17/11/2022 17:57
IPP Air Cargo rút hồ sơ xin giấy phép kinh doanh hàng không
Mới đây, Cục Hàng không đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) liên quan đến việc Công ty cổ phần IPP Air Cargo xin rút hồ sơ và xin dừng thủ tục cấp giấy phép kinh doanh hàng không.
Cuối tháng 10 vừa qua, Công ty cổ phần IPP Air Cargo (công ty con của IPP Group do ông Jonathan Hạnh Nguyễn làm chủ tịch) đã có văn bản gửi Chính phủ, Bộ GTVT và các cơ quan liên quan xin dừng cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa của hàng không IPP Air Cargo.
Cục Hàng không khẳng định, việc xin dừng cấp phép kinh doanh hàng không của IPP Air Cargo là mong muốn chủ quan của doanh nghiệp, không liên quan đến quá trình tiếp nhận, xem xét thẩm định hồ sơ từ Cục Hàng không, Bộ GTVT và Thủ tướng theo Nghị định 89/2019, theo TPO.
Theo Cục Hàng không, do dự án đã hoàn thành việc thẩm định tại Cục nên phí thẩm định sẽ không hoàn lại cho doanh nghiệp mà vẫn phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định.
Với số vốn điều lệ 300 tỷ đồng công ty IPP Air Cargo đã chuyển tài khoản phong tỏa tại ngân hàng, do đã có văn bản xin dừng cấp giấy phép kinh doanh hàng không nên doanh nghiệp có thể chủ động làm việc với ngân hàng, để giải tỏa và nhận về khoản tiền này.
Cụ thể, văn bản do Tổng giám đốc IPP Lê Hồng Thủy Tiên ký nêu rõ doanh nghiệp xin rút toàn bộ hồ sơ xin phê duyệt cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không đã trình hồi đầu năm và dừng các hoạt động cấp phép bay theo quy định. Lý do được đưa ra là xung đột giữa Nga và Ukraine leo thang; kinh tế toàn cầu suy thoái ngày càng hiện hữu, kéo theo hàng loạt hệ lụy về lạm phát, lãi suất tăng, biến động về giá nhiên liệu, theo Dân trí.
Dựa trên nhận định của lãnh đạo WB, IMF thì IPP Air Cargo cho rằng tình hình biến động và bất ổn của thị trường hàng hóa toàn cầu hiện nay cũng như dự báo khó khăn của ngành vận chuyển hàng hóa trong vài năm tới do biến động giá nhiên liệu, nguy cơ suy thoái kinh tế diện rộng. Khi thị trường thế giới ổn định trong tương lai, hãng sẽ cân nhắc trở lại vào thời điểm thích hợp và chấp nhận việc nộp lại hồ sơ xin cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không từ đầu.
Trước khi bất ngờ xin rút lui, dự án hàng không của "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn được cả Bộ Quốc phòng và Bộ Công Thương ủng hộ. Bộ Quốc phòng cho rằng việc cấp phép cho hãng bay IPP Air Cargo thực hiện dịch vụ vận tải hàng hóa, sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành logistics, phù hợp với mục tiêu phát triển tổng thể và chiến lược chung phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Bộ Quốc phòng đồng ý chủ trương cấp phép cho Công ty cổ phần IPP Air Cargo thực hiện dịch vụ vận tải vận chuyển hàng không, đặc biệt thời điểm thị trường hàng không phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Tương tự, Bộ Công Thương cho rằng hiện nay, nước ta có 5 hãng hàng không đang khai thác vận chuyển hàng hóa kết hợp trên chuyến bay chuyên chở hành khách, chưa có hãng hàng không chuyên chở hàng hóa bằng máy bay chuyên dụng.
Thị trường hàng hóa quốc tế của hàng không Việt Nam đang có 29 hãng hàng không nước ngoài khai thác chuyên chở hàng hóa từ 16 quốc gia, vùng lãnh thổ đến Việt Nam, thị phần hàng hóa quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam giai đoạn 2020-2021 chỉ vào khoảng 11% tổng thị phần hàng hóa quốc tế.
Dự án hãng hàng không chở hàng IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư theo hồ sơ là 2.400 tỷ đồng, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu, 70% còn lại sẽ là vốn huy động. IPP Air Cargo đặt mục tiêu sẽ khai thác 5 tàu bay hàng hóa 2 năm đầu, sau đó tăng lên 7 chiếc vào năm thứ 2 và 10 chiếc vào năm thứ 3. Hãng dự kiến có lãi từ năm thứ 4 khi đi vào hoạt động.
Động thái xin dừng cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không chở hàng của Công ty cổ phần IPP Air Cargo diễn ra khá bất ngờ, chỉ 1 tháng sau khi hồ sơ xin cấp phép bay của hãng được thông qua và trình Thủ tướng cho ý kiến. Cùng đó, doanh nghiệp này đã tiến hành ký hợp đồng thuê máy bay, thay đổi màu sơn với nhận diện thương hiệu của hãng, sẵn sàng cất cánh ngay khi có giấy phép. Mọi thứ đã sẵn sàng thì doanh nghiệp đột ngột xin dừng cấp phép.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp