17/11/2019 21:35
Hồng Kông bị đẩy đến bờ vực suy thoái tồi tệ nhất kể từ năm 1997
Hơn 5 tháng biểu tình đã khiến thành phố này rơi vào cuộc khủng hoảng chưa từng có kể từ khi về lại Trung Quốc năm 1997.
"Hồng Kông đang bị đẩy đến bờ vực suy thoái tồi tệ nhất kể từ khi được trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997, khi thành phố này đang bị nuốt chửng bởi bạo lực và "hận thù" giữa các cuộc biểu tình chống chính phủ đang diễn ra", theo cục trưởng Cục Tài chính Hồng Kông, Paul Chan Mo cảnh báo.
Ông Paul Chan Mo-po lên án các cuộc biểu tình bạo lực, ông nói rằng: "Họ là người trực tiếp gây nguy hiểm cho cuộc sống của những công dân vô tội và cướp đi những giá trị văn minh của thành phố này".
Cục trưởng Cục Tài chính cho biết thêm: "Những hành động như vậy gần giống với khủng bố".
Người biểu tình đập phá các cửa soát vé trong một ga tàu điện ngầm ở Hồng Kông. Ảnh: Winson Wong/SCMP. |
Hàng loạt khách du lịch hủy phòng, các nhà bán lẻ đang đau đầu bởi doanh số giảm mạnh, thị trường chứng khoán chững lại,... đã gây thêm áp lực cho Hong Kong trước sự suy thoái đến từ Đại lục và căng thẳng thương mại kéo dài.
"Cả xã hội đang bị nuốt chửng bởi bạo lực và hận thù. Nó cũng đã đưa Hồng Kông đến một bờ vực cực kỳ nguy hiểm", ông Paul Chan Mo-po cho biết. Nền kinh tế Hồng Kông đã giảm 3,2% trong giai đoạn từ tháng 7-9/2019, so với quý trước. Con số này phù hợp với những đánh giá sơ bộ của giới phân tích trước đó.
Hồng Kông đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng cả năm xuống mức giảm 1,3%, so với ước tính trước đó là từ 0-1%. Điều này đánh dấu sự suy thoái kinh tế hàng năm đầu tiên của đặc khu này kể từ năm 2009.
Nếu biểu tình không sớm kết thúc, các nhà phân tích cảnh báo trung tâm tài chính và thương mại Hồng Kông có khả năng sẽ chìm vào sự suy thoái lâu dài và sâu sắc hơn so với cuộc khủng hoàng tài chính toàn cầu năm 2008.
Nhu cầu tiêu dùng nội địa đã trở nên tồi tệ hơn trong quý III, do các cuộc biểu tình địa phương đã gây tổn thất nặng nề cho các hoạt động liên quan tới tiêu dùng. Triển vọng kinh tế cũng bị đè nặng bởi tâm lí tiêu dùng và đầu tư, nhà cầm quyền Hong Kong cho biết trong một tuyên bố.
Ông Paul Chan nói rằng các cuộc biểu tình đang trở nên bạo lực hơn. Ảnh: Winson Wong/SCMP. |
Kết thúc bạo lực và khôi phục hòa bình là mấu chốt của nền kinh tế Hồng Kông. "Chính quyền sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình, và đưa ra các biện pháp cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp và bảo vệ an toàn cho những doanh nghiệp này", chính quyền Hồng Kông cho biết.
Doanh số bán lẻ tồi tệ nhất trong lịch sử thành phố là giảm tới 23% trong tháng 8 và giảm mạnh 18,3% trong tháng 9 so với cùng kì năm trước. Các hoạt động của thành phố đã bị tê liệt vào 15-16/11. Giao thông gián đoạn đã trở nên phổ biến, các trung tâm mua sắm thương mại đang phải đóng cửa sớm hơn trước kia khi bất ổn leo thang.
Kinh tế giảm tốc đã gây sức ép suy giảm lên thị trường chứng khoán Hong Kong, với chỉ số MSCI Hong Kong Index giảm 18% kể từ mức đỉnh thiết lập hồi tháng 4, dẫn đầu là các nhóm cổ phiếu bất động sản và tiêu dùng.
Hồng Kông từng trải qua những thách thức kinh tế nghiêm trọng trước đây. Như vào đầu thập niên 2000, dịch SARS khiến vùng lãnh thổ này phải đóng cửa vì lo sự lây lan của loại virus chết người. Nhưng sau dịch, lượng du khách tới Hồng Kông và niềm tin doanh nghiệp tại tăng mạnh.
Sự khác biệt của cuộc khủng hoảng hiện nay là không có kỳ vọng và một giải pháp sớm, bởi cả chính quyền và nguời biểu tình đều thể hiện quan điểm cứng rắn.
Trong tháng 7, tỷ lệ thất nghiệp ở Hồng Kông tăng lần đầu tiên trong 2 năm. Trong những tháng tới, một làn sóng sa thải và đóng cửa cơ sở kinh doanh có thể rộ lên ở thành phố này.
Nhằm ứng phó với nền kinh tế suy giảm, chính quyền Hồng Kông đã tung một gói kích thích kinh tế trị giá 2,4 tỉ USD vào tháng 8 vừa qua. Tuy nhiên, theo giới phân tích, xét tới mức độ của cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay, thì gói hỗ trợ này cũng chỉ giống như một đồng bạc lẻ.
Chủ đề liên quan
Advertisement