Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Hơn 100 giáo viên ở Lâm Đồng bỗng nhiên thành... "con nợ"

Vĩ mô

21/03/2018 11:45

Hơn một trăm giáo viên ở huyện Bảo Lâm tỉnh Lâm Đồng nằm trong danh sách bị truy thu hàng chục, thậm chí hơn 100 triệu đồng tiền phụ cấp thu hút.

Hơn một trăm giáo viên của 3 cấp học mầm non, tiểu học và Trung học cơ sở tại Lộc Nam - vùng khó khăn của huyện Bảo Lâm tỉnh Lâm Đồng nằm trong danh sách bị truy thu hàng chục, thậm chí hơn 100 triệu đồng tiền phụ cấp thu hút theo các Nghị định 35, 61 và 116 của Chính phủ.

Việc truy thu khiến đời sống, công tác của giáo viên nơi đây thêm xáo trộn, khó khăn. Trong tổng số 23 trường trên địa bàn huyện, tổng số tiền thu hồi trên 4 tỷ đồng. 

Có giáo viên bị truy thu gần 130 triệu đồng

Các Nghị định 35/2001/NĐ-CP, 61/2006/NĐ-CP và 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ, cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác trong ngành Giáo dục tại các xã đặc biệt khó khăn sẽ được thụ hưởng mức trợ cấp thu hút 70% mức lương cơ bản trong 5 năm (60 tháng) tại các thời điểm các Nghị định được ban hành theo quy định.

Theo đó, các cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác trong ngành Giáo dục tại các vùng đặc biệt khó khăn của huyện Bảo Lâm được các trường lập danh sách và trình lên các cấp có thẩm quyền phê duyệt để hưởng chế độ phụ cấp vào hàng tháng, hoặc hàng quý theo quy định. 

Hàng trăm giáo viên ở vùng khó khăn bị truy thu tiền.
Hàng trăm giáo viên ở vùng khó khăn bị truy thu tiền.

Tuy nhiên, từ tháng 1/2018, UBND huyện Bảo Lâm đã có văn bản số 21 về việc “xử lý kết quả kiểm tra thực hiện chế độ phụ cấp thu hút đối với ngành giáo dục”.

Theo đó,  huyện sẽ truy thu 1/3 số lương hàng tháng. Nhiều giáo viên tại trường mầm non và trường tiểu học xã Lộc Nam cho biết, chế độ chi trả phụ cấp ưu đãi không kịp thời từ năm 2013 – 2016 đến nay mới chi trả nhưng không chi trả đúng quy định lại bị khấu trừ vô lý.

Đúng ra tiền phụ cấp đứng lớp này phải trả vào lương hàng tháng cho giáo viên. Thế nhưng, đến tận tháng 1/2018 mới cho truy lĩnh, một số giáo viên khác thì được chuyển vào tài khoản cá nhân, còn một số giáo viên thì khấu trừ trực tiếp không được chi trả. 

Cô Nguyễn Thị Hạnh, giáo viên dạy Vật lý Trường Trung học cơ sở (THCS) Lộc Nam chia sẻ: “Tôi về trường công tác đã được 21 năm, đã về hưu tháng 6/2017, khi dạy ở đây tôi cũng được hưởng các chính sách như các giáo viên khác, đến tháng 1/2018 tôi có nhận được thông báo của trường đến nhận tiền 35% đứng lớp, truy lĩnh của 3 năm, số tiền tôi nhận được là 54 triệu đồng, nhưng chỉ được chuyển khoản 34 triệu, còn lại bị khấu trừ vào tiền chi sai của nghị định 116”. 

Cùng cảnh ngộ với cô Hạnh, cô Lâm Thị Thắm, giáo viên Trường mầm non Lộc Nam, huyện Bảo Lâm bức xúc nói: “Số tiền bị truy thu của tôi lên đến 150 triệu đồng thì giờ tôi biết lấy đâu mà trả, tôi dạy ở huyện từ năm 1999 đến nay, Lộc Nam thuộc khu vực khó khăn nên các giáo viên được hưởng 72 tháng phụ cấp theo nghị định của tỉnh Lâm Đồng với mức phụ cấp là 40%.

Từ tháng 8/2017 đến nay, tôi cùng một số giáo viên được điều động đến Trường mầm non Lộc Nam. Về chế độ, tôi được hưởng phụ cấp 4 tháng theo Nghị định 61/2006/NĐ-CP với mức phụ cấp  là 70% trong đó 40% phụ cấp đứng lớp cùng 30% chênh lệch và hưởng phụ cấp 54 tháng theo nghị định 116/2010/NĐ-CP. Từ  năm 2013-2016, tôi không nhận được tiền trợ cấp. Tuy nhiên, bắt đầu từ 1/2018 tôi cùng một số giáo viên bị truy thu tiền phụ cấp”. 

Ngày 5/1/2018, UBND huyện Bảo Lâm có ý kiến chỉ đạo sau đợt kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành, giao Trưởng Phòng Giáo Dục và Đào tạo Bảo Lâm tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với hiệu trưởng và phụ trách các trường đã thực hiện chi sai quy định về chế độ phụ cấp thu hút và báo cáo kết quả về UBND huyện.

Bên cạnh đó, giao hiệu trưởng các trường có trách nhiệm thực hiện thu hồi nộp ngân sách số đã chi vượt phụ cấp thu hút, tiếp tục truy lĩnh số còn lại được hưởng và hoàn lại số tiền người lao động nộp dư. 

Theo đó, Đoàn kiểm tra liên ngành đã có số tiền chi tiết của từng giáo viên và các trường học đóng trên địa bàn huyện Bảo Lâm. Trong tổng số 23 trường trên địa bàn huyện tổng số tiền thu hồi trên 4 tỷ đồng. Có những giáo viên bị truy thu lên đến 129 triệu đồng.

Phải nộp thuế 

Trong khi đó, cô Đàm Thị Thành, giáo viên Trường tiểu học Lộc Nam cho biết: “Tôi về trường dạy đã được 31 năm, đầu năm 2018 tôi nhận được thông báo bị truy thu trên 106 triệu đồng, trong đó 46 triệu đồng tiền phụ cấp đứng lớp thuộc nghị định 19 của chính phủ. Điều tôi bức xúc là việc số tiền trên đã bị huyện Bảo Lâm khấu trừ vào thuế mà tôi không hề nhận được một ngàn nào”. 

Điều mà các giáo viên tại huyện Bảo Lâm cho rằng vô lý và rất mâu thuẫn trong truy thu đó là vì sao cô Trương Thị Điểm Nhung, mới chuyển về làm Hiệu trưởng Trường mầm non Lộc Nam được 14 tháng nhưng lại được truy lĩnh số tiền 104 triệu đồng. Trong khi đó, nhiều giáo viên dạy đã trên 20 năm lại bị truy thu số tiền quá nhiều. 

Trước thực trạng trên, ông Lê Đức – Trưởng phòng giáo dục đào tạo huyện Bảo Lâm cho biết: “Việc truy thu số tiền của các giáo viên trong huyện là có văn bản chỉ đạo của Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng nên các cấp huyện và xã là đơn vị thực hiện nên phải tuân theo. Hiện nay, các giáo viên không đồng tình việc truy thu, nhưng hiện tại lộ trình chỉ truy thu dần dần chứ không liền một lúc. 

Ông Võ Thiên Bình – Chủ tịch UBND xã Lộc Nam chia sẻ đời sống người dân nói chung và điều kiện của các giáo viên còn nhiều khó khăn và bất cập. Nên xã cũng có những ý kiến để cấp trên có sự chỉ đạo kịp thời, để người lao động ổn định cuộc sống. 

Trong khi đó, Ông Nguyễn Trung Thành – Phó Chủ tịch huyện Bảo Lâm cho biết, dựa vào những văn bản do Sở Nội vụ đưa ra thì những ai đã nhận đủ và dư số tiền phụ cấp thì phải truy thu, ngược lại những ai chưa nhận đủ sẽ được truy lĩnh đầy đủ. Lý giải việc này ông Thành cho biết quy định là chỉ được hưởng phụ cấp 60 tháng nên việc truy thu và truy lĩnh là hợp lý.

M.ANH
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement