13/11/2023 17:18
HoREA: Năm 2024 số trái phiếu đáo hạn gần 330.000 tỷ đồng, cao nhất 3 năm nay
Hiệp Hội bất động sản TP.HCM (HoREA) mới đây có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ tài chính liên quan trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, năm 2024 giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ lên đến 329.500 tỷ đồng cao nhất trong 3 năm gần đây.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương xem xét trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 5/11/2020 về "quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết" và Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 về "sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế".
Theo đó, HoREA đề nghị sửa đổi Nghị định 132 theo hướng không khống chế "trần" tổng chi phí lãi vay "không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ" của "doanh nghiệp trong nước có giao dịch liên kết" để phản ánh trung thực, đầy đủ, kịp thời "bức tranh" hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Đồng thời đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm minh "doanh nghiệp có giao dịch liên kết" có hành vi "chuyển giá", kê khống chi phí để trốn lậu thuế.
Trong tình hình hiện nay, Bộ Tài chính đang thực hiện nhiều chính sách tài khóa rất hiệu quả để hỗ trợ cộng động doanh nghiệp và người tiêu dùng như cho phép chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; cho phép giảm 2% thuế GTGT, thuế TNDN, thuế môi trường, nên việc khẩn trương xem xét sửa đổi Nghị định 132 cũng là chính sách tài khóa hết sức cần thiết và cấp bách theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15/7/2023.
HoREA cũng đề nghị gia hạn hiệu lực của Điều 3 Nghị định 08/2023/NĐ-CP thêm 12 tháng, đến hết ngày 31/12/2024 (thay vì 31/12/2023) để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ và nhà đầu tư cá nhân đầu tư trái phiếu riêng lẻ trong năm 2024, tạo điều kiện để thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phục hồi và phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, theo .
HoREA cho rằng Nghị định 08 có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành tính cho đến nay mới chỉ thực hiện được 8 tháng (từ tháng 3-11/2023), nhưng đã đạt được một số kết quả rất thiết thực, tháo gỡ phần nào khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung. Đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản, góp phần hỗ trợ cho nền kinh tế và thị trường bất động sản vượt qua khó khăn và đang trong quá trình dần phục hồi trở lại.
Thống kê từ HoREA cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2023 tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 205.867 tỷ đồng, trong đó trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đạt 182.000 tỷ đồng, chiếm 88,5% tổng giá trị phát hành. Đây là tín hiệu cho thấy kênh huy động vốn qua trái phiếu đang dần được cải thiện.
Số liệu HoREA ghi nhận riêng trái phiếu bất động sản đạt khoảng 68.347 tỷ đồng, chiếm 33,25 tổng giá trị trái phiếu phát hành trong 10 tháng đầu năm, đứng thứ 2 sau nhóm ngân hàng.
Thống kê từ Hiệp hội trái phiếu Việt Nam cho thấy riêng trong quý 3 có 22 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng với giá trị 20.424 tỷ đồng, chiếm 14,5% tổng giá trị phát hành; và 129 đợt phát hành riêng lẻ tổng giá trị 139.830 tỷ đồng. Trong quý 3, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản gấp 4,5 lần cùng kỳ, lên đến 29.847 tỷ đồng, chỉ thua nhóm ngân hàng (48.434 tỷ đồng).
Một trong những nguyên nhân khiến thị trường trái phiếu bất động sản sôi động hơn chủ yếu để cơ cấu lại nợ và kéo dài thời gian trả nợ. Tỷ lệ hấp thụ bất động sản 9 tháng đầu năm 2023, theo báo cáo của DatXanh Service, đang giảm khoảng 20%, nguồn cung vẫn khan hiếm. Trong quý 3 tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm trả lãi/gốc đang khoảng 24.900 tỷ đồng.
HoREA thống kê cho thấy sang năm 2024 tổng giá trị trái phiếu đáo hạn lên tới 329.500 tỷ đồng – cao nhất trong 3 năm trở lại đây.
VBMA ghi nhận trong quý 3/2023, các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn lượng trái phiếu trị giá 55.963 tỷ đồng, giảm 9,5% so với cùng kỳ, trong đó, hầu hết đều là trái phiếu thuộc nhóm Ngân hàng (30,186 tỷ đồng, chiếm 53,9% tổng giá trị mua lại). Nhóm Xây dựng và Bất động sản lần lượt đứng sau với 5.955 tỷ đồng (tương đương 10,6%), theo Nguoiquansat.
Áp lực đáo hạn trong quý 4/2023 là không quá lớn với khoảng 61.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn, trong đó nhóm Bất động sản chiếm 40,6%.
Mặc dù thị trường Bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp nhóm này trong giai đoạn gần đây thường xuyên đạt được thỏa thuận gia hạn thời gian trả lãi, gốc trái phiếu với nhà đầu tư. Điều này sẽ hạn chế tình trạng chậm trả lãi, gốc trong ngắn hạn, cho phép các doanh nghiệp có thời gian cơ cấu lại dòng tiền và cải thiện khả năng trả nợ.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp