13/03/2018 07:47
Hiệp định CPTPP sẽ tác động tiêu cực đến ngành sản xuất chăn nuôi
Khi CPTPP có hiệu lực, với thuế suất 0% thì các sản phẩm chăn nuôi của Canada, Nhật Bản, Australia... sẽ ồ ạt vào Việt Nam.
Liên quan đến sự kiện Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa mới được ký kết, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, hiệp định này sẽ mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với ngành nông nghiệp của Việt Nam, trong đó có ngành chăn nuôi.
Theo ông Hoàng Thanh Vân, khi CPTPP có hiệu lực, vấn đề thuế suất 0% thì các sản phẩm chăn nuôi của những nước có thế mạnh về chăn nuôi như Canada, Nhật Bản, Australia... sẽ ồ ạt vào Việt Nam. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến ngành sản xuất chăn nuôi trong nước.
Do vậy, nếu không nhanh cải tiến và lựa chọn những sản phẩm lợi thế, đặc trưng để tập trung phát triển thì ngành chăn nuôi sẽ gặp nhiều bất lợi. Bởi sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam hiện có chi phí sản xuất cao hơn so với các nước có ngành chăn nuôi phát triển.
“Dù chúng ta đã có nhiều giải pháp nhằm giảm giá thành sản suất nhưng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn”, ông Vân nói.
Ngành chăn nuôi sẽ bị cạnh tranh gay gắt khi CPTPP có hiệu lực. |
Khi CPTPP có hiệu lực, nếu một sản phẩm đã đăng ký thương hiệu Quốc gia thì có thể xuất khẩu sang tất cả các nước còn lại đã ký kết hiệp định, miễn sao đáp ứng đủ tiêu chuẩn của nước sở tại và không có hạn ngạch. Không chỉ có sản phẩm thô mà cả sản phẩm chế biến của ngành chăn nuôi cũng ồ ạt vào Việt Nam.
Các sản phẩm của nước ngoài rất đa dạng và phong phú, do vậy sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất trong nước, thay đổi cách tiêu dùng truyền thống sang công nghiệp.
Nhưng nó cũng có mặt tích cực, các sản phẩm đặc sản của Việt Nam như lợn Móng Cái, gà Ri, gà H'mong... có thể xuất khẩu sang các nước trong cùng khối. Do đó, bắt buộc các doanh nghiệp trong nước phải thay đổi phương thức quản lý để hội nhập.
Đồng thời, các trang thiết bị phục vụ cho ngành chăn nuôi khi nhập vào Việt Nam sẽ được giảm thuế, góp phần làm giảm chi phí sản xuất.
Liên quan đến vấn đề đầu tư, ông Vân cho biết, thị trường nông nghiệp của Việt Nam hiện đang rất hấp dẫn, bởi kinh tế đang trên đà phát triển, xu thế tiêu dùng cũng đang thay đổi nên Việt Nam có nhiều cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.
“Hiện có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước muốn đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi kể cả về giống và gen, với số tiền lên tới vài nghìn tỷ đồng để xây dựng trung tâm nghiên cứu về gen tại Khu công nghiệp công nghệ cao Láng Hòa Lạc”, ông Vân cho biết.
Theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khi bắt đầu vào CPTPP thì Việt Nam cần sớm nghiên cứu thay đổi thể chế. Bởi khi 11 nước đã ngồi chung với nhau rồi thì phải thực hiện theo cái chung. Cái riêng ở đây chỉ còn là hàng rào kỹ thuật của từng nước, còn cái chung là cải cách thể chế.
Về mặt hàng rào kỹ thuật, cần phải rà soát lại toàn bộ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, xem cái gì thiếu thì phải bổ sung. Đồng thời, khi xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi cần phải đáp ứng được các tiêu chuẩn nước nhập khẩu.
Đáng chú ý, trước đây muốn xuất khẩu một sản phẩm chăn nuôi phải mất từ 6-12 năm. Khi có Hiệp định CPTPP thì đã rút ngắn được thời gian, bởi các nước nằm trong khối đã đồng điệu về mặt văn bản, ký kết, hợp đồng... nhưng vẫn phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao.
“Sau khi nghiên cứu thì tôi thấy Hiệp định CPTPP có tác động tích cực nhiều hơn. Bởi người Việt Nam không chỉ bây giờ mới tiếp nhận mà đã có trong tiềm thức lâu nay rồi. Tôi đã hỏi một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn về vấn đề này, họ bảo không sợ mà cần thể chế manh để các doanh nghiệp này làm” ông Vân nói.
Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết thêm, sắp tới Cục sẽ tổ chức các hội nghị toàn quốc về phát triển chuỗi ngành thịt lợn, thịt gà. Đánh giá lại giải pháp về phương thức chăn nuôi bò theo hướng chăn nuôi gia cầm... để định hướng cũng như tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi cho phù hợp với tình hình mới.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp