13/10/2022 09:49
Hệ thống phòng không IRIS-T mà Đức chuyển giao cho Ukraina uy lực như thế nào?
Đức đã chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không công nghệ cao IRIS-T đầu tiên cho Ukraina để nước này bảo vệ các thành phố khỏi các cuộc tấn công của Nga từ trên không. Vậy, hệ thống phòng không IRIS-T là gì, nó hoạt động như thế nào?
Đây là hệ thống đầu tiên trong số 4 hệ thống dự kiến sẽ được Đức chuyển giao cho Ukraina vào năm tới.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraina Oleksii Reznikov ca ngợi đợt giao hàng đầu tiên là "kỷ nguyên mới" của phòng không trên Twitter vào tối thứ Ba (11/10), trước khi nói thêm rằng các hệ thống tương tự của Mỹ cũng đang được chuyển giao.
Rafael Loss, chuyên gia quốc phòng tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR), nói rằng các hệ thống mới có khả năng tăng cường đáng kể khả năng phòng thủ của Ukraina.
"Khi họ nhận được ngày càng nhiều hệ thống tinh vi hơn và họ có thể tích hợp vào hệ thống hiện có của mình, [...] các cuộc tấn công tên lửa hàng loạt sẽ trở nên khó khăn hơn đối với người Nga và có nhiều khả năng là sẽ có ít dân thường hơn và ít mục tiêu quân sự hơn bị đánh trúng hơn", ông Rafael Loss cho biết và nói thêm rằng, hệ thống này chưa từng được sử dụng trên chiến trường trước đây.
Ông Loss cũng nói rằng, việc chuyển giao là một tín hiệu quan trọng cho thấy những nỗ lực lâu dài của NATO nhằm trang bị cho Ukraina các hệ thống phòng thủ tốt hơn do phương Tây sản xuất.
Mặc dù đã được phát triển từ những năm 1990 và đã trải qua nhiều lần nâng cấp, nhưng phiên bản IRIS-T đang được chuyển giao cho Ukraina, mỗi chiếc có giá khoảng 140 triệu euro (136 triệu USD), là cực kỳ mới.
Các cuộc thử nghiệm cuối cùng được tiến hành vào cuối năm 2021 và quân đội Đức, Bundeswehr, chưa mua bất kỳ chiếc nào. Các phiên bản cũ hơn của hệ thống trước đây đã được Thụy Điển và Na Uy mua lại.
Hệ thống này được sản xuất bởi Diehl Defense, có trụ sở tại Überlingen, miền Nam nước Đức, có nhiệm vụ cung cấp khả năng che phủ tầm trung, tầm cao cho các thành phố nhỏ và các vị trí đóng quân.
Mỗi hệ thống bao gồm ba phương tiện: bệ phóng tên lửa; radar phòng thu và radar điều khiển hỏa lực; hệ thống tích hợp hậu cần và hỗ trợ.
Các tên lửa, sử dụng hình ảnh hồng ngoại để xác định mục tiêu, được cho là có tầm bắn 40 km và độ cao tối đa 20 km và loại được trang bị radar có tầm bắn 250 km. Tên lửa cũng có thể triển khai 360 độ xung quanh bệ phóng.
Theo Diehl, hệ thống này hoạt động hiệu quả nhất khi nó là một phần của "phòng không nhiều lớp", chẳng hạn như kết hợp với hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot PAC-3 do Mỹ sản xuất, có độ cao tối đa cao hơn.
Việc giao hàng sẽ có vẻ chậm chạp đối với nhiều người Ukraina, vì nó diễn ra chỉ vài ngày sau khi một số thành phố của Ukraina bị hàng chục tên lửa của Nga bắn trúng.
Theo báo cáo trên tờ Welt am Sonntag từ tháng 7, Ukraina đã xin phép chính phủ Đức mua 11 hệ thống IRIS-T. Nước này cũng yêu cầu Đức hỗ trợ tài chính cho việc mua bán, số tiền có thể lên tới khoảng 1,5 tỷ euro.
Mặc dù Thủ tướng Đức Olaf Scholz ban đầu hứa sẽ có ít nhất một hệ thống IRIS-T vào tháng 6, nhưng sau đó chính phủ nói rằng những hệ thống đầu tiên sẽ chỉ được chuyển giao vào cuối năm nay. Bây giờ ba IRIS-Ts tiếp theo dự kiến sẽ được gửi tới Ukraina vào năm tới.
Rafael Loss cho rằng vấn đề ở chỗ là do ngành công nghiệp quốc phòng gây ra, hơn là do thiếu ý chí chính trị, vì các hệ thống như vậy phải được xây dựng theo thứ tự. Ông nói: "Một số hệ thống mà Ukraina sẽ nhận từ Đức đang bị chuyển hướng khỏi đơn đặt hàng mà Ai Cập đã đặt trước đó".
(Nguồn: DW)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp