08/11/2019 11:25
Kakeibo: Thủ thuật quản lý tài chính, tiết kiệm hoàn hảo của người Nhật
Trong quyển Nghệ thuật sống Nhật Bản, Jo Peters đã chia sẻ cách nắm bắt nghệ thuật kakeibo, một phương thức lập ngân sách và tiết kiệm tiền nhiều hơn.
Với nguồn gốc từ tư duy Phật giáo, văn hóa Nhật Bản được biết đến với cách tiếp cận chân thành và chánh niệm với cuộc sống, tìm kiếm sự hài lòng thỏa mãn và tư duy “nhiều hơn và ít hơn” để tạo lập được cuộc sống giàu có, vui vẻ và hạnh phúc nhất có thể. Với nghệ thuật Kakeibo, đây là một mẹo quản lý tài chính vô cùng đơn giản và độc đáo. Bạn sẽ thiết lập ngân sách, theo dõi và nắm bắt được thói quen chi tiêu, cuối cùng là tiết kiệm nhiều tiền hơn.
Đây là một quyển sổ sách kế toán được sắp xếp hợp lý, không gì ngoài bút, giấy và một kakeibo (sổ cái tài chính hộ gia đình). Phương pháp này được biết đến rộng rãi nhờ vào Hani Motoko, một nhà báo nữ đầu tiên của Nhật Bản. Cô tin rằng, hạnh phủ chủ yếu phụ thuộc vào nguồn tài chính ổn định. Vì vậy, để giúp các gia đình có cuộc sống tốt hơn, cô đã xuất bản kakeibo đầu tiên trên Tạp chí dành cho phụ nữ vào năm 1904. Nó đã giúp ích cho rất nhiều gia đình trên khắp thế giới nói chung, tại đất nước Nhật Bản nói riêng.
Kỹ thuật quản lý chi tiêu này đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả trong việc kiểm soát dòng tiền. Nó giúp bạn nhìn thấy được bức tranh tổng thể về quá trình thực hiện, những mối ưu tiên quan trọng hàng đầu trong cuộc sống, và sự nỗ lực không ngừng. Nói cách khác, sử dụng kakeibo mang đến yếu tố chánh niệm cho tài khoản của chính bạn.
Ở Nhật Bản, tiền gần như được xem là vô hình, nó hiếm khi được trao tận tay mà chủ yếu qua các loại thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ. Vì vậy, bút và giấy chính là cách tốt nhất để ghi nhận lại các khoản chi tiêu. Khác với các tiện ích, các ứng dụng quản lý chi tiêu trên thiết bị smartphone, giấy và bút sẽ tham gia và quá trình suy nghĩ, giúp bạn tiếp thu thông tin, ghi nhớ và xử lý dễ dàng hơn.
Cách sử dụng kakeibo
Phương pháp kakeibo giúp bạn theo dõi các khoản chi tiêu, mỗi tháng một lần, bằng cách yêu cầu bạn phân loại từng giao dịch. Đến cuối tháng, bạn sẽ có cái nhìn toàn diện về tổng số tiền tiêu xài và cách thức chi tiêu cho từng nhu cầu khác nhau. Bạn cần một tờ giấy A4 cho mỗi tháng và tốt nhất nên ghi chép một lần nữa vào máy tính xách tay. Bằng cách đó, tất cả hồ sơ, thông tin chi tiêu sẽ tập trung tại một nơi. Phương pháp này bao gồm 4 câu hỏi:
Câu thứ nhất: Bạn có bao nhiêu tiền?
Lấy một tờ giấy A4 hoặc một trang trong quyển sổ tay. Ở trên cùng, hãy ghi lại thu nhập hàng tháng của bạn, trừ tất cả các chi phí cố định, chẳng hạn như tiền thuê nhà và các hóa đơn hàng tháng.
Câu thứ hai: Bạn đang chi tiêu bao nhiêu?
Chia giấy của bạn thành bốn cột, mỗi cột với mỗi tiêu đề sau:
Sống sót: Các khoản chi tiêu thường xuyên và cần thiết, chẳng hạn như nhu cầu ăn uống hàng ngày, học phí của con cái, chi phí đi lại…
Giải trí: Chi tiêu cho hoạt động vui chơi, thư giãn cuối tuần như đi cà phê, xem phim, các hoạt động văn hóa, bảo tàng hoặc mua Tạp chí, sách báo…
Tùy chọn: Bất cứ điều gì bạn chọn để chi tiền, như tiệc tùng, các sự kiện xã hội, mua sắm…
Phát sinh: Ví dụ đám cưới, sinh nhật, chi phí sữa chửa, thay mới các đồ dùng trong gia đình.
Trong tháng tới, hãy ghi lại mọi thứ bạn chi tiêu phù hợp với các tiêu chí đã nêu. Hãy cố gắng phân loại chính xác nhất có thể và ghi chép chân thực cho từng nhu cầu cá nhân. Vào cuối tháng, hãy nhìn lại tất cả các khoản thu chi trong tháng. Làm thế nào để mức chi tiêu thấp hơn thu nhập cố định? Các khoản chi tiêu như trên là có cần thiết không? Có thể cắt giảm hoặc thay thế bất kỳ khoản chi tiêu nào được không? Hàng loạt câu hỏi sẽ lẩn quẩn trong tâm trí bạn lúc này.
Câu thứ ba: Bạn muốn tiết kiệm bao nhiêu tiền?
Hãy suy nghĩ và đặt ra cho mình những mục tiêu tiết kiệm tiền có thể đạt được. Nhìn vào từng khoản chi tiêu và những khoản chi tiêu nhiều nhất trong tháng, cố gắng xác định xem phần nào có thể cắt giảm chi phí mà không ảnh hưởng đến tổng thể. Chẳng hạn, bạn có thể thức sớm hơn để nấu ăn và mang đi làm thay vì mua ăn ngoài, hạn chế đi xem phim rạp hoặc thỉnh thoảng mua sắm tại các cửa hàng bán quần áo thanh lý thay vì luôn mua sắm quần áo mới, đắt tiền.
Câu thứ tư: Làm thế nào bạn có thể cải thiện?
Đây là câu hỏi có thể tự vấn chính mình sau khi đã thu thập dữ liệu chi tiêu 2 đến 3 tháng. Bạn đã đạt được mục tiêu tiết kiệm của mình chưa? Bạn đã đạt được bao nhiêu phần trong tổng số mục tiêu đã đặt ra? Mục tiêu đặt ra có thực tế hay khả thi không?
Nếu chưa đạt mục tiêu, hãy thiết lập mục tiêu mới cho tháng tiếp theo một cách khả thi và thực tế nhất, thực hiện thay đổi mục tiêu tiết kiệm hoặc thay đổi thói quen chi tiêu hàng ngày.
Nếu đã đạt mục tiêu, bạn có cảm thấy hài lòng với điều đó không hay bạn lại muốn tiết kiệm nhiều hơn. Với mong muốn tiết kiệm nhiều hơn, bạn sẽ tiếp tục nâng cao mục tiêu trong những tháng sắp tới và nỗ lực hơn nữa.
Theo glamourmagazine.co.uk
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp