15/01/2020 08:05
Hôm nay, TP.HCM họp để tăng giá đất
Giá đất ở đô thị TP.HCM thấp nhất 1,5 triệu đồng/m2, giá đất thương mại dịch vụ bằng 80% giá đất ở, đất sản xuất kinh doanh bằng 60% giá đất ở.
Hôm nay, ngày 15/1, Kỳ họp bất thường của HĐND TP.HCM khóa IX được tổ chức, dự kiến sẽ thông qua bảng giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất mới. Đây là cơ sở để UBND TP HCM ban hành quyết định bảng giá đất áp dụng trong giai đoạn 2020-2025.
Bảng giá đất này được dùng để tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận đất ở, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân trong hạn mức; tính thuế sử dụng đất, tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai; tính tiền xử phạt, tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại...
Trong tờ trình Sở Tài nguyên Môi trường gửi UBND TP.HCM, giá đất mới cho chu kỳ 5 năm (2020-2025) được đề xuất giữ nguyên mức giá hiện hành của các tuyến đường. Theo đó, giá đất ở cao nhất vẫn là các tuyến đường Đồng Khởi, Hàm Nghi, Lê Lợi (quận 1) với mức 162 triệu đồng/m2.
Giá đất ở đô thị của TP.HCM thấp nhất là 1,5 triệu đồng/m2; giá đất thương mại dịch vụ bằng 80% giá đất ở, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là thương mại dịch vụ bằng 60% giá đất ở; giá đất cao nhất của loại đất nông nghiệp trồng lúa và cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản là 205.000 đồng/m2; loại đất trồng cây lâu năm là 300.000 đồng/m2...
Giá đất ở quận 1 trên bảng giá đất chỉ bằng 1/4 so với giá thị trường. |
Căn cứ tình hình thực tế, Sở cũng đề xuất bổ sung cập nhật thêm 368 tuyến đường mới ở các quận huyện và giá đất trong Khu công nghệ cao, đồng thời loại bỏ giá đất ở 266 tuyến, đoạn đường do đã điều chỉnh.
Theo quy định, khi Nhà nước thu hồi đất hoặc tính tiền sử dụng đất của doanh nghiệp làm dự án sẽ được các cơ quan chức năng thẩm định giá đất cho từng trường hợp cụ thể; trường hợp hộ gia đình, cá nhân được công nhận quyền sử dụng đất, hoặc chuyển mục đích sử dụng đất ngoài hạn mức sẽ phải đóng tiền sử dụng đất theo hệ số điều chỉnh cho UBND TP.HCM ban hành hằng năm.
Trước TP.HCM, hàng loạt địa phương khác cũng đã tăng bảng giá đất. Điển hình như UBND tỉnh Bình Dương vừa công bố dự thảo để lấy ý kiến góp ý của người dân về bảng giá các loại đất giai đoạn sau năm 2020. Đáng lưu ý, bảng giá đất tại tỉnh Bình Dương sẽ tăng mạnh, dự kiến tăng tối thiểu 45% so với hiện nay.
Cụ thể, khu vực TP. Thủ Dầu Một sẽ tăng bình quân 50% so với bảng giá hiện hành. Thị xã Thuận An và Dĩ An tăng bình quân 95% so với hiện hành. Thị xã Bến Cát và Tân Uyên tăng bình quân 60%. Huyện Bàu Bàng và Bắc Tân Uyên tăng bình quân 80%. Huyện Phú Giáo và Dầu Tiếng tăng bình quân 45% so với bảng giá hiện hành.
Lý giải về việc đề xuất tăng bảng giá đất mạnh như trên, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bình Dương cho biết đề xuất phương án bảng giá đất do Nhà nước quy định sẽ tương đương 80% giá thị trường .
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên Môi trường, bảng giá đất ở tại Bình Dương hiện nay chỉ bằng 50% giá phổ biến trên thị trường, còn bảng giá đất nông nghiệp chỉ bằng từ 15-40% giá phổ biến trên thị trường.
Tương tự, UBND TP Đà Nẵng vừa có Tờ trình 8046/TTr-UBND đề nghị Hội đồng Nhân dân TP. Đà Nẵng tại kỳ họp cuối năm 2019 xem xét ban hành bảng giá các loại đất tại Đà Nẵng giai đoạn 2020-2024. Theo dự thảo, bảng giá các loại đất trên địa bàn trong 5 năm tới có tỷ lệ tăng bình quân so với bảng giá đất hiện hành từ 15-20%, tùy theo quận và vị trí lô đất.
Tương tự, Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội “Về giá các loại đất trên địa bàn Hà Nội áp dụng từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024”, giá các loại đất được thành phố đề xuất tăng bình quân 30%.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp