29/09/2020 10:44
Hơn 21 tỷ USD vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam trong 9 tháng năm 2020
Việt Nam có lợi thế nhất định để đón sự dịch chuyển của dòng vốn ngoại. Hơn 1.900 dự án mới được cấp chứng nhận đầu tư trong 3 quý đầu năm.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng đầu năm 2020, ước tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 21,2 tỷ USD, bằng 81,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Đã có hơn 1.900 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong 3 quý đầu năm. Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 lĩnh vực, trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu về số vốn đầu tư,với tổng vốn đầu tư gần 9,9 tỉ USD, chiếm 46,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu về số vốn đầu tư,với tổng vốn đầu tư gần 9,9 tỉ USD. Ảnh minh họa |
Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai, với tổng vốn đầu tư trên 4,3 tỷ USD, chiếm 20,6% tổng vốn đăng ký.
Cục đầu tư nước ngoài cho biết có 111 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại 60 tỉnh thành Việt Nam. Singapore đang dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 6,77 tỷ USD, chiếm 32% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Nhưng nếu xét theo số lượng dự án mới, Hàn Quốc đứng thứ nhất với 499 dự án, Trung Quốc thứ hai với 271 dự án, Nhật Bản thứ ba với 209 dự án và Singapore thứ tư với 173 dự án.
Tỉnh Bạc Liêu tiếp tục dẫn đầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài với Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu, thuộc Trung tâm Nhiệt điện LNG Bạc Liêu (nhà đầu tư Singapore) có vốn 4 tỷ USD, chiếm 18,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.
TP.HCM đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký đạt 3,25 tỷ USD, chiếm 15,3% tổng vốn đầu tư. Hà Nội đứng thứ ba với 2,92 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Hải Phòng...
Theo các chuyên gia, hiện Việt Nam có những lợi thế nhất định để sẵn sàng đón sự dịch chuyển của dòng vốn ngoại. Nền kinh tế Việt Nam có kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, tăng trưởng cao, tiền tệ ổn định, nhân lực dồi dào cùng vị trí địa lý đắc địa. Bên cạnh đó, việc liên tiếp ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như CPTPP, EVFTA, là điểm cộng lợi thế để Việt Nam thu hút mạnh mẽ dòng vốn FDI.
Việt Nam đang nổi lên là một nước thành công trong ngăn chặn dịch COVID-19, trở thành điểm đầu tư an tâm cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Dân trí |
Việt Nam lại đang nổi lên là một nước thành công trong ngăn chặn, dập dịch COVID-19 và trở thành điểm đầu tư an tâm cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với tình hình kiểm soát dịch bệnh đang rất khả quan như hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài chắc chắn sẽ hướng đến Việt Nam nhiều hơn.
Việt Nam cũng đang đứng trước cơ hội thu hút các dòng đầu tư FDI công nghệ cao trong xu hướng tăng cường dịch chuyển đầu tư, tái cơ cấu và tái định vị các cơ sở sản xuất, nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hạn chế việc quá phụ thuộc vào một thị trường ở khu vực và thế giới.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong kiến nghị để không bỏ lỡ cơ hội thu hút FDI chất lượng cao cần có tư duy mới, với cách làm mới, đáp ứng đúng, nhanh hơn, tốt hơn yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn. Việc thu hút đầu tư cần ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao.
Đặc biệt kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu và thân thiện môi trường.
Hiện cả nước có hơn 32.000 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký hơn 378 tỷ USD.
Một số nhà đầu tư lớn đã và đang có kế hoạch đầu tư tại Việt Nam như Google, Microsoft, Panasonic đang có kế hoạch chuyển một số dây chuyền sản xuất từ các nước trong khu vực vào Việt Nam. Pegatron, Amazon và Home Depot cũng coi Việt Nam là một trong những điểm đến của chuỗi cung ứng...
Advertisement
Advertisement