên khai mạc Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Theo PGS. TS Bùi Hiền, nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, cho biết: Trước hết về hình thức, lần đầu tiên Tổng Bí thư không đọc toàn văn Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương, mà tập trung nêu ngắn gọn, rành mạch những thành tựu, những yếu kém cơ bản trong quá khứ, chỉ ra những nguyên nhân, rồi rút ra những bài học và trên cơ sở phân tích khoa học, toàn diện tình hình thực tiễn trong nước và quốc tế để đề ra những đường lối, phương hướng phát triển vững chắc và khả thi cho mọi mặt hoạt động của đất nước trong ngắn hạn và lâu dài. Điều này hoàn toàn phù hợp với ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng và toàn dân.

baochinhphu-vn_bui-hien(1).jpg
PGS.TS. Bùi Hiền. Ảnh: VGP

Nhà giáo Bùi Hiển chia sẻ ông cảm nhận tức thời một số điều sâu sắc như sau: Trong 35 năm qua, mặc dù đứng trước vô vàn khó khăn, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết tâm giữ vững được định hướng XHCN, chuyển đổi thành công từ nền kinh tế quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường, không bị hòa tan, mà trái lại, còn giành được vị trí ngày càng cao trong thế giới hiện đại.

Tuy nhiên, vì không lường trước được tính chất đặc thù của quá trình chuyển nền kinh tế nên tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội (nhất là đất đai và tài nguyên) đã bị một số cá nhân lợi dụng và gây thành quốc nạn tham nhũng kéo dài, làm thiệt hại to lớn cho xã hội, kìm hãm bước tiến của đất nước, đặc biệt là làm giảm sút lòng tin của dân với Đảng. Nhiệm kỳ Đại hội XII vừa qua, Đảng ta đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đã quyết tâm diệt trừ tham nhũng, nên lòng dân đã yên lòng hơn và tin hơn, khiến Việt Nam đã thu được thắng lợi kép về cả y tế lẫn kinh tế khiến cả thế giới khâm phục.

Nhưng chúng ta không được thỏa mãn và mất cảnh giác như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhiều lần cảnh báo. Bởi vì bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đất nước ta sẽ gặp phải vô vàn khó khăn và thử thách mà chỉ có thể vượt qua và tiến lên được bằng sự lãnh đạo kiên quyết, sáng tạo của Đảng, với lòng quyết tâm, sự tin tưởng, đoàn kết và nỗ lực của toàn dân, nghĩa là con người đóng vai trò tiên quyết. PGS. Bùi Hiền mong muốn từng con người phát huy hết sức lực và tài năng để cùng kề vai sát cánh chấn hưng đất nước rồng tiên, để đất nước thật sự trở thành con rồng châu Á.

TS. Nguyễn Thượng Dũng (Quận 7, TPHCM), phân tích thêm: Báo cáo chính trị lần này nêu ra các giải pháp cụ thể, có nhiều cách nhìn, sự lựa chọn mới trong các vấn đề mấu chốt: Đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, văn hoá, xã hội; tuân theo quy luật thị trường và đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa; tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, bảo vệ tài nguyên, môi trường; phát triển kinh tế, xã hội với bảo đảm quốc phòng...

baochinhphu-vn_nguyen-trung-hieu(1).jpg
Chủ tịch Học viện Wow Academy Nguyễn Trung Hiếu. Ảnh: VGP/Hải Hoa

Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, hướng tới mô hình nông nghiệp sinh thái...Đưa ra chiến lược cụ thể trong phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung, quy mô lớn… Thực hiện tốt Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, kết hợp chặt chẽ với bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tài nguyên, môi trường biển.

“Văn kiện Đại hội thực sự coi trọng, phát huy hiệu quả và vai trò động lực của con người, văn hóa, của giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ trong phát triển đất nước", TS. Nguyễn Thượng Dũng nói.

Đặc biệt, văn kiện Đại hội khẳng định: Kinh tế số và xu hướng quốc tế hoá nguồn nhân lực vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với nước ta.Các nước điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển nhằm thích ứng với tình hình mới.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng.Tại Đông Nam Á, môi trường an ninh, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông còn diễn biến phức tạp… Theo TS. Nguyễn Thượng Dũng, xác định đúng những “mũi xung kích” trong giai đoạn tới là khâu quan trọng để khơi dậy tiềm năng của dân tộc Việt Nam.

Bày tỏ ấn tượng với bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch Học viện Wow Academy cho rằng, bài phát biểu tiếp thêm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền trong thời gian tới.

Phần trình bày của Tổng Bí thư cho thấy, nhiều vấn đề đặt ra từ những năm trước và đến nhiệm kỳ vừa qua đã có kết quả tích cực, cụ thể, rõ ràng. Điều mà ai cũng dễ dàng nhận thấy là nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được phát hiện, xử lý nghiêm minh, có tính răn đe, và chắc chắn từ nay tình hình tham nhũng sẽ được kiềm chế, ngăn chặn.

“Đặc biệt, tôi cảm thấy ấn tượng ở chỗ, trước tình hình và diễn biến thế giới rất phức tạp, nhưng Việt Nam không bị động, bất ngờ mà kiên trì bảo vệ lãnh thổ, quốc gia, dân tộc và giữ vững ổn định, hòa bình, thế và lực của nước ta được nâng cao trên trường quốc tế.

Trước đại dịch COVID-19, rồi thiên tai gây nhiều thiệt hại nhưng với nỗ lực vượt bậc, nước ta vẫn phát triển, tăng trưởng dương, và là một trong những nền kinh tế có mức tăng trưởng cao trên thế giới. Theo tôi, tổng kết năm 2020, trên trường thế giới, có thể nói đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế, cơ đồ và uy tín như hiện nay”, ông Nguyễn Trung Hiếu chia sẻ.

Nhóm PV
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ