28/05/2018 16:22
Hơn 25% dự án đầu tư ra nước ngoài được báo... lỗ
Đó là con số mà Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội báo cáo trước Quốc hội hôm nay, 28/5.
Báo Tiền Phong dẫn báo cáo cho biết, đến ngày 31/12/2016 có 18 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước có dự án đầu tư ra nước ngoài, thực hiện đầu tư 110 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 12,608 tỷ USD, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực viễn thông, thăm dò và khai thác dầu khí, trồng cây cao su, khai thác khoáng sản…
Tuy nhiên, báo cáo giám sát cũng thắng thắn chỉ ra rằng, hoạt động đầu tư ra ngoài doanh nghiệp còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Lũy kế tính đến 31/12/2016 đã đầu tư ra nước ngoài trên 7 tỷ USD, có 25,5% dự án báo lỗ, 29% dự án lỗ lũy kế. Lợi nhuận được chia cho bên Việt Nam năm 2016 là 145 triệu USD, tương đương trung bình 2% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện.
Dầu khí là một trong những lĩnh vực được đầu tư ra nước ngoài. |
Về nội dung này, báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, tính đến 31/12/2016 có 18 Tập đoàn, Tổng công ty 100% vốn nhà nước có dự án đầu tư ra nước ngoài, thực hiện đầu tư tại 110 dự án, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực viễn thông, thăm dò và khai thác dầu khí, trồng cây cao su, khai thác khoáng sản…
Tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án là 12.608 triệu USD, trong đó đầu tư lớn nhất là Tập đoàn Dầu khí (bao gồm công ty mẹ và các công ty con trong Tập đoàn) với số vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài là 6.687 triệu USD (chiếm tỷ trọng 53%), thứ 2 là Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel với 2.130 triệu USD (17%), thứ 3 là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam với 1.412 triệu USD (11%). Lũy kế đến 31/12/2016, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện của các doanh nghiệp này là 7.074 triệu USD.
Qua số liệu tổng hợp đến ngày 31/12/2016 cho thấy hiệu quả kinh tế của hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các DNNN thời gian qua còn thấp: 25,5% dự án báo lỗ năm 2016, 29% dự án lỗ lũy kế tính đến 31/12/2016, 46,4% dự án không có báo cáo về doanh thu – lợi nhuận. Lợi nhuận được chia cho bên Việt Nam năm 2016 là 145 triệu USD.
Điều đáng lo ngại được báo cáo của Chính phủ chỉ ra là nhiều dự án đang tiềm ẩn rủi ro về pháp lý tại nước sở tại (như bị rút ngắn thời gian triển khai dự án, tranh chấp đất đai) và rủi ro thị trường (như giá đầu ra giảm mạnh) ảnh hưởng lớn đến hiệu quả dự án. Có dự án bị ngừng cấp bảo lãnh Chính phủ dẫn tới việc phải dừng dự án, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả dự án.
Cũng liên quan đến vấn đề này, báo Người Lao động dẫn lời đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) nhận định nhiều bộ ngành không muốn rời xa DN vốn được coi là sân sau của mình. Điều này có thể là biểu hiện của lợi ích nhóm hoặc là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhóm lợi ích, không khách quan trong xây dựng chính sách, "vừa đá bóng vừa thổi còi".
Theo nữ ĐB tỉnh Bắc Giang, chính điều trên làm giảm hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, tạo ra sự ỷ lại, không chịu vươn lên của DN Nhà nước. Đồng thời, làm méo mó môi trường cạnh tranh, gây ra tham nhũng, lãng phí như nhiều vụ việc xảy ra thời gian qua.
Về việc bảo toàn vốn DN Nhà nước, ĐB Lịch nêu đánh giá: "Đến nay, các DN chỉ bảo toàn vốn về giá trị tài sản trên sổ sách, không tính toán đến yếu tố trượt giá, hao mòn tài sản vô hình cần bù đắp. Vì vậy, sau thời gian hàng chục năm hoạt động thì vốn của DN bị thu hẹp theo cách giá trị con số ghi trên tài sản không thay đổi nhưng giá trị thực tế của tài sản hiện vật của vốn đó giảm nhiều lần, có đơn vị gần như mất hết".
Theo bà, cần xem xét lại chính sách khấu hao, bảo toàn vốn, để làm sao "vốn lúc này là một chiếc ô tô thì 10 hay 20 năm sau, vốn đó phải đủ giá trị mua một chiếc xe có tính năng tương đương".
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp