04/02/2018 10:27
Hình mẫu lãnh đạo doanh nghiệp trẻ tương lai
Thời đại công nghệ tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi nhiều hơn ở một người trẻ đứng đầu.
"Đối với một nhà lãnh đạo doanh nghiệp, họ cần phải có độ kiên trì. Ba đến bốn năm mới là quãng thời gian đủ dài để bắt đầu chứng minh cho sự kiên định, lòng quyết tâm và cả sự trung thành đối với công việc."
Hai giáo sư đến từ trường đại học South Carolina (University of South Carolina) chia sẻ về những yêu cầu ở một nhà lãnh đạo doanh nghiệp trẻ hiện nay và mô hình giáo dục giúp quốc gia đang phát triển như Việt Nam đặt nền móng cho một thế hệ những con người thành công trong kinh doanh trong tương lai.
FORBES VIỆT NAM: Mỹ là nơi ươm mầm của rất nhiều doanh nhân trẻ thành công. Từ kinh nghiệm nghiên cứu và làm việc trực tiếp trong nhiều lĩnh vực kinh doanh ở Mỹ, ông định nghĩa thế nào là một lãnh đạo doanh nghiệp trẻ thành công?
GS. TS. HARRIS PASTIDES: Mọi người thường tập trung vào yếu tố kĩ năng, nhưng trước tiên tôi xin nhấn mạnh rằng, đối với những nhà lãnh đạo doanh nghiệp trẻ họ cần phải linh động, sáng tạo, biết làm việc nhóm và có khả năng ngoại ngữ tốt. Nếu không có đầy đủ những tố chất đó, nhiều khả năng robot sẽ thay thế họ.
FORBES VIỆT NAM: Để thành công, yếu tố may mắn là vô cùng quan trọng, nhưng may mắn chỉ có thể được hiện thực hoá một khi doanh nhân đã có sự chuẩn bị kĩ lưỡng. Vậy một doanh nhân trẻ cần trang bị cho mình những gì để vươn đến thành công trong kinh doanh?
GS. TS. HARRIS PASTIDES: Đầu tiên, họ cần có tinh thần làm việc chăm chỉ và sẵn sàng đón nhận tất cả, dù đó là những công việc họ không sẵn sàng, không thích làm, hay kể cả những công việc mà họ phải làm từ đầu.
Bên cạnh đó, cần tránh thay đổi công việc quá nhanh chóng. Đối với một nhà lãnh đạo doanh nghiệp, họ cần phải có độ kiên trì. Ba đến bốn năm mới là quãng thời gian đủ dài để bắt đầu chứng minh cho sự kiên định, lòng quyết tâm và cả sự trung thành đối với công việc.
Điều tiếp theo là họ phải có khả năng chấp nhận thử thách. Nhưng thực ra, sẽ rất tệ khi thách thức đến và vượt quá khả năng bản thân nhưng họ vẫn khẳng định: "Tôi có thể làm được", sau đó họ lại không làm được.
Đối với những người trẻ, khi gặp phải những thách thức quá sức mình, họ không nên nhận lời hoặc bỏ cuộc ngay lập tức, mà nên cân nhắc kĩ lưỡng, dành thời gian nghiên cứu trước khi đưa ra câu trả lời cuối cùng.
Hãy nói rằng: "Hiện tại tôi chưa làm được nhưng hãy để cho tôi suy nghĩ hoặc học hỏi về điều đó vào cuối tuần này, tôi sẽ làm hết sức có thể". Thay vào đó, rất nhiều người thường nói ngay rằng "Tôi không thể làm được" và thế là cơ hội sẽ được trao cho người khác.
"Đối với những nhà lãnh đạo doanh nghiệp trẻ, họ cần phải linh động, sáng tạo, biết làm việc nhóm và có khả năng ngoại ngữ tốt. Nếu không có đầy đủ những tố chất đó, nhiều khả năng robot sẽ thay thế họ." - GS. TS. Harris Pastides, Chủ tịch trường đại học South Carolina (Mỹ).
FORBES VIỆT NAM: Khởi nghiệp là xu hướng đang lên tại Việt Nam, tập trung vào một số ngành kinh doanh đầy tiềm năng như bán lẻ, thương mại dịch vụ và công nghệ. Theo ông, làm thế nào để chuyển hoá những tiềm năng đó thành hiệu quả kinh doanh thực sự?
GS. TS. HAEMOON OH: Tôi xin lấy ví dụ về kinh doanh nhà hàng, một trong những ngành đào tạo của chúng tôi. Trên thực tế, có đến 80% doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nhà hàng thất bại trong vòng hai năm đầu tiên. Trong số 20% còn lại, phần lớn doanh nghiệp cũng phải đóng cửa hai năm sau đó.
Tại sao tỉ lệ thất bại trong lĩnh vực này cao như vậy? Bạn không thể mở một nhà hàng chỉ đơn giản bởi vì bạn là một đầu bếp giỏi trong gia đình. Không nghiêm túc và không được chuẩn bị về kĩ năng và kiến thức trong kinh doanh nhà hàng là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại.
Một ví dụ nữa về bán lẻ, tạp chí Forbes gần đây có đưa tin về các tập đoàn bán lẻ lớn. Macy's đã đóng cửa nhiều cửa hàng trước sự cạnh tranh từ các nhà bán lẻ qua mạng như Amazon.com. Một nhà bán lẻ truyền thống khác là Walmart, chỉ dự kiến chỉ mở mới 12 cửa hàng trong năm 2018 thay vì hàng trăm cửa hàng mỗi năm như trước đây, nhằm tập trung phát triển bán lẻ qua mạng.
Ngành bán lẻ trên thế giới hiện đang trải qua làn sóng chuyển đổi rất nhanh chóng. Để thích nghi với làn sóng này, bản thân ngành bán lẻ của trường đại học South Carolina, dù có thứ hạng hàng đầu tại Mỹ, cũng phải thay đổi để thích nghi khi chuyển hoàn toàn nội dung giảng dạy từ bán lẻ truyền thống sang thương mại điện tử.
"Bạn không thể mở một nhà hàng chỉ đơn giản bởi vì bạn là một đầu bếp giỏi trong gia đình. Không nghiêm túc và không được chuẩn bị về kĩ năng và kiến thức trong kinh doanh nhà hàng là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại." - GS.TS Haemoon Oh, Hiệu trưởng trường Khách Sạn, Bán Lẻ, và Quản Trị Thể Thao (đại học South Carolina).
FORBES VIỆT NAM: Yêu cầu về kĩ năng đối với nhà lãnh đạo doanh nghiệp đang thay đổi như thế nào trong xu hướng số hoá và cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay?
GS. TS. HARRIS PASTIDES: Cách mạng 4.0 cũng giống như các cuộc cách mạng trước đó, con người vẫn là yếu tố nền tảng. Trí tuệ nhân tạo (AI) không thể được tạo ra nếu không có con người. Robot không thể được kiểm soát nếu thiếu sự thông minh của con người. Chúng ta đang sống trong thời đại của thông tin và những lãnh đạo trẻ thành công nhất là những người biết sử dụng lượng dữ liệu thông tin khổng lồ để tạo ra được những gì thực sự có giá trị.
FORBES VIỆT NAM: Làm thế nào để quốc gia đang phát triển như Việt Nam có được một thế hệ các doanh nhân trẻ thành công?
GS. TS. HARRIS PASTIDES: Tôi nghĩ giáo dục đại học kiểu Mỹ là một giải pháp tốt, bởi đó là mô hình đào tạo cân bằng giữa kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm thực tế.
Đối với các nước đang phát triển, điều quan trọng không chỉ là cung cấp cho người học nền tảng kiến thức vững chắc, nhiều kĩ năng mềm mà còn phải tạo cho họ có được cơ hội thực tập trong môi trường đời sống thật. Đây phải là những kinh nghiệm thực tế trong môi trường làm việc và kinh doanh. Nó vô cùng quan trọng đối với những người trẻ bởi nhờ đó, họ có cơ hội va chạm với thực tế, mở rộng hiểu biết và văn hoá.
Học về điều gì đó thông qua sách vở, trên lớp học hay trực tuyến thôi là chưa đủ, mà chúng ta cần phải thực sự nghiên cứu về nó.
FORBES VIỆT NAM: STEM (khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học) trong giáo dục đóng góp thế nào để đào tạo nên lãnh đạo doanh nghiệp trẻ trong tương lai?
GS. TS. HARRIS PASTIDES: Đa phần phát minh và sáng tạo lớn nhất đều xuất phát từ STEM. Chẳng hạn như mạng xã hội, đằng sau đó là ứng dụng (application) và STEM.
Tại Mỹ, chúng tôi có nhiều cuộc thi về toán, chế tạo robot,... dành cho học sinh ngay từ những lứa tuổi nhỏ. Tôi không có ý nói rằng khoa học xã hội, văn hoá, lịch sử hay các lĩnh vực khác không quan trọng, nhưng đối với STEM, cần phải được bắt đầu càng sớm càng tốt. Tôi e rằng sẽ là quá muộn nếu bước lên bậc đại học mới làm quen với STEM.
Tôi biết Việt Nam có truyền thống về STEM, với thế mạnh ở các môn khoa học cơ bản như toán. Tôi hy vọng STEM sẽ được áp dụng nhiều hơn nữa, ở cả nam giới và nữ giới. STEM là nền tảng hoàn hảo cho thế hệ trẻ. Ngay cả khi muốn trở thành doanh nhân trong tương lai, tôi thường khuyên các sinh viên của mình nên bắt đầu bằng những môn học có tính nền tảng trong STEM như toán học hay khoa học, càng sớm càng tốt.
Advertisement
Advertisement