27/08/2017 07:14
Kế 'ông mất chân giò, bà thò chai rượu' với ngành ô tô của Bộ Tài chính có hay?
Trong dự thảo văn bản kiến nghị bỏ, giảm thuế nhập linh kiện đối với ngành ô tô, Bộ Tài chính đưa ra điều kiện để doanh nghiệp (DN) được hưởng mức thuế suất 0% thuế nhập khẩu linh kiện khi và chỉ khi sản xuất được lượng xe riêng dung tích 2.000cc ở sản lượng tối thiểu.
Cụ thể, trong kiến nghị với Chính phủ, từ năm 2018 - 2022, Bộ Tài chính đề nghị bỏ thuế nhập khẩu linh kiện lắp ráp, sản xuất ô tô con có dung tích từ 2.000cc từ 30% hiện nay xuống 0% (đối với linh kiện rời) và từ 14 - 16% hiện nay xuống 7% (đối với cụm linh kiện).
Không còn ưu đãi cào bằng và hưởng không
Điều kiện và đầu bài của Bộ Tài chính đưa ra là doanh nghiệp muốn được hưởng mức thuế 0% - 7% phải có sản lượng chung cho toàn xe dung tích 2.000 cc và sản lượng riêng tối thiểu cho từng mẫu xe.
Tiêu chí xác định là: Xe có dung tích từ 2.000 cc trở xuống, tiêu hao nhiên liệu dưới 7 lít/100 km; tiêu chuẩn khí thải mức Euro 4 (giai đoạn 2018-2021) và năm 2022 là tiêu chuẩn khí thải mức Euro 5.
Cụ thể, sản lượng chung tối thiểu năm 2018 là 34.000 chiếc; năm 2019, phải đạt 40.000 xe, năm 2020 là 46.000 chiếc, năm 2021 là 53.000 chiếc và năm 2022 là 61.000 chiếc/năm. Tổng giai đoạn 2018 - 2022 là hơn 234.000 chiếc.
Còn đối với sản lượng riêng của từng loại xe, Bộ Tài chính quy định cả sản lượng và tỷ lệ nội địa hóa bắt buộc.
Năm 2018, phải đạt 20.000 chiếc, tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu 20%; năm 2019, sản lượng riêng là 23.000 chiếc, tỷ lệ nội địa hóa 25%; năm 2020, sản lượng riêng 27.000 chiếc và tỷ lệ nội địa hóa 30%; năm 2021, sản lượng riêng 31.000 chiếc, tỷ lệ nội địa hóa 35%; năm 2022, sản lượng 36.000 chiếc và tỷ lệ nội địa hóa 40%. Tổng sản lượng tối thiểu và tỷ lệ nội địa hóa của giai đoạn 2018 - 2022 là 137.000 chiếc và 40%.
Như vậy, sản lượng tăng lần lượt từ 3.000 chiếc, lên 4.000 chiếc và 5.000 chiếc sau 5 năm, trong khi đó tỷ lệ nội địa hóa yêu cầu mỗi năm tăng thêm 5%, từ 20% năm 2018 đạt mức 40% trong năm cuối của chương trình ưu đãi thuế.
Sản lượng dễ đạt nhưng nội địa hóa lại khó!
Theo các chuyên gia, với đề bài của Bộ Tài chính, không có nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đáp ứng được ngoại trừ ba ông lớn hiện nay là Toyota Việt Nam, Tập đoàn Trường Hải và Tập đoàn Thành Công.
Với Toyota, mẫu xe đáp ứng được sản lượng riêng là Vios, đây là dòng xe được lắp ráp tại Việt Nam luôn có doanh số cao nhất trong các xe của Toyota. Năm 2016, có hơn 17.500 chiếc Vios các phiên bản được bán ra tại Việt Nam; 7 tháng đầu năm, có 11.200 chiếc Vios được bán ra.
Ngoại trừ Vios, hiện Toyota cũng lắp ráp xe Innova, với doanh số bán năm 2016 là hơn 11.300 chiếc, 7 tháng đầu năm cũng đạt hơn 7.000 chiếc.
Sau Toyota là Tập đoàn Trường Hải, khi sản lượng xe sản xuất đủ đáp ứng yêu cầu chung, trong đó hai mẫu có doanh số cao nhất là Kia Morning và Mazda 3.
Cụ thể, Kia Morning năm 2016 doanh số bán đạt hơn 14.800 chiếc, 7 tháng đầu năm là hơn 6.000 chiếc. Còn Mazda 3, doanh số bán năm 2016 là hơn 12.300 chiếc, 7 tháng đầu năm nay là hơn 6.000 chiếc.
Đại diện thứ 3 là Tập đoàn Thành Công,gần đây Hyundai Thành Cônglắp ráp Hyundai i10 bản hatchback và bản sedan tại Việt Nam thay vì nhập từ Ấn Độ. Ông lớn này cũng đưa ra kế hoạch sản xuất hàng chục nghìn chiếc mẫu xe giá rẻ này ở Việt Nam từ năm 2017 trở đi.
Trên thực tế, theo nhiều doanh nghiệp, lắp ráp ô tô yêu cầu về xe riêng có sản lượng tối thiểu không thể làm khó các doanh nghiệp lắp ráp xe trong nước bởi hiện nay các doanh nghiệp này đã có sẵn tiềm lực sản xuất các dòng xe này, có thể tăng tốc sản xuất bất cứ lúc nào.
Cái khó đối với các doanh nghiệp này có thể đến từ yêu cầu tỷ lệ nội địa hoá, bởi từ nay đến năm 2022, các xe 2.000cc muốn được ưu đãi thuế nhập linh kiện phải nội địa hóa tối thiểu 40%, trong khi đó tỷ lệ nội địa hóa của các dòng xe trên vẫn chưa được công bố là bao nhiêu %, ngoại trừ Innonva của Toyota là 37%.
Advertisement
Advertisement